Xe buýt hay ôtô buýt là mượn từ tiếng Pháp autobus chỉ xe chở mọi người. Thời Pháp thuộc vẫn gọi là xe buýt dù xe tuyến ngắn hay tuyến dài, nhưng đến chế độ mới thì xe đường dài và khách được mang theo hàng hóa gọi là xe khách còn xe chạy tuyến ngắn và khách chỉ được mang đồ đạc gọn nhẹ gọi là xe buýt.
Theo lịch sử, GM là nhãn hiệu xe bus đầu tiên có mặt tại Việt Nam từ sau đại chiến thế giới lần thứ nhất vào khoảng năm 1919. Những chiếc xe bus này xuất hiện đầu tiên ở Hà Nội và nơi 4 chiếc xe này đón - trả khách là bến cột Đồng Hồ gần cầu Long Biên.
Xe buýt thời Pháp chỉ có một cửa lên xuống ở phía sau. Ban đầu có 2 hàng ghế gỗ sát thành xe như ghế tầu điện và tầu hỏa, ở giữa là chỗ đi lại. Nhưng sau đó nhận thấy để ghế dọc chở ít khách nên các hãng xe cải tiến thành ghế ngang chở được nhiều khách hơn, trung bình mỗi xe trở khoảng 30 khách.
Năm 1930 cả miền Bắc có gần 5.000 xe các loại trong đó có 405 xe buýt nhưng tập trung chủ yếu ở Hà Nội, số xe ở Hải Phòng bằng một phần ba Hà Nội.
Trên thế giới, người ta cho rằng hệ thống vận chuyển công cộng đầu tiên có thể là ở Nantes (Pháp) vào năm 1826, là khi một cựu viên chức xây dựng các nhà tắm công cộng ở ngoại ô và lập ra một tuyến xe ngắn chạy từ trung tâm thành phố tới các nhà tắm đó.
Sau đó ông phát hiện ra rằng hành khách chỉ lên xe để xuống ở những điểm giữa đường chứ không phải đến nhà tắm, ông liền nảy ra ý tưởng phát triển tuyến xe đó. Những chiếc voiture omnibus ("xe cho tất cả mọi người") là những chiếc xe ngựa thuê để chạy theo tuyến đã định trước từ điểm này tới điểm kia, chở theo hành khách và hàng hoá. Những chiếc omnibus đó đặc trưng bởi những hàng ghế dài bằng gỗ để dọc hai bên thành xe và lối lên ở phía sau.
Có thể do cạnh tranh trực tiếp hoặc do ý tưởng này đã được phát sóng lên đài mà vào năm 1832, sáng kiến này được sao chép lại ở Paris, Bordeaux và Lyons.
Vào ngày 4 tháng 7 năm 1829, một tờ báo ở London đã đưa tin rằng "loại phương tiện mới, được gọi là omnibus, đã bắt đầu chạy sáng hôm nay từ Paddington tới thành phố" và dịch vụ xe buýt này ở London do George Shillibeer điều hành.
Sau đó dịch vụ này lan rộng ra những nơi khác và có tác động tích cực tới xã hội, và góp phần thúc đẩy xã hội hóa, xe omnibus giúp những người ở ngoại ô có thể đến trung tâm thành phố nhiều hơn. Rồi xe điện xuất hiện, trở thành đối thủ của omnibus và dần thành phương tiện phổ biến hơn cả xe omnibus.