Chị điện thoại giữa đêm, giọng ướt nhòe, nói anh chị đã bỏ nhau rồi. Tôi không giấu được ngạc nhiên vì chị đã 50; người chồng này, theo lời chị, là “bến cuối” của chuyến xe đời.
Hai “bến” trước, “bến” thứ nhất đỗ lại khi chị hơn 20 tuổi. Có với nhau hai đứa con rồi vẫn phải thôi vì anh này quá ỷ lại, không chịu làm ăn gì. “Bến” thứ hai khi chị hơn 30, anh ít học nhưng được nết hay lam hay làm, không ăn xài ỷ lại. Tưởng đã yên bình, không ngờ sau sáu tháng chung sống, chị mới biết anh ghen rất “sấm sét”. Chị làm cửa hàng buôn gỗ xây dựng, có nhiều đối tác, khi thì lái gỗ, chủ thầu, lúc là những nông dân cần bán gỗ vườn, gỗ tạp. Mỗi ngày chị phải trò chuyện với bao nhiêu là khách. Hồi đó, anh cũng là một trong các ông khách mua gỗ của chị. Vậy mà giờ anh ghen đến nỗi, sáng thấy chị mặc bộ đồ đèm đẹp anh cũng chửi: “Hôm nay mày tiếp thằng thầu nào mà mặc đẹp cho xứng đôi với nó vậy?”.
|
Ảnh minh họa. |
Năm lần bảy lượt như thế, chị chán, cứ bộ đồ nhà bếp mặc luôn ra cửa hàng, anh kêu lại: “Hôm nay mày tiếp thằng nông dân nào mà xuề xòa cho giống nó vậy?”. Mỗi lần anh nói kiểu đó, chị khôn hồn thì đừng cãi lại, càng không nên thay bộ quần áo khác, mà muốn yên thì… trở vô nhà. Cửa hàng vắng bà chủ, nhân viên không biết xoay đường nào, khách đến tìm lần một, lần hai không gặp chủ thì bỏ sang cửa hàng khác. Vậy là doanh thu xuống, lương nhân viên thâm hụt theo ngân quỹ gia đình. Không chấp nhận được một người chồng cứ mở miệng ra là mày, tao, lúc nào cũng ghen tuông vô cớ, chị quyết định chấm dứt cuộc hôn nhân ở tuổi 40, dù đã có với anh ta một công chúa ba tuổi.
Ngoài 40, chị vẫn đẹp, vẫn giỏi giang, duyên dáng. Ba đứa con rất thương yêu nhau, biết bảo ban nhau học hành, phụ mẹ việc nhà. Có người đánh tiếng xin… làm bạn, chị cười: “Em chỉ ưa ông bạn nào nhiều chữ, biết ga lăng, yêu thương, dịu dàng với em. Không cần ông ấy giỏi kiếm tiền, chỉ cần đừng phá của là được”. Lời tưởng như đùa ấy không ngờ lại đưa chị gặp một ông… nhà thơ. Người chồng có tâm hồn “treo ngược cành cây” này hóa ra lại rất đạt chuẩn của chị. Anh không làm ra tiền nhưng biết làm cho chị vui bởi những bài thơ khen vợ ngút ngàn.
Anh đã hơn 50, những chứng bệnh tuổi già bắt đầu len lỏi vào cơ thể sau mấy mươi năm lang bạt kỳ hồ, bia rượu nhiều hơn cơm cháo. Chị đã phải thủ sẵn sâm Cao Ly, nhung hươu... để bồi bổ sức khỏe cho chồng. Tốn nhiều nhưng chị vui vì anh rất ga-lăng, rất dịu dàng. Hai năm chung sống, chưa có ngày kỷ niệm nào của hai vợ chồng mà anh quên tặng hoa và… thơ cho vợ. Thơ anh viết tặng vợ nhiều đến nỗi, từ cửa hàng tới phòng ngủ đều treo đầy. Bài nào được đăng báo, anh lồng khung kính, treo ở những vị trí trang trọng nhất trong căn nhà hai tầng của chị.
