Theo giới phân tích, Thổ Nhĩ Kỳ lên tiếng xin lỗi Nga trong bối cảnh Ankara đang phải đối mặt với những thách thức suy thoái kinh tế và sức ép bị cô lập trong khu vực.
Theo nhà phân tích chính trị Anton Khashenko, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ đã "bất hoà với cả thế giới" và bây giờ ông ấy tìm cách khôi phục quan hệ với Nga. Ông Khashenko nói thêm: "Ông Erdogan đã bất hoà với cả thế giới và đầu tiên là xích mích với Nga. Ông ấy nghĩ rằng khi mình qua lại với Mỹ và Châu Âu thì chẳng việc gì phải xin lỗi Nga. Nhưng Washington lạnh nhạt với Erdogan, ông ấy tìm cách doạ dẫm Châu Âu bằng vấn đề người di tản, quan hệ với EU giờ đây cũng hư hại. Tất cả các đối thủ thế giới đều không muốn làm việc với ông ấy. Ông ấy tưởng mình là Quốc vương Hồi giáo (Sultan), nghĩ rằng mọi cái rồi sẽ đâu vào đấy. Tuy nhiên, ông Erdogan hiểu rằng cần bắt đầu gây dựng lại quan hệ với ai đó. Ngay từ đầu, Nga đã nêu ra những điều kiện mở lại cuộc đối thoại với Thổ Nhĩ Kỳ".
|
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan. Ảnh Sputnik News |
Trong bức thư ngày 27/6 của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan gửi Tổng thống Vladimir Putin có chứa lời chia buồn chân thành đến gia đình của viên phi công Nga bị sát hại trong vụ chiến đấu cơ F-16 của Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ máy bay ném bom Su-24 hồi tháng 10/2015 và lời xin lỗi có thể có tác động đáng kể đến tình hình địa chính trị hiện nay ở Trung Đông và Châu Âu.
Phát biểu tại thủ đô Ankara, Tổng thống Erdogan cho biết ông lấy làm tiếc về vụ bắn rơi máy bay chiến đấu của Nga vào năm ngoái đồng thời bày tỏ sự tin tưởng Thổ Nhĩ Kỳ sẽ sớm bình thường hóa quan hệ với Nga, chấm dứt tình trạng căng thẳng vốn không có lợi cho cả hai nước. Ông Erdogan cũng nhấn mạnh sẵn sàng cùng Nga giải quyết các thách thức an ninh trong khu vực và hợp tác chống khủng bố.
Chưa hết, cùng ngày, Ankara và Tel Aviv đã đồng ý hàn gắn quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ-Israel, một mối quan hệ đã bị gián đoạn cách đây 6 năm sau một vụ đụng độ trên biển giữa Hải quân Israel Hải quân và các nhà hoạt động Thổ Nhĩ Kỳ ủng hộ Palestine.
Về vấn đề này, nhà phân tích-nhà báo Onur Ant của Bloomberg nhận định: "Việc Thổ Nhĩ Kỳ tìm cách giải tỏa hai cuộc đối đầu này có liên quan mật thiết với nhau. Thổ Nhĩ Kỳ đã đàm phán với Israel giàu khí đốt sau khi Ankara bắn hạ máy bay ném bom Nga và tìm cách cắt giảm sự phụ thuộc vào Nga về nhiên liệu. Ngoài các lợi ích kinh tế, việc hòa giải song hành (với cả Nga và Isreal) này có thể củng cố chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ, một nước ngày càng bị gạt ra rìa trong các nỗ lực chấm dứt các cuộc xung đột khu vực - đặc biệt ở Syria, nơi Nga đang trở thành một thế lực quốc tế chiếm ưu thế”.
Sau khi bắn hạ máy bay ném bom phản lực Su-24 của Nga, kim ngạch thương mại song phương Nga-Thổ Nhĩ Kỳ (vốn ở mức 30 tỷ USD/năm) đã sụt giảm đáng kể. Đây quả là một đòn mạnh giáng vào nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ.
Theo hãng tin Bloomberg, Ngân hàng Tái thiết và Phát triển châu Âu ước tính lệnh trừng phạt của Nga năm 2015 đã khiến tăng trường kinh tế của Thổ Nhĩ Kỳ bị mất đi từ 0,3 - 0,7% trong năm 2016. Số lượng du khách Nga đến thành phố Antalya của Thổ Nhĩ Kỳ (vốn là điểm đến ưa thích của người Nga) giảm đến 95% so với cùng kỳ năm 2015. Người Anh và người Đức cũng giảm hẳn việc đi du lịch đến Thổ Nhĩ Kỳ vì lo ngại an ninh, dẫn đến kết quả là tổng số du khách đến Thổ Nhĩ Kỳ giảm đến 45% so với cùng kỳ năm ngoái.
