Đối với nhiều bà vợ có chồng vừa kém vừa gia trưởng, cái sự hiếu học, cầu tiền của họ được coi là có tội với chồng. Thế mới có cảnh nhiều chị em đi học thạc sĩ, tiến sĩ mà vụng trộm như kẻ cắp.
Đau tim vì trốn chồng đi học thạc sĩ
Dự định lấy bằng cao học của Tâm đã có từ trước khi lấy chồng, nhưng chưa kịp thổ lộ thì cô đã nghe anh tuyên bố như đinh đóng cột trong lúc ngồi ăn lẩu với mấy người bạn nối khố: "Đàn bà thì cần gì học cao, lấy thêm cái bằng về để cưỡi lên cổ chồng à? Dẹp hết, đã thích học thì thôi chồng, chồng thì thôi học, thế thôi". Ấy là anh đang "chém" về chuyện một người bạn cùng lớp có vợ học cao học, cơm nước, con cái để cho bà nội lo, khiến nhà chồng rất bức xúc.
Lúc đó Tâm đã làm lễ ăn hỏi. Nghe chồng phát biểu, cô định "đả thông" nhưng lại thôi, vì anh "chém" đang hăng trước mặt bạn bè. Lúc cưới nhau rồi, nhiều khi cô ướm hỏi anh về ý định học lên, nhưng anh đều cười gạt đi: "Thôi em đừng có dở hơi. Em có thất nghiệp đâu mà phải đi học thạc sĩ. Anh cũng chỉ là thằng cử nhân quèn thôi, em thích học cao hơn xin mời làm vợ thằng khác".
|
Ảnh minh họa. |
Càng ngày, Tâm càng hiểu rõ chồng không nói đùa, nhưng việc thăng tiến ở cơ quan cô cần thêm cái bằng thạc sĩ mới thuận được, thế là cô âm thầm ôn thi, đến lúc trúng tuyển cũng không dám khoe với chồng, chỉ dám kéo hai cô bạn thân ra quán bún đậu mắm tôm gọi là "ăn mừng". Tiếp đó là chuỗi ngày vừa làm vừa học không khác gì đi làm gián điệp.
"Chúng tôi chưa có kế hoạch sinh con, bố mẹ chồng cũng còn khỏe, nên tôi không vì việc học mà kiệt sức hay quá tải", Tâm nói. "Cái chính là làm sao cho chồng không biết cho đến lúc khóa học hoàn tất. May mà cơ quan tôi khá lỏng lẻo về giờ giấc, đánh giá nhân viên theo kết quả công việc, nên tôi trốn việc đi học rồi tối cắm mặt làm bù. Đến khổ, đi học mà cứ như đi cặp bồ".
Nhiều lúc phải làm khóa luận, hay ôn thi, Tâm vừa ôm máy tính vừa cảnh giác với chồng, hễ anh có vẻ sắp lại gần là cô lập tức bật sang game hoặc tiểu thuyết, hay Facebook. Có lần, Tâm vào toilet, quay ra thấy chồng đang dùng laptop của mình. Anh chỉ vào phần giáo trình cô đang đọc, hỏi cái gì đây. Cô biến báo: "Của con bạn nhờ em mai lên cơ quan in hộ". Ông xã lừ mắt: "Tưởng cô học thì cho nghỉ hẳn để học cho nó tập trung".
Giấu kín chuyện học hành đã mệt, Tâm còn phải giải quyết một chuyện đau đầu nữa là tiền. Để lấy được cái bằng cũng phải tốn đến hàng trăm triệu đồng, số tiền lớn đối với một phụ nữ trẻ đi làm chưa lâu. Tâm phải chắt bóp, đôi khi "làm xiếc" về tài chính với chồng một chút, vay bạn bè một ít, còn phần lớn là nhờ bố mẹ, anh chị ứng ra hộ.
Hiện Tâm đang làm nốt luận văn. Cô bảo, ước gì được bảo vệ nhanh, nếu không cô sẽ chết vì đau tim mất. Lấy được bằng rồi, lại phải nghĩ cách làm thế nào để một ngày nào đó "thú tội" với chồng, chứ sao giấu suốt đời được. "Thể nào cũng có giống tố, nhưng trước sự đã rồi, lại thấy mình vẫn là vợ hiền, hy vọng anh ấy sẽ không làm lớn chuyện", Tâm nói.
Hành hạ vợ vì dám có bằng cấp cao hơn chồng
Chị Oanh là giảng viên một trường đại học, còn chồng là kỹ sư ngành thủy điện. Hồi chị đi học thạc sĩ, chồng đã hầm hè ghê lắm. "Định mua bằng để dọa người à? Thạc với chả sĩ, lương được mấy đồng mà phải học lắm thế?", anh cằn nhằn. Thế nhưng bằng thạc sĩ là điều bắt buộc trong công tác của Oanh nên ông xã rốt cục vẫn phải chịu. Anh "trừng phạt" bằng cách bắt chị phải chịu đựng thói đá thúng đụng nia, bẻ hành bẻ tỏi của anh như để bù sự rộng lượng cho phép vợ đi học.
