Các nước phương Tây nên trang bị vũ khí quân sự cho lực lượng Quân đội Ukraine? Sau khi nhận câu hỏi trên, tám cựu quan chức Mỹ mau chóng trả lời “Có” một cách kiên quyết.
Trong một báo cáo công bố hồi đầu tháng 2/2015, các quan chức này, gồm 2 cựu Đại sứ Mỹ tại Ukraine và 1 cựu chỉ huy NATO, đã kêu gọi chính phủ (Mỹ) viện trợ vũ khí sát thương trị giá 1 tỷ USD cho Ukraine trong năm 2015.
|
Binh sĩ Ukraine trong buổi lễ giao nhận vũ khí.
|
Ukraine, đất nước đang chìm sâu vào cuộc xung đột vũ trang với lực lượng ly khai thân Nga, nên nhận các tên lửa chống tăng hạng nhẹ để đối phó với “loạt xe quân sự bọc thép mà Nga đã triển khai ở Donetsk và Lugansk”, các tác giả bản báo cáo trên cho hay.
Lý do cơ bản cho động thái trang bị vũ khí sát thương là nhằm tăng cường khả năng phòng thủ cho Quân đội Ukraine trong cuộc đối đầu với lực lượng ly khai thân Nga.Tờ New York Times và Tạp chí Wall Street Journal đưa tin, Nhà Trắng cũng đã xem xét có nên gửi vũ khí cho Ukraine hay không.
Trang tin tức chuyên cung cấp các thông tin và phân tích tình hình chiến sự ở cuộc xung đột vũ trang Ukraine là Teksty.org cho biết, xấp xỉ 65.000 quân sĩ tới khu vực chiến sự chống khủng bố ở miền đông Ukraine. Số lượng lớn những người này thuộc biên chế của Lực lượng Vũ trang và Bộ Nội vụ Ukraine, hình thành đội quân tình nguyện viên hùng hậu ở vùng Donbass.
Một điều chúng ta cần bàn tới đó là mặc dù số lượng binh sĩ thuộc lực lượng vũ trang Ukraine tham gia chiến dịch quân sự (chiến dịch ATO) đã tăng lên đáng kể, nhưng tinh thần của họ đã giảm xuống do hứng chịu các đợt thất bại. Điển hình, một thất bại nặng nề nhất của phe Kiev là đánh mất quyền kiểm soát Sân bay Quốc tế Sergei Prokofyev ở Donetsk hồi tháng 1/2015.
Tạp chí The Economists dẫn lời các chuyên gia cho biết, sự thất thế của Kiev ở sân bay này có thể giúp cho ly khai nối thông tuyến đường tiếp tế quan trọng nếu như các thị trấn quanh đó rơi vào tay họ.
Một số chuyên gia khác nêu rằng, lực lượng ly khai đã có sự tinh vi đáng kể trong cuộc tác chiến điện tử bằng các máy radio, điện thoại. “Quả là rất khó cho lực lượng Ukraine có thể phát huy các hoạt động thông qua các máy bộ đàm, radio, điện thoại hay các phương tiện liên lạc khác bởi vì phía ly khai sở hữu một loạt các thiết bị gây nhiễu sóng”, Trung tướng Mỹ Ben Hodges nói.
Tuy nhiên, vấn đề Washington có nên cung cấp vũ khí quân sự sát thương cho Kiev hay không sẽ được bàn luận sâu hơn ở đây. Một số tác giả viết bài xã luận đăng trên báo Mỹ lại bày tỏ quan điểm rằng, phương Tây nên trang bị vũ khí cho lực lượng Ukraine.
“Bây giờ, Mỹ và các đồng minh phương Tây phải cân nhắc xem làm cách nào để ngừng mối đe dọa từ phía Nga. Câu trả lời của họ thể hiện rằng, họ ủng hộ phương án hỗ trợ quân sự trực tiếp cho Quân đội Ukraine”, bài xã luận trên Washington Post lập luận.
|
Người dân miền đông Ukraine mang theo đồ đạc sơ tán.
|
Một số chuyên gia nói rằng, Mỹ có lẽ là quốc gia phù hợp nhất để hỗ trợ cho quốc gia Đông Âu đang chịu nhiều biến động chính trị này.
“Mỹ hội tụ các điều kiện để trở thành nước cung cấp vũ khí quân sự cho Ukraine. Họ (tức Washington) ở vị thế tốt nhất và là nước ít chịu nhiều tổn thất bởi tác động của kinh tế song phương cũng như sự phụ thuộc vào năng lượng (với Nga)”, Giáo sư Timothy Garten Ash. chuyên ngành châu Âu thuộc Đại học Oxford bày tỏ quan điểm của mình trong bài bình luận đăng trên tờ The Guardian.
Tuy nhiên, một tác giả bài viết trên Đài Phát thanh châu Âu Tự do lại chỉ ra rằng: “Nếu phương Tây đẩy mạnh hỗ trợ cho Quân đội Ukraine thì nó có thể dẫn tới tình hình leo thang mới, buộc Nga phải đáp trả lại việc đó bằng cách tăng cường hỗ trợ cho lực lượng ly khai miền đông”.
Một số chuyên gia lại cho rằng, Ukraine cần tự tin bước lên và tận dụng triệt để nguồn lực của mình thông qua việc thực hiện một kế hoạch phòng thủ chính xác và rành mạch.