Chưa bao giờ vấn đề ngoại tình lại được nói đến nhiều như những năm gần đây.
Chưa bao giờ vấn đề ngoại tình lại được nói đến nhiều như những năm gần đây.
|
|
Một số người có tư tưởng bi quan còn cho rằng ngay nay lòng chung thuỷ được coi như của hiếm, đốt đuốc tìm giữa ban ngày cũng khó thấy. Người ta cũng nói rằng nạn ngoại tình đã trở nên phổ biến và người ta cũng đã đưa ra biện pháp này, biện pháp khác để giữ lòng chung thuỷ vợ chồng, nhưng...
Chuyện ở bên Tây
Người ta kể rằng từ lâu ở phương Tây đã chế tạo được khoá trinh tiết. Nó xuất hiện từ thế kỉ thứ 12. Hồi đó xã hội phương Tây rất dâm loạn, nên người ta đã sử dụng khoá trinh tiết để giữ cho người phụ nữ khỏi phản bội chồng. Khoá trinh tiết là một dụng cụ bằng kim loại mỏng, có thể mặc vào người như mặc quần lót vậy. Chiếc quần này chỉ có một lỗ nhỏ để người phụ nữ có thể đi vệ sinh. Chỉ người chồng mới có chìa khoá để mở cái khoá này. Nhưng khoá này đã bị vô hiệu hoá. Một người phụ nữ đã mua chuộc thợ làm khoá để cung cấp cho bà ta một chiếc chìa khoá như của ông chồng. Và khi người chồng đi vắng, anh ta đinh ninh rằng chỉ anh ta mới là chủ của chiếc khoá trinh tiết kia. Nào ngờ, người vợ đã trao chiếc chìa khoa "xơ-cua" cho người tình.
Ở Đức còn lưu giữ bức tranh khắc người đàn bà khoả thân có đeo khoá trinh tiết, một tay đặt lên vai chồng, tay kia đang đưa tiền cho người làm khoá. Ở Pháp có một bức tranh vẽ người đàn bà loã thể, mang khoá trinh tiết đang ngồi bên người chồng sắp đi xa. Phía sau bức màn có một người đàn ông khác đang nấp ở đó. Người đàn ông ấy đang đưa tiền cho người nữ bộc để cô ta trao cho chiếc chìa khoá mở khoá trinh tiết của bà chủ.
Và chuyện ở ta
Chuyện nói trên là những chuyện ở bên Tây. Còn bên ta thì sao? Có một người đàn ông giàu có đã sử dụng mánh khoé lấy được một cô gái trẻ. Vì không muốn mất vợ, ông ta bắt cô vợ bỏ việc, ở nhà chăm sóc gia đình và không được đi đâu nếu không có chồng cùng đi. Vậy mà sống với nhau gần mười năm rồi ông ấy mới phát hiện vợ mình vẫn ngoại tình với anh người yêu trước đây học cùng trường. Thì ra cô vợ đã tranh thủ nửa tiếng tập thể dục buổi sáng để gặp gỡ người yêu. Rồi có lần chàng trai trẻ kia ngang nhiên đến nhà người yêu để gặp gỡ nhau, khi thì trong vai người sửa điện thoại, khi thì trong vai người kiểm tra đồng hồ nước.
Có người vợ cứ nửa tiếng lại gọi điện thoại cho chồng một lần để kiểm tra xem chồng có "ngồi với con nào không". Có lần ngồi trong hội nghị nên anh tắt máy di động, vậy là tối hôm đó anh bị hành hạ bởi những lời đay nghiến của vợ. Tưởng quản chặt thế là yên tâm. Ai ngờ anh có bồ, nhưng chỉ cặp bồ trong giờ hành chính. Để đối phó với sự kiểm tra gắt gao của vợ, anh đã dùng 2 điện thoại di động khác nhau. Một cái dùng công khai, một cái chỉ dùng cho "người ấy". Thế là về đến nhà chị vợ lao ra giật máy điện thoại, mở hết chỗ cuộc gọi bị lỡ, cuộc vừa gọi, cuộc vừa nhận đều không thấy gì khả nghi. Đùng một cái chị nhận được tin "cô kia" vừa sinh "thằng cu" giống chồng chị như đúc.
Có người phụ nữ đã cao tay hơn trong việc phòng chống ngoại tình của chồng. Chị nghĩ rằng "Trong túi không có tiền thì chẳng có con nào nó theo. Đơn giản đi ngồi với nhau trong quán cà phê cũng cần có tiền chứ". Vậy là chị quản lý thật chặt tiền của anh. Mỗi buổi anh đi làm chị chỉ bỏ vào túi anh ba chục nghìn đồng. Chị đã tính cả tiền ăn sáng, tiền bơm xe, tiền vá một miếng săm thủng nếu có. Vậy là chị yên tâm. Nhưng chị có biết đâu rằng chính thái độ của chị như vậy làm anh chán nản mỗi khi về nhà. Chính chị đã đẩy anh đến với một người phụ nữ dịu dàng, tin tưởng, quý mến anh. Họ thường đi chơi với nhau, hoặc ngồi tâm sự hàng giờ trong quán cà phê thơ mộng. Trước khi chia tay, người phụ nữ kia đã kín đáo bỏ vào túi anh vài tờ một trăm nghìn đồng để anh phòng thân. Vậy là chị vợ đã nhầm khi cho rằng mọi cuộc tình ngoài hôn nhân đều phải đổi trao bằng tiền bạc!
Lẽ nào lại chịu...chịu bó tay?
Một người chuyên nuôi chim sáo làm cảnh đã kể với tôi một bí quyết như sau. Khi mua chim về, anh ta tập cho chim ăn chuối chín chấm với muối. Dần dần chú chim quen với cái khẩu vị rất riêng này. Mỗi khi anh bỏ chuối chín không có muối vào, chim không ăn được nữa vì món ăn lạ. Rồi một tháng sau anh mở cửa chuồng chim ra, chim bay đi hai ngày rồi lại thấy bay về. Thì ra tưởng rằng được sổ lồng là sung sướng, ai ngờ chim nhận ra không đâu bằng ở nhà mình. Chim nhớ món chuối chấm muối quá, lại tự động bay về và chui vào lồng để lại được ăn món khoái khẩu. Từ đó chim không bay đi đâu nữa! Không biết có bạn đọc nào rút ra bài học "nuôi chim" để áp dụng vào việc giữ gìn sự chung thuỷ của vợ chồng không?
Để kết thúc bài viết này tôi nhớ đến một câu nói của Shakespeare: " Dùng hai mươi khoá trinh tiết để khoá mỹ nhân lại, thì tình yêu vẫn có thể luồn vào trong đó mở từng ổ khoá một". Như vậy trinh tiết và thuỷ chung liên quan đến tình yêu. Chỉ có tình yêu mới giữ được người ta một lòng vì nhau.
Khi tình yêu không còn, niềm tin đối với nhau không còn thì khó mà nói đến lòng chung thuỷ, bởi con người ta lúc nào cũng cần tình yêu và sự tin tưởng trong nhau. Nếu trong gia đình mà không có tình yêu, không có sự tôn trọng nhau thì ai dám chắc người ta không đi tìm tình yêu ở một người khác!
Theo Đinh Đoàn/Gia đình
[links()]