Dẫn lời Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Binali Yildirim, nhà báo Onur Ant nhấn mạnh rằng sau khi đã thực hiện một bước tiến đáng kể trong việc cải thiện mối quan hệ với Moscow, Ankara hy vọng rằng Nga và Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tiếp tục hợp tác về đầu tư và du lịch.
Vậy điều gì đã khiến Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan tìm cách nối lại quan hệ với Moscow và Tel Aviv?
Nhà phân tích Siobhan O'Grady của tạp chí “Chính sách đối ngoại” (Foreign Policy) của Mỹ chỉ ra rằng quan hệ EU-Thổ Nhĩ Kỳ không được “xuôi chèo mát mái” như Ankara mong đợi. Trái với mong đợi của chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ, chính phủ Đức đã thừa nhận tội ác diệt chủng của Đế chế Ottoman chống lại người Armenia trong năm 1915. Không những thế, một nhóm các luật sư và nhà hoạt động nhân quyền Đức đã đệ đơn kiện Tổng thống phạm “tội ác chiến tranh chống lại người Kurd ở Thổ Nhĩ Kỳ".
Về chuyện này, nhà khoa học chính trị Pavel Svyatenkov nhận định rằng, chính sách của Ankara đã khiến Brussels bực tức: "Bằng việc doạ dẫm Châu Âu, ông ấy (Tổng thống Erdogan) đã làm cả Liên minh Châu Âu và Đức phật ý. Mới đây, Quốc hội Đức đã thông qua nghị quyết công nhận nạn diệt chủng người Armenia, điều tất nhiên làm Ankara giận dữ. Động thái của các nghị sĩ Đức rõ ràng nhằm chứng tỏ Berlin vô cùng bất mãn với chính sách của ông Erdogan".
Bình luận về động lực cải thiện quan hệ với Moscow và Tel Aviv của Ankara, nhà phân tích O'Grady nói thêm rằng Erdogan "tích cực cải thiện quan hệ với Nga và Israel, giữa lúc có nhiều quan ngại về mối đe dọa của Nhà nước Hồi giáo (IS) đối với an ninh Trung Đông”.
Chủ tịch của Trung tâm Phân tích hệ thống và Dự báo Rostislav Ishchenko cho rằng lá thư của Tổng thống Erdogan gửi Tổng thống Putin có thể là phản ứng của chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ trước “canh bạc chính trị” của Thủ tướng David Cameron dẫn đến việc Liên hiệp Anh bỏ phiếu rời Liên minh Châu Âu (Brexit). Kết quả trưng cầu dân ý ủng hộ Brexit đã không chỉ buộc Thủ tướng Anh David Cameron từ chức mà còn làm đảo lộn cán cân quyền lực trong Liên minh Châu Âu.
Trên mục “Quan điểm ý kiến” của hãng thông tấn RIA Novosti, nhà phân tích Rostislav Ishchenko viết: "Cùng với Liên hiệp Anh, 13% ngân sách của Liên minh Châu Âu cũng đang chia tay với EU”. Ông Ishchenko nói thêm rằng sau vụ Anh rời EU, nước Đức sẽ buộc phải cắt giảm viện trợ tài chính cho các nước Đông Âu và Nam Âu.
Theo nhà phân tích Ishchenko, Ankara đang lên kế hoạch phục hồi kinh tế vốn bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi lệnh trừng phạt Nga và chương trình tị nạn của EU.
Hiện thời, với sự toàn vẹn của Liên minh Châu Âu đang lâm nguy và phong trào Euroskeptic “đang lên như diều gặp gió”, EU không còn tập trung vào Thổ Nhĩ Kỳ và những yêu cầu hỗ trợ tài chính của nước này.
Nhà phân tích Ishchenko nhấn mạnh rằng trong trường hợp tiếp tục tan băng trong quan hệ Nga-Thổ Nhĩ Kỳ, Moscow có thể chiếm thế thượng phong trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng Syria. Moscow muốn Ankara thay đổi thái độ đối với Tổng thống Syria Bashar al-Assad và gây sức ép với các nhóm đối lập được Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn tham gia đàm phán hòa bình.
Mặt khác, việc nối lại các cuộc đàm phán về dự án “Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ” có thể tăng cường đáng kể vị trí của Nga trên thị trường khí đốt thiên nhiên toàn cầu. Điều thú vị là trong ngày 27/6, Tập đoàn Gazprom thông báo sẽ "mở cuộc đối thoại" với Ankara về việc xây dựng một đường ống dẫn khí dưới biển vốn là một phần của dự án “Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ”. Trong một tuyên bố chính thức, người phát ngôn Kupriyanov của Gazprom nói: "Chúng tôi luôn mở cửa đối thoại về ‘Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ’ và cánh cửa của chúng tôi hiện thời vẫn rộng mở”.