Khách đến nhà thấy cu Bin vừa chơi vừa ho húng hắng, bèn hỏi thăm. Như bắt được vàng, bà nội Bin bảo: “Ho là đúng, tại mẹ nó không chịu nghe tôi, cứ cum cúp vâng lời mấy lão bác sĩ lang băm đó, khổ thân thằng bé”.
Rồi bà than: “Khổ, giữa đất Hà Nội này mà bác sĩ kiếm không ra người có trình độ, nói gì đến nông thôn. Thằng Bin ho 3 hôm rồi, tối qua đi khám, mẹ nó bảo bác sĩ uy tín lắm đấy, thế mà uống thuốc đến giờ vẫn ho. Ông ấy không cho kháng sinh thì khỏi thế nào được”.
Nói chuyện riêng với mẹ Bin, mới hay bao lâu nay mỗi lần con ốm, chị phải “thi gan” với bà nội chuyện cho bé dùng kháng sinh hay không. Vị bác sĩ mà chị tin tưởng bảo chưa cần thì chị quyết tuân thủ, dù trái ý mẹ chồng. Uống thuốc theo đơn chưa đến một ngày, dĩ nhiên thằng bé chưa thể khỏi ho ngay được, bà nội cứ sa sả mắng rằng bác sĩ đã ngu mà mẹ mày vẫn nghe thì cũng là ngu nốt.
|
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet. |
Bà nội chỉ muốn đưa Bin sang ông bác sĩ trong ngõ, người duy nhất bà cho là có trình độ, vì trẻ con ho hắng thế nào cũng chỉ uống hết gói thuốc của ông ấy là khỏi, không có chuyện lai rai.
Mẹ Bin tâm sự: “Hồi trước, em đã theo bà bế con sang đó khám rồi. Trong lúc chờ, em để ý thấy bệnh nhân dù là người lớn hay trẻ con, tình trạng thế nào, khám xong ông ấy cũng lôi trong ngăn kéo ra một túi zip đựng chừng chừng ấy viên xanh, chừng ấy viên trắng, chừng ấy viên vàng, dặn sáng uống màu nào, tối uống màu nào, chẳng đơn từ gì sất, trăm người như một. Tất cả thuốc đều đã bị lột ra khỏi vỉ, không thể biết là thuốc gì, của hãng nào. Em đoán toàn là thuốc rẻ tiền, trong đó có những kháng sinh rất nặng”.
Sợ quá, mẹ Bin nói với bà nội, bà bảo ai uống cũng khỏi tức là đúng thuốc đúng bệnh, bác sĩ giỏi thế sao phải nghĩ; giỏi thì phải giấu nghề, nên lột hết thuốc ra khỏi vỉ là chuyện bình thường, chứ nếu biết thuốc gì, lần sau bệnh nhân cứ thế tự mua uống thì hóa ra ăn cắp chất xám người ta à. Có lần ông ấy bị thanh tra phạt, vậy mà bà nội vẫn bênh, bảo chẳng qua bọn bác sĩ dốt khác ghen ăn tức ở thôi.
Hàng xóm nhà Bin có bà còn mang tinh thần “phê phán” bác sĩ ghê hơn mấy bậc. Thằng cháu đích tôn nhà bà, như hầu hết đứa trẻ khác ở Việt Nam, thỉnh thoảng cũng bị viêm đường hô hấp trên, rồi sụt sịt, ho hắng. Mỗi lần như thế, bà lại giục con trai và con dâu: “Đưa nó đi cắt a-mi-đan đi, phải cắt thì nó mới hay ăn chóng lớn được”.
Bà viện dẫn, hồi xưa cả mấy đứa con, cứ ngoài 12 tuổi là bà mang đi cắt a-mi-đan tuốt, kiểu như ai đi tàu viễn dương cũng phải cắt ruột thừa. “Chỉ là tiểu phẫu thôi mà”, bà nói, “há miệng ra vài phút là xong”. Con dâu nói, đi khám chả bác sĩ nào bảo thằng bé cần cắt cả, rằng cắt a-mi-đan không phải an toàn 100%, thỉnh thoảng cũng có người chết đấy. Bà bảo đừng nói bậy, để hôm nào chính tao đưa nó đi khám.
