Cái tôi của vợ và chồng

Google News

Giá như Tân và Minh hoặc chí ít là một trong hai người mềm mỏng, tế nhị tìm ra biện pháp cảm hóa nhau thì họ đã hạnh phúc…

Dắt xe ra cổng, nổ máy đợi một lúc lâu vẫn chưa thấy Minh ra, Tân bực bội quay vào nhà gắt lên: “Cô nhanh chóng lên cho tôi nhờ. Người đâu mà chậm chạp, lề mề thế không biết”.
Minh mặt nặng mày nhẹ ngồi sau xe Tân đi dự đám cưới đồng nghiệp của anh nhưng suốt cả buổi hai vợ chồng giận dỗi chẳng nói với nhau một lời nên niềm vui trở nên không trọn vẹn mà nói đúng hơn là sự căng thẳng, mệt mỏi luôn đeo bám họ. Càng ngày cả hai càng lấn sâu hơn vào sự hụt hẫng thất vọng về nhau…
Hồi còn yêu nhau, Tân luôn tự hào, hãnh diện, mở mày mở mặt với bạn bè vì có người yêu dáng người thon thả, ăn mặc đẹp “có gu thẩm mỹ”, trang điểm khéo léo, lại duyên dáng, cởi mở. Vậy nhưng sau khi nên duyên chồng vợ thì những cái tưởng như là “thế mạnh” của Minh lại luôn làm Tân khó chịu, lại là nguyên nhân dẫn tới những cãi vã, xung đột.
Tân cảm thấy “ngứa mắt” khi sáng nào Minh cũng dành nửa tiếng đồng hồ “bôi son trát phấn” trước khi đến cơ quan mà không chịu lo chuẩn bị bữa sáng cùng chồng. Dường như làm đẹp đã trở thành nhu cầu không thể thiếu đối với Minh trước khi bước chân ra khỏi nhà. Từ đi liên hoan, sinh nhật, gặp gỡ bạn bè, thậm chí là đi chợ…, Minh cũng đều ngồi trước gương điểm tô, chải chuốt.
 Ảnh minh họa.
Nhiều lần vội đi, Tân bảo Minh bỏ qua khâu trang điểm nhưng nhất quyết Minh không nghe với lý do “để mặt mộc em cảm thấy thiếu tự tin”. Cuối tuần nào Minh cũng đến tiệm sửa sang lại đầu tóc, tỉa lông mày, làm móng tay móng chân rồi lang thang hết phố này đến phố khác “tăm tia” các shop xem có “hàng độc” không để bổ sung vào tủ quần áo đã chật cứng của mình.
Thấy Minh làm được đồng nào đầu tư vào việc làm đẹp, chưng diện hết đồng ấy, Tân càu nhàu chỉ trích rồi yêu cầu Minh phải bớt chi tiêu, dành dụm để nuôi con, lo toan công to việc lớn trong nhà, song Minh vẫn chứng nào tật nấy, thậm chí còn cho rằng Tân khó tính và ngang ngạnh tuyên bố: “Tiền tôi làm ra tôi tiêu, chẳng ai có quyền ngăn cấm”, Tân thở dài thất vọng bởi cuộc sống gia đình khác xa so với tưởng tượng trước đây của anh.
Không chỉ riêng Tân mà chính bản thân Minh cũng bị “vỡ mộng” về người bạn đời của mình. Hồi sinh viên lãng mạn, thơ mộng, Minh bị hớp hồn bởi khuôn mặt lạnh lùng, kiêu hãnh, rất đàn ông của Tân bao nhiêu thì bây giờ cô chán chường bấy nhiêu. Rất nhiều lần cô ấm ức, khó chịu vì Tân không niềm nở với bạn bè, đồng nghiệp của Minh, không tiếp đón nhiệt tình những người thân của cô khi họ ghé chơi.
Chính vì vậy Minh phải chịu điều tiếng là có người chồng kênh kiệu, khó gần, thậm chí nhiều mối quan hệ vốn thân thiện với Minh trước đây bỗng trở nên phai nhạt chỉ vì họ ngại đến nhà Minh… Thay vì lựa thời điểm thích hợp góp ý cho Tân nhận ra thiếu sót và động viên khích lệ chồng sửa đổi để cư xử cởi mở, hòa nhập với mọi người xung quanh thì Minh lại gắt gỏng, chê bai Tân khiến anh tự ái, nổi cáu: “Tôi chỉ có vậy thôi. Ai chơi được thì chơi, còn không thích thì thôi”.
Quan hệ giữa hai vợ chồng ngày càng căng thẳng bởi ai cũng đề cao cái tôi cá nhân của mình, không chịu đặt mình vào vị trí của người kia để nhún nhường, cảm thông, chia sẻ. Giá như Tân và Minh hoặc chí ít là một trong hai người mềm mỏng, tế nhị tìm ra biện pháp cảm hóa nhau thì họ đã được tận hưởng bầu không khí ấm áp, hạnh phúc…
Tất cả các cặp vợ chồng đều phải trải qua giai đoạn đầy khó khăn: Thích nghi với thuở ban đầu. Nhiều chàng trai, cô gái do bản tính ích kỷ đã không vượt qua được thử thách này để tạo dựng cho bản thân cuộc hôn nhân khăng khít, bền chặt, hạnh phúc dài lâu.
Hai con người vốn ở hai môi trường sống khác nhau, thậm chí đối lập nhau, có cá tính, thói quen, lối sống… khác nhau nên khi cùng chung sống dưới một mái nhà không thể tránh khỏi những mâu thuẫn, va chạm. Cảm thông, chia sẻ, biết lắng nghe, không cố chấp… là nền tảng của sự hòa hợp trong cuộc sống gia đình.
Theo Nông Nghiệp VN

Bình luận(0)