Vì sao Ukraine không nên trở thành thành viên NATO?

Google News

(Kiến Thức) -  Kiev và một vài cường quốc phương Tây có chính sách nghiêm khắc với nước Nga đang cố gắng đưa Ukraine trở thành thành viên NATO.

Có rất nhiều lí do để phương Tây kìm hãm sự phát triển của nước Nga. Cuộc chiến với Gruzia năm 2008, vụ sáp nhập bán đảo Crimea năm ngoái và cuộc chiến với Ukraine đều cho thấy ý đồ muốn mở rộng tầm ảnh hưởng của nước Nga, khiến châu Âu và Mỹ lo ngại. Một vài ý kiến cho rằng cung cấp vũ khí cho Ukraine, và đưa nước này trở thành thành viên NATO, là cách tốt nhất để đạt được sự ổn định. Tuy nhiên, điều này cũng là một ý tưởng đầy nguy hiểm.
Có nhiều lí do để thấy được rằng những động thái này sẽ kích động Nga, khi mà nước này đang cảm thấy bị đe dọa bởi sự gia tăng ảnh hưởng tại Đông Âu của phương Tây kể từ sự sụp đổ của chủ nghĩa cộng sản tại Liên Xô.
Với các chuyên gia đối ngoại của Nga, NATO vẫn là một trong những mối đe dọa rõ ràng và nguy hiểm nhất đối với nước này. Điều này không mấy ngạc nhiên khi tổ chức này được các nước liên minh phương Tây thành lập để chống lại Liên Xô trước kia.
Vi sao Ukraine khong nen tro thanh thanh vien NATO
 Biểu tình đòi gia nhập Nga tại Crimea hồi năm ngoái.
Năm 2008, Mỹ lần đầu tiên có ý định đưa Gruzia và Ukraine trở thành thành viên NATO. Vào thời điểm đó, Nga đã phản ứng lại với động thái này bằng cách đặt ra tình trạng báo động. Hồi đầu năm 2006, ngoại trưởng Nga nói rằng việc Ukraine và Gruzia gia nhập NATO có thể dẫn đến thay đổi lớn trong tình hình địa chính trị thế giới. Lo ngại những hậu quả sẽ xảy đến khi cho phép các quốc gia này gia nhập NATO, Pháp và Đức đã ngăn chặn tiến trình gia nhập tại Hội nghị Thượng đỉnh NATO hồi tháng 4/2008, được tổ chức tại Bucharest.
Không chỉ có NATO giữ thái độ thù địch với Nga. Mỹ và các cường quốc phương Tây như Pháp, Anh và Đức đều hưởng ứng “cuộc cách mạng màu” tại các nước Liên Xô cũ như Gruzia, Kyrgyzstan và Ukraine. Đây đều là những quốc gia bị Nga xem là có tình trạng bất ổn cao.
Sau đó, tháng 2/2014, chính quyền nhiều nước phương Tây đã ủng hộ cuộc cách mạng Maidan tại Kiev, điều này khiến Nga quan ngại sẽ dẫn đến một cuộc cách mạng tại chính nước này. Tổng thống Nga Vladimir Putin từng phát biểu tại Crimea: “Với tình trạng tại Ukraine, các đối tác phương Tây của chúng ta đã vượt quá giới hạn, có nhiều động thái liều lĩnh, thiếu chuyên nghiệp và vô trách nhiệm”.
Vi sao Ukraine khong nen tro thanh thanh vien NATO-Hinh-2
Cuộc "cách mạng màu" tại Ukraine hay còn gọi là cách mạng Maidan.
Tình trạng căng thẳng diễn ra sau đó giữa phương Tây và Nga đã dẫn đến tình hình ngày càng tồi tệ giữa Ukraine và các biện pháp trừng phạt lâu dài nhất từ trước đến nay dành cho Nga kể từ khi Chiến Tranh Lạnh kết thúc. Mối quan hệ giữa các bên ngày càng xấu đi, và sẽ càng tồi tệ hơn nữa nếu việc đưa Ukraine trở thành thành viên NATO vẫn nằm trong chương trình nghị sự của phương Tây.