Gần đây, thằng bé lại ho. Bà đưa nó đến bệnh viện đa khoa gần nhà, chẩn đoán là viêm họng. Bà hỏi thế a-mi-đan có viêm không, bác sĩ bảo có. “Vậy bác cắt cho cháu nó”. Bác sĩ bảo viêm nhẹ không cắt, uống thuốc là được. Bà chẳng đợi lấy đơn thuốc, lôi thằng cháu đi ra, miệng lẩm bẩm: “Bác sĩ dốt, biết thế lên ngay tuyến trung ương”. Thế rồi dù biết giờ này xếp hàng thì còn khướt mới đến lượt, bà vẫn đưa cháu “lên thẳng trung ương”.
Ở đây, ông bác sĩ khi nghe bà đề nghị cắt a-mi-đan cho thằng cháu thì gắt: “Cắt cắt cái gì? Bà tưởng cắt a-mi-đan giống như cắt móng tay đấy hẳn?”. Đưa chuyện mấy đứa con ra mà ông ấy vẫn không nghe, bà bực lắm, nghĩ bác sĩ trung ương vì đông bệnh nhân quá nên mất hết cả nhiệt tâm, chỉ khám quấy quá cho xong chuyện, bèn quyết định chiều hôm ấy đặt hẹn hẳn với giáo sư ở trung tâm y tế tư.
Nhưng cả vị giáo sư danh tiếng cũng khiến bà thất vọng. Ông giải thích rằng a-mi-đan cũng có chức năng bảo vệ cơ thể. Chỉ trong trường hợp viêm nặng và thường xuyên đến mức chẳng những không làm nổi nhiệm vụ bảo vệ mà còn trở thành gánh nặng gây khổ sở cho đứa trẻ thì mới cắt, nhưng vẫn phải cân nhắc nhiều yếu tố nữa để bảo đảm thủ thuật này là cần thiết và an toàn.
Nghe xong bà chỉ hiểu có một điều: đến ông giáo sư này cũng không chịu cắt a-mi-đan cho cháu bà. “Cả cái Hà Nội này, từ bác sĩ trung ương đến giáo sư tiến sĩ, toàn ngu hết”, bà điên tiết kết luận.
Chỉ tội cho con trẻ
Một bác sĩ có phòng khám tư tại quận Đống Đa, Hà Nội, chia sẻ, nhiều người Việt đánh giá trình độ chuyên môn của bác sĩ theo kiểu rất cảm tính, chẳng hạn uống thuốc vào hết triệu chứng ngay nghĩa là giỏi, lâu hơn thì là dốt; bác sĩ đưa ra chẩn đoán đúng với suy nghĩ của họ thì là giỏi, ngược lại thì là dốt. Nhiều người thậm chí còn mắc phải "hội chứng" luôn luôn chê bác sĩ là ngu, không có trình độ, dù bản thân họ không có chút hiểu biết thường thức nào về y học.
Theo vị bác sĩ này, để bệnh nhân và người nhà tín nhiệm, nhiều thầy thuốc chỉ chú tâm dùng những thuốc chữa triệu chứng để bệnh có vẻ đỡ ngay, nhưng thực tế cái gốc vẫn còn đó. Bệnh nhân thấy hết triệu chứng không dùng thuốc trị gốc bệnh nữa, lại càng tai hại.
Có những bác sĩ, trẻ chỉ bị viêm đường hô hấp sơ sơ đã cho ngay những kháng sinh nặng, người nhà thì phấn khởi vì bệnh nhanh dứt mà không biết rằng về lâu dài, đứa trẻ dễ bị nhờn kháng sinh, những kháng sinh thông thường sẽ khó tác dụng.
