Trẻ con không phải là “người chết”

Google News

Chỉ có người chết mới "không hét to", "không nghịch nước", "không đánh em"…

(Kienthuc.net.vn) - Chỉ có người chết mới “không hét to”, “không nghịch nước”, “không đánh em”…  Đừng bảo trẻ làm những điều mà người chết có thể làm là một quy tắc trong tâm lý học trong việc thay đổi những hành vi không mong muốn ở trẻ em.

Quy tắc người chết, người sống

Tôi từng học về "quy tắc người chết” (dead person rule) trong một khóa học về thay đổi hành vi của một chuyên gia người Mỹ. Nội dung của quy tắc này là đừng bao giờ đề nghị người khác làm điều gì đó mà một người chết cũng làm được.

Chẳng hạn, không la hét là điều người chết cũng có thể làm. Nếu bố mẹ nói với con rằng “con không được hét” thì điều duy nhất con biết là “không được phép la hét”. Sẽ tích cực hơn nếu nói với con rằng “con nói nhỏ thôi” hoặc “con lắng nghe nào”. Thay vì nói trẻ không được làm gì, hãy đưa ra những chỉ dẫn, những lựa chọn tích cực, hành vi hợp lý mà trẻ có thể thực hiện được.

Hãy chỉ cho trẻ những việc trẻ có thể làm được.
Hãy chỉ cho trẻ những việc trẻ có thể làm được

Hóa ra cái tên đáng sợ của nguyên tắc đơn giản này lại giúp ích nhiều cho tôi khi làm mẹ. Những lúc đối diện với đứa nhóc nghịch ngợm, cái gì cũng muốn thử, kể cả leo lan can và “nghiên cứu”  ổ điện thì bạn có thể sẽ tuôn ra hàng loạt câu  “con không được”, “con đừng”…

Nhưng mỗi lần định mở mồm nói "không" với con, tôi ngay lập tức nhớ đến câu “trẻ con không phải là người chết” để chuyển hướng. Thay vì “con không được giành nhau đồ ăn” sẽ là “các con ăn chung nhé”, thay vì “con không nghịch ổ điện” sẽ là “con tránh xa khu vực ổ điện nhé, điện giật sẽ bị đau”, thay vì “con không đi ra giữa đường” sẽ là “con đi một bên lề đường nhé!”…

Điều này nghe có vẻ đơn giản nhưng lại rất hữu ích khi dạy con. Bởi nếu không chú ý, người mẹ sẽ tạo ra một ma trận toàn “không”, “không” và “không” khiến con bối rối và không biết mình nên làm gì. Sự thay đổi hành vi, rèn luyện thói quen tốt chỉ có thể bắt đầu khi mục tiêu rõ ràng, cụ thể và tích cực.

"Học cách nói không" hay "hạn chế nói không”

Người ta thường nói bố mẹ phải “học cách nói không” một cách dứt khoát với con, nhưng thực ra hạn chế nói “không”  cũng là điều chúng ta phải học. Các con cần kỷ luật, nhưng cũng cần được tự do khám phá cuộc sống này.

Một lần, tôi bưng mâm xuống sàn nhà, cuốn nem, dặn 2 nhóc tinh nghịch ngồi cạnh rằng: “Các con ngồi yên để mẹ quấn nem nhé!”. Nhưng vừa dứt lời thì nhóc này cầm lá nem vò vò, nhóc kia lấy thìa ra nghịch thịt. Lấy lại lá nem của đứa thứ nhất thì đứa thứ hai đã bốc thịt cho vào lá nem.

Mở miệng ra định mắng con bẩn, mẹ đã nói rồi con vẫn phá, mẹ bưng nem lên không cho con xem nữa thì giật mình nhìn thấy con gái 2 tuổi mặt háo hức, đang làm động tác cuộn nem y như mẹ.

Quát con trường hợp này đúng không? Thực ra con đang “phá” hay đang “khám phá”? Con nhìn mẹ làm, muốn học cách cuộn nem là ham thích hiểu biết, thích thử, có gì không nên? Nếu mẹ không muốn con nghịch cái gì thì hãy cất chúng lên cao, thay vì để trước mặt con, rồi cấm con thử.

Con đang "phá" hay đang "khám phá"?
Con đang "phá" hay đang "khám phá"?

Nhận ra lỗi của mình, thay vì quát con, tôi “hi sinh” mấy chiếc bánh đa nem, lấy “thịt” là mấy thanh gỗ đồ chơi cho hai nhóc tập cuộn nem mê mải, vui thích.

Trẻ em 1-3 tuổi thích tìm hiểu và thử mọi thứ. Nghịch đất, nhặt đá, leo cầu thang, tháo rời các bộ phận của đồ chơi… cũng là những lúc các em khám phá thế giới. Nếu người lớn lúc nào cũng “không được thế”, “không được đâu” sẽ khiến trẻ nản lòng, cản trở ham muốn hiểu biết mãnh liệt của con, hạn chế cơ hội con phát huy trí thông minh. Bé sẽ tức giận vì bị cấm đoán, lâu dài triệt tiêu ý muốn khám phá, sáng tạo của trẻ.

Thay vì cấm con không được làm cái này, cái nọ, bố mẹ có thể tạo một không gian an toàn cho trẻ tự do khám phá, thử nghiệm, chỉ can thiệp khi bé có thể làm cái gì đó nguy hiểm. Bố mẹ cũng có thể hướng sự chú ý của bé sang một trò chơi khác thay vì nói "không".

Một anh bạn của tôi nói rằng lũ trẻ con cực thích chơi ở phòng anh, vì anh sẽ cho chúng nghịch ngợm đủ thứ, như lấy đống sách trên giá xuống xem, với điều kiện xem xong phải dọn lại. Giải thích cho trẻ hậu quả của hành động và yêu cầu cụ thể khi trẻ đòi làm gì đó cũng là một cách hay đối với trẻ.

Hướng Dương

[links()]

Bình luận(0)