“Bạo hành gia đình“: Tôi thà mang tiếng vũ thê

Google News

 - Chị Nguyễn Thị Hà ở Diễn Châu (Nghệ An) mới bước sang tuổi ba mươi, nhưng cái vất vả và sự khốn cùng của đời sống gia đình đã khiến người đối diện tưởng chị phải ngoài bốn mươi. Chị cũng đã từng có quãng thời gian phải sống triền miên trong đòn roi của chồng, nhưng một lần chị đã đứng lên phản kháng.


Chồng tôi là con gà công nghiệp

Tôi lấy chồng năm tròn hai mươi tuổi. Tình yêu với chồng cũng ở mức vừa phải nhưng vì mẹ muốn tôi yên bề gia thất nên khi người chị gái của chồng trịnh trọng mang lễ sang tận nhà dạm hỏi với ý rằng: "Nhà chỉ còn hai chị em, chị chỉ mong cô đừng chê lễ mọn", tôi nghe ngọt nên đã gật đầu đồng ý. Mẹ tôi đồng tình: "Nhà ấy tuy không còn cha mẹ nhưng có khuôn phép, con về làm dâu bên ấy mẹ cũng yên tâm".

Nhưng về làm dâu tôi mới thấm hết cái khổ. Chồng tôi đích thực là một "con gà công nghiệp" trong tay bà chị gái muộn chồng nanh nọc. Ngày đêm tôi quần quật với ruộng đồng để đổi lấy hai bữa cơm trắng, tất cả mọi chi tiêu trong gia đình đều do chị chồng nắm giữ hết. Tiếng chị chồng tôi lúc nào cũng luôn lanh lảnh bên tai với ý rằng: "Còn ai sướng hơn cậu mợ nữa, việc gì tôi cũng đứng ra lo liệu chu toàn, cậu mợ chỉ việc đi làm rồi về ăn cơm".

Cái Tết đầu tiên từ ngày về làm dâu, tôi xin phép được về nhà ngoại. Tôi còn nhớ, chị chồng tôi thủng thẳng rằng: "Mợ về đấy một mình thôi, mà cũng thu xếp đi về trong ngày, tết nhất ai cũng bận rộn cả. Chồng mợ còn phải ở nhà hương khói". Đến lúc ấy tôi mới ứa nước mắt vì chợt nhận ra mình không có nổi năm nghìn để đi đường chứ nói gì đến chuyện mua chút lễ nho nhỏ về thắp hương cho bố, mua chút quà về cho gia đình. Tôi phải lặng lẽ đi bán đôi hoa tai - quà chị chồng tặng ngày cưới.

Dân quê tôi trăm năm nay quen với nếp nghĩ đàn bà phải phục tùng chồng.
Dân quê tôi trăm năm nay quen với nếp nghĩ đàn bà phải phục tùng chồng.

Mày đánh nó chết tao sẽ cưới vợ khác

Chị kể trong nước mắt: "Sóng gió cũng bắt đầu nổi lên từ ngày tôi ở quê ngoại về. Chị chồng hỏi tôi về đôi hoa tai, rồi chì chiết rằng hay là tôi đã biếu ông bà thông gia? Tôi giải thích hết đường nhưng chị chồng càng to tiếng hơn và cho rằng tôi nói thế hóa ra chồng bóc lột tôi. Chị rít lên: Thằng An đâu, mày có biết đường dạy vợ không?".

Tiếng chị chồng vừa dứt, ngay lúc tôi đang giọt ngắn giọt dài thanh minh thì chồng tôi lao từ trong nhà ra đạp tôi một cái từ trên thềm lăn xuống dưới sân. Tiện tay, anh ta còn dùng gậy mà quật tôi túi bụi. Đứa con tôi đang mang thai chưa kịp chào đời cũng ra đi vào cái ngày ấy.

Kể từ đó, người chồng bạc nhược đã không bảo vệ được vợ lại còn bị kích thích bởi những lời "cổ vũ" cay nghiệt kiểu như: "Mày cứ đánh đi, đánh nó chết tao sẽ cưới vợ khác ngay cho mày". Chồng tôi vốn vũ phu, được chị gái a dua thì càng tỏ ra có quyền hành, năm ngày đánh tôi một trận lớn, 3 ngày đánh một trận nhỏ. Có bận tôi phải lên trạm xá khâu vết thương.

Cho đến một ngày khi tôi đang cắt lúa ngoài đồng thì anh chồng hằm hằm nhảy xuống ruộng đấm thẳng vào ngực khiến tôi loạng choạng ngã ngửa. Khi thủng câu chuyện tôi mới biết anh ta nghe ai xúi rằng, dạo này tôi hay cười đưa tình với mấy ông thợ điện. Đứa con trai sáu tuổi đang chăn trâu gần đấy thấy vậy liền chạy lại ôm lấy mẹ khóc váng lên. Hắn bèn túm lấy tóc con vả cho thằng bé một cái như trời giáng.

Không kịp suy nghĩ tôi vớ ngay chiếc đòn xóc gánh lúa phang tới tấp vào người hắn, bao nhiêu ấm ức nay được phen giải tỏa. Hoảng hốt trước hành động của vợ, gã chồng tôi co chân chạy một mạch về nhà. Bà chị chồng cũng không dám lên tiếng khi nhìn thấy đôi mắt đỏ ngầu giận dữ của tôi. Nói thật lúc ấy tôi cũng chỉ phản kháng để bảo vệ con mình.

Người dân quê tôi trăm năm nay quen với nếp nghĩ đàn bà phải phục tùng chồng nên thấy vậy thì ngán ngẩm lắm, cho rằng tôi ghê ghớm, quá quắt. Nhưng tôi thà mang tiếng đanh đá còn hơn cứ chịu đựng mãi như thế. Còn chồng tôi và bà chị từ đó cũng không dám hành hạ tôi vô lý như ngày trước. Thế mới biết không phải cái gì chịu đựng cũng là tốt, con giun xéo mãi cũng quằn.
Hòa Vân

Bình luận(0)