“Chính một người quen có lần nói với tôi rằng chị ấy chẳng việc gì phải đi khám, vì các bác sĩ cũng chẳng giỏi gì hơn anh bán thuốc ở đầu ngõ, ốm đau gì cứ kể với anh ta, anh ta sẽ bán cho một mớ thuốc uống vào là khỏi, nếu không đỡ thì ra anh ta đổi thuốc khác mạnh hơn, kiểu gì cũng khỏi”, vị bác sĩ tâm sự.
Cái kiểu đánh giá bác sĩ theo cảm tính một cách nguy hiểm như vậy thể hiện rất rõ trong chuyện chữa biếng ăn của trẻ con. Khi một bà mẹ đưa đứa con biếng ăn đi khám dinh dưỡng, bác sĩ sẽ tùy tình trạng của đứa trẻ để có thể kê một số thuốc bổ sung những chất nó còn thiếu, nhưng điều quan trọng nhất vẫn là tư vấn cho phụ huynh về thực đơn hợp lý, về cách cho trẻ ăn để dần dần giúp trẻ có hứng thú với chuyện ăn uống và nạp đủ chất vào người.
Thế nhưng, nhiều bà mẹ đưa con đến bác sĩ dinh dưỡng lại kỳ vọng sẽ được cho một loại “thuốc thần” nào đó, uống vào sẽ khiến em bé của họ bỗng nhiên ăn như hùm, tăng cân như thổi. Chính họ đã tạo đất sống cho những lang băm vô nhân đạo, kê cho trẻ em những thuốc kích thích ăn uống độc hại hoặc thuốc chứa corticoide gây tăng cân giả tạo, khiến trẻ phổng phao nhưng thực ra cơ thể bị chất độc tàn phá.
Lại có nhiều bà mẹ luôn có tâm lý sốt ruột, điều trị ở bác sĩ A vài ngày chưa khỏi đã bỏ đơn, đưa con sang bác sĩ B, mấy ngày sau lại bỏ sang bác sĩ C, cứ thế con chẳng điều trị đến nơi đến chốn một liệu trình nào nên bệnh không đỡ, còn mẹ thì bi quan về nền y tế, đi đâu cũng than Việt Nam toàn bác sĩ ngu.
Thạc sĩ Lã Linh Nga, Phó trưởng Phòng khám TuNa, Hà Nội, kể, mới đây một phụ nữ đưa cô con gái đang học cấp 3 đến khám vì cháu có nhiều biểu hiện tâm thần, rõ nhất là hoang tưởng, ảo giác. Bà mẹ than thở rằng chị đã đưa con đến rất nhiều chuyên gia tâm lý, từ bệnh viện công đến phòng khám tư, cũng toàn có danh tiếng cả nhưng chẳng ai đủ giỏi để chữa cho con chị.
Hỏi ra, hóa ra nơi nào chị cũng chỉ đưa con đến mấy bận là đã thất vọng từ bỏ. Chuyên gia Lã Linh Nga giải thích, điều trị tâm lý ở đâu cũng phải có quá trình, cần nhiều thời gian, chứ không phải như bị đau cứ uống Efferalgan là hết đau ngay được. Bà mẹ nghe xong ậm ừ. Và đến buổi thứ hai đưa con đến phòng khám TuNa (buổi tư vấn đầu tiên chủ yếu là làm quen, trò chuyện để khai thác, tìm hiểu thông tin), chị đã thắc mắc: “Tại sao mãi mà con chị vẫn chẳng đỡ gì cả thế?”.
Rốt cục, trong những chuyện như thế này, chỉ đứa trẻ là chịu thiệt thòi dù bệnh chẳng đến mức nan y, ít người biết chữa, cũng chẳng phải nhà không có điều kiện. Tất cả chỉ vì phụ huynh quá tự tin vào những “hiểu biết” của mình. Đành rằng đánh giá đúng trình độ của bác sĩ là điều khó với người không có chuyên môn, nhưng nếu ít bảo thủ hơn thì những kiến thức phổ thông trên sách báo cũng đủ để họ nhận biết, đâu là nơi đáng tin cậy để “gửi gắm” con mình.