Dâu trưởng thời nay: Làm dâu cho cả họ

Google News

"Trong lòng tôi luôn nghĩ: Làm dâu trưởng là làm dâu cho cả họ chứ không riêng gì chỉ có nhà chồng...",  chị Nguyễn Thị Thu Sương tâm sự.

- “Có thể căn duyên của tôi đã nợ nhà chồng từ kiếp trước. Thế nên từ khi yêu đến bây giờ lấy nhau đã hơn 18 năm, tôi thấy mình thương bên chồng lắm. Dù tôi có lo toan, vun vén cho nhà chồng nhiều thế nào tôi cũng thấy chưa đủ, chưa vui. Trong lòng tôi luôn nghĩ: Làm dâu trưởng là làm dâu cho cả họ chứ không riêng gì chỉ có nhà chồng. Vì thế mà phải khéo cư xử”,  chị Nguyễn Thị Thu Sương, ấp 3, xã Vĩnh Lộc, huyện Bình Chánh, TPHCM tâm sự.

[links()]

Vì khổ mà bỏ thì còn gì là tình

Ở tuổi 38, trông chị già hơn tuổi của mình có lẽ do những vất vả bươn chải của cuộc sống. Chị kể lại, khi mới yêu anh Thanh - chồng chị bây giờ, cả gia đình và bạn bè đều cản. Ai cũng nói nếu ưng nhà nào đông con nhưng có trật tự thì cũng tốt, đằng này nhà có mười người con nheo nhóc, thằng cả lấy vợ mà đứa em út còn bồng trên tay thì làm dâu nhà đó chỉ rước khổ vào thân. Đã vậy, bố chồng tương lai còn tập trung nhiều tật xấu như bài bạc rượu chè, đề đóm nên nhà thiếu trước hụt sau.

Thương anh Thanh thật thà, nhưng chăm chỉ nên chị càng ra sức gồng gánh việc nhà chồng. Buổi tối chị thức khuya làm đậu hũ để sáng sớm mang ra chợ bán, tận dụng bã đậu nuôi heo, bán xong đi về làm đồng. Cuộc sống của chị cứ quần quật mà nhà nhiều miệng ăn quá vẫn không dư. Để dành được đồng nào thì tới tháng lại đi trại thăm nuôi đứa em cai nghiện và thêm đứa ở tù. Nhiều lúc buồn quá không biết than với ai thì ngồi tựa gốc cây mà khóc để xả những uất ức trong lòng.

Chị Thanh chia sẻ: “Trước khi cưới, mình đã hứa với cha mẹ là sướng nhờ khổ chịu nên lấy chồng rồi có khổ cũng phải cắn răng chịu đựng. Lựa chọn đó là của chính mình nên giờ có than thì đã muộn, không lẽ vì thấy khổ mà bỏ chồng thì còn gì là tình người”.

Tuy vất vả nhưng chị Sương hài lòng với vai trò dâu trưởng của mình.
Tuy vất vả nhưng chị Sương hài lòng với vai trò dâu trưởng của mình.

Chỉ chị Hai mới chịu làm dâu nhà mình

Người làm được việc thì cũng có những cái ngang ngạnh riêng của mình. Nhiều khi chị cũng thẳng thắn góp ý những sai trái của bố chồng mà bao năm qua mẹ chồng không dám nói. Lúc đầu ông còn lớn tiếng quát cô con dâu dám “hỗn”, nhưng được cái các em cũng bênh vực chị: “Cái gì chị Hai góp ý cũng đúng”. Mỗi lần giỗ chạp, cúng quẩy, trong khi mọi người quây quần nói chuyện hỏi thăm thì chị vẫn luôn tay luôn chân hoặc nhà đứa nào có đám tiệc nó cứ nói nhờ chị Hai nhưng khoán trắng cho bà chị sắp xếp.

Chị Sương tâm sự: “Phải tự hào rằng, nhờ con gái gốc Huế nấu ăn ngon và cũng khéo nữa nên tôi đã dần dần cảm hóa được những tật xấu của cha chồng. Phải nói thật là, làm dâu trưởng khổ lắm, nó như chuyện thì trăm dâu đều đổ đầu tằm. Nếu chỉ vất vả công việc nhưng gia đình nề nếp thì cuộc sống còn yên ổn, gia cảnh túng thiếu cũng làm cho con người trở nên xấu tính, gắt gỏng hơn. Làm dâu không phải chỉ có mình và gia đình mà còn cả dòng họ nữa, mọi người cứ nhìn vào để khích lệ hoặc xét nét nó cũng phụ thuộc vào bản thân mình rất nhiều”.

Bao nhiêu năm đằng đẵng gánh vác “giang sơn” nhà chồng, giờ thì chị thấy ổn hơn rồi. Chị đã trở thành chỗ dựa tinh thần tin cậy cho các em bên chồng. Chuyện vui buồn gì cũng có chị, niềm vui được sẻ chia, những xích mích được chị hóa giải với tình cảm yêu thương chân thành.  Mấy đứa em hay nói: “Chỉ có chị Hai mới chịu làm dâu nhà mình chứ ai mà dám vào đây gồng mình gánh vác”.

“Nhìn những vất vả đã qua, tôi thấy yêu thương hơn các thành viên trong gia đình và được mọi người thương lại. Có lẽ mình cũng sống rất chân tình và rất cố gắng nên mình đã được đền đáp”, chị mãn nguyện!

Quỳnh Anh

Bình luận(0)