Chị quẹt nước mắt. Những giọt nước mắt của người đàn bà tuổi 50 sao mà đắng chát lòng kẻ đối diện đến vậy: “Em à, ông bà ta dạy “một sự nhịn chín sự lành".
Chị thuộc nằm lòng câu đó từ ngày bắt đầu làm dâu, làm vợ nhưng không ngờ suốt 30 năm nhịn không hề tìm thấy một chút “lành” mà đã thành “nhục” mất rồi em ạ! Chị không muốn nhịn nữa, nhưng con chị lại than, mẹ mà không nhịn ba, gia đình mình tan nát, nhìn tụi con vầy ai dám cưới, dám gả?”. Tôi xin trích một đoạn trong đơn ly hôn của chị (mà chị nhờ tôi viết) để thấy chị đã nhịn đến mức nào:
“…từ mười năm trở lại đây anh H. mỗi lần uống rượu say về là chửi mắng, đánh đập tôi rất nhiều. Là giáo viên nhưng anh chửi vợ bằng những lời rất tục tĩu. Lần gần đây nhất là ngày 25/3/2014, tôi về nhà cha mẹ ruột để dự đám giỗ bà nội thì trưa anh H. cũng theo về, vác ghế đánh tôi tại nhà cha mẹ tôi với lý do “Mày đi lấy trai hay đi đâu mà từ sáng tới giờ?”. Cha tôi tuổi 80 lập cập can ngăn, anh chửi cả ông là “Thằng già không biết dạy con. Đi đâu mà không lo cơm nước cho chồng?”. Người dự đám giỗ lên tiếng can gián, anh bảo: “Vợ tao, tao chửi. Thằng nào có tình ý gì với vợ tao hay sao mà ngăn cản?”. Tôi van xin anh, nếu không sống với nhau được nữa thì cho tôi ly hôn, chứ bao nhiêu năm chịu cực khổ cho cuộc sống gia đình, lại bị chồng đánh đập, chửi mắng thế này nữa thì làm sao tôi sống nổi? Anh trả lời: “Đ.M., tao sẽ hành hạ mày suốt đời chứ ở đó mà ly hôn”.
|
Ảnh minh họa. |
Chị bảo, chắc tại “trời trả báo” vì hồi đó chị cãi lời cha mẹ, quyết định lấy anh với niềm tin sắt đá là tình yêu sẽ hóa giải tất cả, dù lúc đó chị là giáo viên, anh làm nghề nông. Lâu dần công việc hoán đổi lúc nào không biết. Anh có khiếu thể thao, bạn bè khuyến khích đi học. Chị một vai gánh giáo án, vai kia gánh con cái, mẹ chồng già và ruộng vườn cho anh theo học cao đẳng để thành giáo viên thể dục. Anh ra lớp từ sáng sớm, để có thời gian trà nước cùng bạn bè. Chị dạy điểm trường xa hơn, nhưng phải đi muộn hơn, vì phải dậy sớm hơn nấu ăn để sẵn cho mẹ chồng. Cái thời đất nước còn thiếu thốn, khó khăn, điểm trường chị dạy đi ngang nhà ngoại, xúc thêm lon gạo gửi bà ngoại nấu, trưa về mấy mẹ con ăn chung. Mẹ chồng ho khúc khắc trong buồng bên nói vống: “Nhà này thóc cao gạo kém, nuôi con dâu, cháu nội chưa đủ, còn xúc cho anh chị sui nữa. Thiệt là con có hiếu”.
Chị đã biết nước mắt không chỉ có vị mặn từ lúc đứa con đầu lòng được ba tuổi, nhưng ráng nhịn để yên ấm nhà cửa. Nhịn vì danh dự của một cô giáo. Nhịn cho con có cha. Nhịn để người ta thấy không phải mẹ chồng - nàng dâu nào cũng hục hặc. Nhịn riết… vì muốn để cho chồng toàn tâm toàn ý với công việc nên chị bỏ lớp bỏ trường, gánh hết bao công việc không tên của “chức danh” vợ.
Hai con dần lớn, không phải lo cái ăn cái mặc, bệnh đau, chị lại phải sấp ngửa “bắt ghen” chồng với mấy cô giày xanh áo đỏ. Lại nhịn tiếp vì sợ ảnh hưởng việc học của con cái, uy tín của chồng.
Giờ ngấp nghé tuổi 50, xương cốt đã đau nhức, chị càng sợ những trận đòn. Nhưng hơn mười năm qua chị chưa một lần tố cáo hành vi bạo lực của chồng với chính quyền vì “cái nợ mình nó vậy. Thưa ra người ta tù tội, mất việc làm thì mình có được gì đâu. Ảnh còn “hăm”, chị mà thưa, ảnh đi tù vài năm ra, chị “ăn” một chai… là sống không bằng chết. Nên chị sợ. Giờ chỉ muốn được ly hôn và bình yên”.
30 năm làm dâu, làm vợ, làm mẹ, bao nhiêu công sức và nước mắt của chị đã đổ xuống cuộc hôn nhân này nhưng nhà cửa, xe cộ, đất đai đều… đứng tên đứa em trai của chồng.
Chị lại quẹt nước mắt, nói chỉ cần bình yên. Mọi sự đã nhịn 30 năm, giờ nhịn thêm nữa có sao đâu. Nhưng, biết chị có được bình yên thật không?