Hai con lớn của chị lần lượt vào đại học, con nhỏ học tiểu học bán trú. Anh chị như vào thời trăng mật, nhưng, cửa hàng gỗ thì không bỏ được. Vậy nên cứ chia ca nhau, sáng anh ở nhà tưới tắm mấy luống hoa, làm thơ, đọc báo. Trưa anh ra cửa hàng vợ chồng cùng ăn cơm, cao hứng thì đi nhà hàng. Chiều anh trụ lại cửa hàng từ hai - ba giờ cho chị về tắm táp nghỉ ngơi. Từ 17h là anh tự do bia bọt cùng bạn bè cho tới giờ ăn tối. Chị yêu chồng đến nỗi, trong khoảng thời gian anh coi cửa hàng, bán được bao nhiêu anh cứ giữ chi tiêu cá nhân. Nếu không bán được, cứ tiền trong tủ, tự nhiên mà lấy. Mà anh cũng không lấy nhiều, chỉ vừa đủ cữ bia, thêm chục tờ vé số tặng bạn bè và một bó hồng mang về tặng vợ.
Dạo này con lớn của chị sắp tốt nghiệp đại học, nói chị xem sửa lại căn nhà cho nó ngoài giờ đi làm thì mở thêm lớp vi tính. Anh bàn, mở dịch vụ internet chứ lớp vi tính thì… không đủ trả tiền điện. Hai mẹ con cùng “phe”, bảo dạy vi tính còn giúp ích cho người, cho mình chứ mở tiệm net toàn làm hư trẻ con. Anh làm thinh ra chiều đồng ý, nhưng khi người ta mang máy tới lắp ráp, anh bỏ đi đâu mất không thèm coi nhà. Chiều về, chị tá hỏa khi tiền thanh toán toàn giá máy “đập hộp” mà máy móc nhận được thì cái mới cái cũ. Đó là chưa kể, cái iPad của chị trong phòng khách đã không cánh mà bay! Anh bảo, tại cái… trại sáng tác sắp tới cần nhiều thơ nên anh phải tìm nơi thanh tịnh mà viết, ở nhà thợ thầy máy móc ồn ào quá. Chị vặn, vậy sao không kêu em về? Anh bảo: “Sợ không ai coi cửa hàng”.
Của mất khó tìm nhưng chị vẫn bỏ qua cho tới vài hôm sau, chị nhắc anh việc dọn bàn làm việc của anh lên tầng trên để dành hết không gian phòng khách cho lớp vi tính của con thì anh ngắc ngứ: “Thật sự là… ở với em hai năm nay, nhà chỉ có hai vợ chồng quen rồi, anh chưa chuẩn bị tâm lý đón con em về!”. “Vậy anh muốn sao”? “Em thuê nhà riêng cho con trai đi. Tụi mình vợ chồng son như vầy mới hạnh phúc!”. “Nhưng con đã đi học mấy năm trời, em cần con về để mẹ con có nhau, lại còn đỡ đần việc cửa hàng chút ít”. “Thì em thuê thêm nhân công. Vài triệu đồng một tháng ăn nhằm gì!”. Anh nói mà không biết làm ăn ngày càng khó khăn, cạnh tranh nhiều, tiền lời ít, chị đang định cắt giảm nhân công. Bao năm qua chị đã vừa làm bà chủ, vừa làm bốc vác. Mấy tháng nay cơ khớp tê mỏi, chị chịu không nổi nữa nên cần con trai về đỡ đần.
Lời anh vẫn êm ái bên tai: “Nghen bà xã cưng, thuê nhà cho con trai ở. Nhà này hai vợ chồng mình thôi, anh… chưa quen với người lạ đâu!”. Giọng anh vẫn dịu dàng như hơn hai năm qua, nhưng giờ chị mới thấy “nổi gai ốc”. “Không. Em nhất quyết để con trai về! Đây là nhà của mẹ nó, của nó”. Lần đầu tiên sau bao nhiêu ngày chung sống chị nói xẵng với chồng. “Vậy thì mấy mẹ con cô cứ sống với nhau nhé! Vợ gì mà chồng nói không biết nghe”. Anh sừng sộ. Chị không vừa: “Anh phải nhớ là nhà này của tôi, cũng là của con tôi. Tôi đã lầm vì tưởng anh yêu tôi, thương con tôi, ai ngờ anh chỉ yêu bản thân!”. “Tao là vậy đó! Mày chọn đi. Một là tao, hai là nó!”.
Anh nói mà không kịp suy nghĩ. Có lẽ sĩ diện của người đàn ông đứng tuổi với một người vợ luôn ngoan ngoãn, nay bỗng dưng chống đối làm anh thấy mình bị “sỉ nhục”. Chị cũng không kiềm chế được, chạy ào vào phòng ôm túi xách của anh ném ra cổng, rồi khóa chặt cửa nhà nằm khóc.
Ngày nào chị nói với tôi, người như anh đã làm cho chị an tâm neo đời vào bến cuối. Ai ngờ…