Bữa cơm gia đình hiện đại: Cùng nấu, cùng ăn, cùng hạnh phúc

Google News

(Kiến Thức) - Công việc tất bật, làm việc trái giờ nên bữa cơm chung của nhiều gia đình không còn được duy trì, riêng với nhà bác Hưởng nhiều năm nay vẫn được giữ trong không khí vui vẻ ấm áp.

Lấy mình làm chuẩn

Nguyễn Văn Hưởng (63 tuổi ở Trần Hữu Trang, Phú Nhuận, TPHCM) kể lại, nhà bác có hai con, một trai một gái nhưng từ xưa giờ hiếm hoi lắm mới có chuyện ăn trước ăn sau, ngày các con còn nhỏ đi học và ở lại trường ăn trưa, còn bác Hưởng và bà xã đi làm ăn cơm trưa ở cơ quan nên buổi trưa gia đình không ngồi ăn cùng được. Buổi sáng, buổi tối thì cả nhà quây quần ăn cùng nhau và điều này được duy trì rất lâu trong gia đình rồi, tuy không nói ra nhưng dường như nó đã thành nội quy cho các thành viên trong gia đình. Rồi các anh, chị lớn trưởng thành và có gia đình, nhà lại có thêm dâu rể, cháu nội cháu ngoại nhưng bữa cơm chung gia đình vẫn không thay đổi. 

Hằng ngày, buổi sáng cứ 6h30 là gia đình tụ tập ăn sáng chung và buổi chiều cũng 6h30 là cả nhà ăn cơm chiều, trong bữa cơm chỉ nói chuyện vui và không ai chỉ trích hoặc chê bai điều gì, nếu không hài lòng chuyện gì thì sẽ nói sau. Điều kỵ nhất trong bữa cơm chung là ba mẹ la con cái để không khí gia đình bất hòa, muốn nói chuyện hoặc góp ý điều gì chờ xong bữa cơm rồi trao đổi.

Đối với bác Hưởng, không có chuyện gì là khó nếu mỗi người luôn có thiện chí góp ý để xây dựng cùng nhau, từ trong nhà bố phải lấy mình làm chuẩn thì mới duy trì được nề nếp gia phong. Cứ như vậy, nay đã lên chức ông nội, ông ngoại nhưng nhà bác Hưởng thì răm rắp trật tự, bác bảo: Ông bà ta nói nhà dột từ nóc, nếu bố không làm gương mẫu cho các con và tỏ ra dể dãi từ nhỏ thì sau này muốn uốn nắn cũng khó, tốt nhất là nên tập từ nhỏ cho có nếp nhà.

Bác Hưởng phụ vợ nấu cơm hằng ngày. 

Nhờ công vợ rất nhiều

Dành cho vợ nhiều lời khen, tôn trọng và biết ơn, bác Hưởng nói: Hồi chưa về hưu bạn bè hay rủ rê nhậu nhẹt nhưng bà nhà tôi rất chu đáo trong gia đình từ công việc đến dạy con; phải nói là công bà lớn lắm. Giờ về hưu có thời gian nghỉ ngơi trồng rau, trồng hoa, đọc báo, rồi phụ vợ làm nội trợ hằng ngày thấy bà vui lắm. Hôm nào ăn thịnh soạn bà làm bếp, ông quạt than nướng thịt thì vui vô cùng, lúc mới tập làm ông nướng cháy khét bà lại nhẹ nhàng đi mua lại rồi về ngồi nướng cùng chồng. Có làm mới thấy hết cái khó của nội trợ, phải sắp xếp món ăn cho hợp lý, mà cùng ăn thì phải cùng vào bếp chứ phân chia đẩy trách nhiệm cho một người nào trong gia đình.

Bác Hưởng nói thêm: Khi cả nhà ngồi ăn cùng nhau ngoài việc thưởng thức món ăn nó còn thể hiện tình cảm tôn trọng dành cho người nấu, không những vậy trong một gia đình nếu mọi người dành nhiều thời gian quan tâm đến nhau thì tình cảm sẽ càng khắng khít... Dù bận rộn thế nào cũng phải sắp xếp ngồi ăn cơm chung để kể chuyện cùng nhau, đến giờ này các con tôi đã hiểu và nói cảm ơn sự chặt chẽ của bố mà nhà mình rất trật tự. Kinh nghiệm của tôi là dù nhà đông người hay ít, nếu biết sắp xếp bố trí thì sẽ có trật tự, nhà đông người nhưng có nề nếp thì đâu sẽ vào đấy, còn nhà ít người nhưng thờ ơ tẻ nhạt sẽ loạn cả lên. 

BÀI ĐỌC NHIỀU

Nguyên Quỳnh

Bình luận(0)