Thương hiệu ôtô Jeep là một trong những hãng xe quốc tế đầu tiên gia nhập thị trường Trung Quốc và được người tiêu dùng tại đây biết đến rộng rãi. Thương hiệu Jeep của Mỹ được cho là có tiềm năng lớn ở thị trường Trung Quốc. Ấy thế nhưng, mới đây, Jeep đã đóng cửa nhà máy duy nhất của mình ở đất nước tỷ dân này.
Trong những ngày giữa tháng 7/2022, Stellantis - tập đoàn sở hữu thương hiệu Jeep - đã đưa ra thông báo sẽ đóng cửa công ty liên doanh với hãng xe Trung Quốc Guangzhou Automobile Group (GAC). Thông báo này là đỉnh điểm của sự thất bại trong ván bài đánh cược vào thị trường ôtô lớn nhất thế giới đồng thời dấy lên những câu hỏi đáng lo ngại về tương lai dành cho các hãng xe nước ngoài tại Trung Quốc.
|
Thương hiệu ôtô Jeep là một trong những hãng xe quốc tế đầu tiên gia nhập thị trường Trung Quốc và được người tiêu dùng tại đây biết đến. |
Cách đây khoảng 40 năm, chính phủ Trung Quốc đã quyết tâm gây dựng nền công nghiệp ôtô nước nhà bằng cách kết hợp các công ty nội địa với những hãng xe quốc tế dày dặn kinh nghiệm. Một trong những hãng xe nước ngoài thành lập liên doanh sớm nhất tại Trung Quốc chính là American Motors - chủ cũ của thương hiệu Jeep.
Hiện nay, những "bánh xe đạp phụ" theo cách nói ví von này chẳng những không còn cần thiết nữa mà còn không phù hợp với khát khao biến Trung Quốc thành quốc gia tự lực hơn của ông Tập Cận Bình. Thời kỳ vàng son khi các liên doanh ôtô tăng trưởng như vũ bão và thu về lợi nhuận "khủng" dường như sắp kết thúc.
"Chúng ta đang ở giai đoạn gần cuối của kỷ nguyên liên doanh tại Trung Quốc", ông Michael Dunne, Giám đốc điều hành của công ty tư vấn ZoZo Go chuyên giúp các hãng xe tìm ra hướng đi phù hợp với ngành công nghiệp ôtô Trung Quốc, phát biểu. "Trung Quốc vẫn là thị trường lớn nhất và không ai muốn rút chân khỏi đây".
|
Tập đoàn sở hữu thương hiệu Jeep - đã đưa ra thông báo sẽ đóng cửa công ty liên doanh với hãng xe Trung Quốc Guangzhou Automobile Group (GAC).
|
Vào tháng 9 năm ngoái, tập đoàn Stellantis từng tiết lộ muốn tăng cổ phần sở hữu trong liên doanh với GAC lên 50%. Tuy nhiên, đến tháng 1 năm nay, GAC lại khẳng định đã mất cảnh giác khi để cho đối tác của mình công khai kế hoạch này. Chưa đầy 6 tháng sau, Stellantis quyết định "chia tay" với GAC vì không thể tăng cổ phần của mình trong liên doanh lên 75%.
Theo ông Carlos Tavares, CEO của Stellantis, một phần nguyên nhân dẫn đến quyết định đóng cửa nhà máy của Jeep ở Trung Quốc là do có sự can thiệp của chính phủ nước sở tại. Ông Tavares cũng cho rằng GAC không đáp ứng được kỳ vọng của Jeep nên "tốt hơn hết là giải tán". Đáp trả lại phát biểu này của ông Tavares, đại diện GAC tố Stellantis "thiếu tôn trọng khách hàng ở thị trường Trung Quốc".
Tất nhiên, ông Tavares chưa sẵn sàng từ bỏ hoàn toàn thị trường Trung Quốc. Thay vào đó, Jeep sẽ tiếp tục "bơm" xe cho các đại lý ở đất nước tỷ dân này. Dự kiến, Jeep sẽ xuất khẩu dòng sản phẩm khác sang Trung Quốc để bán tại các đại lý. Thực tế là các hãng xe chỉ có thể theo đuổi chiến lược này với sản lượng thấp. Chính phủ Trung Quốc hiện không còn dùng thuế để kiềm chế xe nhập khẩu như trước. Thế nhưng, mức thuế nhập khẩu 15% vẫn khiến các thương hiệu nước ngoài không thể cạnh tranh về giá với những đối thủ nội địa.
|
Một phần nguyên nhân dẫn đến quyết định đóng cửa nhà máy của Jeep ở Trung Quốc là do có sự can thiệp của chính phủ nước sở tại.
|
Vào hồi tháng 3 năm nay, ông Tavares từng công bố kế hoạch chiến lược, trong đó tập đoàn Stellantis sẽ tung ra gần 30 sản phẩm mới ở thị trường Trung Quốc từ nay đến năm 2030 và mang về thu nhập thường niên 20 tỷ Euro. Có vẻ như ông Tavares đã kỳ vọng quá nhiều vào thị trường Trung Quốc trong khi năm ngoái, Stellantis chỉ bán được khoảng 122.000 chiếc xe cho khách hàng tại đây, tương đương thị phần 0,6%.
Sau khi kết thúc liên doanh với GAC, Stellantis chỉ còn lại liên doanh với hãng ôtô Trung Quốc Dongfeng. Tương lai của mối quan hệ này cũng có vẻ bất định khi hai bên đồng ý để Dongfeng bán nốt số cổ phần còn lại của mình trong Stellantis.
|
Dự kiến, Jeep sẽ xuất khẩu dòng sản phẩm khác sang Trung Quốc. |
So với Stellantis, các tập đoàn quốc tế như Volkswagen và General Motors kinh doanh tốt hơn tại Trung Quốc. Tuy nhiên, hai tập đoàn này hiện cũng đang phải chật vật duy trì vị thế của mình. Ông Dunne cho rằng Volkswagen và General Motors hiện chỉ còn là "hai thế lực của ngày hôm qua".
"Bạn có thể nhận thấy đà tăng trưởng đã chuyển dịch sang các thương hiệu Trung Quốc", ông Dunne nhận xét. "Chính phủ Trung Quốc đang nói về tự cung tự cấp, chủ nghĩa dân tộc, tự dựa vào bản thân. Khách hàng Trung Quốc thì nói: 'Giờ đây, tôi có thể mua những chiếc xe khá tốt từ các thương hiệu Trung Quốc'".