Vậy liệu phương Tây đã chuẩn bị sẵn sàng cho những phản ứng mạnh tay từ ông Putin đối với những mối đe dọa đến từ NATO?
Ông Putin đã nhiều lần thử thách ý chí của phương Tây. Mạng lưới các nhà lãnh đạo châu Âu gần đây đã đưa ra bản báo cáo về khoảng 40 vụ việc nguy hiểm giữa máy bay của Nga và NATO kể từ tháng 3/2014. Những vụ việc đó bao gồm “vi phạm không phận, đẩy mạnh tình trạng khẩn cấp, gần va chạm trên không, đối đầu trên biển, tập trận và nhiều sự việc nguy hiểm khác”.
Trong số những sự việc đã diễn ra, đã có 11 vụ được xem là nghiêm trọng, chẳng hạn như nhiều máy bay của Nga đã bay gần tàu chiến phương Tây một cách bất thường. Đáng lo ngại hơn nữa, đã có 3 vụ việc vào năm ngoái có nhiều nguy cơ dẫn đến thương vong hay đối đầu quân sự. Đó là vụ “truy tìm tàu ngầm” tại vùng biển Thụy Điển hồi tháng 10, vụ Nga bắt cóc sĩ quan tình báo Estonia hồi tháng 9 và việc máy bay tuần tra của Nga suýt va chạm với một chuyến bay của lực lượng SAS từ Copenhagen, Đan Mạch đến Rome hồi tháng 3. Tất cả đều đã có thể dẫn đến tình trạng leo thang ngoài dự kiến.
Vi sao Ukraine khong nen tro thanh thanh vien NATO-Hinh-3
 Máy bay Nga đã nhiều lần suýt va chạm với máy bay của NATO và phương Tây.
Trong khi đó, phương Tây có vẻ như không sẵn sàng giải quyết căng thẳng với Nga. Bằng chứng là Nga đã bắt giữ sĩ quan tình báo người Estonia chỉ 2 ngày sau khi tổng thống Barack Obama đến thăm Tallinn và tuyên bố sẽ hỗ trợ quân sự cho nước này. NATO và EU đã kêu gọi hành động đáp trả nghiêm khắc đối với sự việc này, nhưng đến thời điểm hiện tại vẫn chưa hề thấy động thái nào từ 2 tổ chức trên, cho thấy sự không sẵn sàng để đối đầu với một nước Nga mạnh mẽ.
Tại Nga, ngày càng có nhiều sự ủng hộ các hành động quyết liệt. Do các lệnh trừng phạt kinh tế và chiến dịch tuyên truyền trong nước, bộ phận lớn người dân Nga giờ đây xem các quốc gia phương Tây như là những kẻ thù muốn hủy hoại nước này cùng với các nhà lãnh đạo của họ. Nếu cần thiết, Điện Kremlin hoàn toàn có thể nhận được sự ủng hộ công khai dành cho một cuộc đối đầu quân sự đúng nghĩa tại Ukraine.
Giải pháp cho điều này là không để cho Ukraine gia nhập NATO. Nếu không thì nước Nga sẽ có thể từ trạng thái phẫn nộ nhưng còn có thể tự kiềm chế trở thành kẻ thù thực sự, và có thể khơi mào cho một cuộc chiến lớn hơn tại châu Âu.
Vi sao Ukraine khong nen tro thanh thanh vien NATO-Hinh-4
 Biểu tình chống NATO, ủng hộ ông Putin tại Nga.
Sự ổn định phụ thuộc vào việc phương Tây có để cho Ukraine gia nhập NATO hay EU hay không. Trong thời điểm hiện tại, phương Tây nên cho phép Nga trở thành một bên thứ 2 cùng thúc đẩy an ninh và phát triển tại Ukraine với phương Tây.
Trong tương lai, một hội nghị mới về vấn đề an ninh tại châu Âu phải được tổ chức để chính thức đặt dấu chấm hết cho thời kì hậu Chiến Tranh Lạnh và xây dựng một hệ thống an ninh với Nga và Ukraine là 2 nhân tố chính.

Phong Đức

Bình luận(0)