Rồi khóa thạc sĩ cũng xong. Khả năng giảng dạy của chị Oanh ngày càng được sinh viên và đồng nghiệp thừa nhận. Một lần hai vợ chồng đi dự tiệc cưới một thầy giáo trẻ trong khoa, mấy đồng nghiệp bảo: "Cô Oanh xem thế nào làm nốt cái tiến sĩ đi nhỉ". Hai vợ chồng đều cười, nhưng tối về ông xã cảnh cáo: "Thôi nhé, nhà này không có mả làm tiến sĩ nhé, có một bà thạc sĩ đã kinh lắm rồi. Có tiến sĩ thì thôi chồng mà có chồng thì thôi tiến sĩ nhé".
Oanh thừa nhận, quả thật chị cũng có ước muốn làm thêm cái bằng tiến sĩ, vì các thầy trong khoa rất khuyến khích và tạo điều kiện. Nhưng suy đi nghĩ lại, chị quyết định thôi. "Anh ấy đã đưa ra lựa chọn như vậy, dĩ nhiên tôi phải chọn chồng. Nếu cứ cố thì thể nào cũng lâm vào thảm cảnh của cô bạn tôi", Oanh cho biết.
Bạn của chị Oanh tên là Vân, cũng giảng dạy ở một trường đại học. Hồi Vân đấu tranh với chồng để học thạc sĩ, với lý do không có bằng thì không được dạy, anh bảo thế thì bỏ trường đi, ra làm việc khác. Khi chị vẫn quyết tâm học, anh hành hạ chị đủ kiểu, suốt ngày lấy cớ vợ không làm tròn bổn phận của người phụ nữ với chồng, với bố mẹ chồng để mắng chửi, đay nghiến.
Hồi trước, anh còn giúp vợ là quần áo cho... mình, nhưng nay thì anh mặc kệ, lại còn cố tình thay mỗi ngày vài bộ đồ, cố tình mặc bẩn để vợ giặt cho mất công, để không sức đâu mà học. Hễ Vân phàn nàn, anh bảo: "Có mấy cái việc vớ vẩn, đàn bà nào cũng phải làm, sao kêu lắm thế? Không làm nổi thì nghỉ học đi, chứ vợ mà giặt cái áo cũng kêu thì vứt".
Ì ạch vừa học vừa làm trong sự hằn học của chồng, cuối cùng cũng xong. Mấy năm sau, gia đình có vẻ yên yên thì Vân lại bày tỏ nguyện vọng làm tiếp bằng tiến sĩ. Chồng chị nổi đóa: "Sinh ra đàn bà là để làm vợ, làm dâu, chứ không phải làm bà trạng cho người ta thờ. Học lắm chỉ tổ khinh chồng, hỗn láo với bố mẹ chồng".
Nhưng chị Vân không muốn bỏ lỡ cơ hội, nên vẫn quyết học. Khỏi nói quan hệ vợ chồng căng thẳng như thế nào suốt thời gian đó. Lấy được bằng, chị được nhiều nơi mời dạy hơn, kiếm nhiều tiền hơn nhưng lại hay phải đi tỉnh xa, lại càng có cớ cho chồng gây sự. "Cô cậy bằng cấp cao hơn chồng, kiếm tiền nhiều hơn chồng nên tự cho phép mình bỏ mặc gia đình, chạy nhông nhông khắp nơi, bắt chồng làm osin phải không?", anh quát, dù chưa một ngày phải làm việc nội trợ.
Càng ngày chồng Vân càng hằn học với vợ. Bất kỳ điều gì chị nói, ý kiến nào chị đề xuất, dù đúng hay sai, anh đều làm ngược lại, hoặc phỉ báng kịch liệt. Những lúc cãi nhau, anh đều gọi chị là bà trạng, bà tiến sĩ một cách đầy mỉa mai, như thể chị lên mặt học cao mà hy sinh tổ ấm. Cãi nhau hễ ở thế thua là anh lại bảo, anh chỉ là cử nhân cãi làm sao được với bà trạng học vấn đầy mình, dạ lạy bà con thua ạ... Cứ thế, họ chẳng được mấy ngày vui vẻ.
"Thế nên, tôi chả dại đi làm tiến sĩ nữa", chị Oanh kết luận. "Bảo tôi không biết đấu tranh hay là chịu thua thói gia trưởng của đàn ông thì cũng đành chịu, phụ nữ bao giờ chả đặt hạnh phúc gia đình lên đầu tiên". Chị chỉ ước, một ngày nào đó đàn ông Việt đỡ ích kỷ hơn, không coi việc thăng tiến của vợ là thất bại của mình nữa, thì chị em mới được tự do phát huy năng lực và tham vọng mà không bị coi là có lỗi với chồng.