Theo đó, vào hôm nay, các lãnh đạo tổ chức cuộc đảo chính ở Thái Lan cho biết, họ sẽ giam giữ cựu Thủ tướng
Yingluck Shinawatra, các thành viên nội các cũ cũng như lãnh đạo phe biểu tình chống đối chính phủ ở một nơi an toàn. Có thể, họ sẽ “kìm chân” các đối tượng trên trong vòng một tuần để họ “có thời gian tự suy ngẫm”. Trong khi đó, chính quyền quân sự của Thái cũng đang mở rộng danh sách đen của họ tới một số học giả nổi bật.
|
Xe chở bà Yingluck tới nơi trình diện quân đội hôm 23/5.
|
Nhiều chuyên gia phân tích chính trị nhận định, việc giam giữ này của phía quân đội Thái nhằm ngăn chặn các nhà lãnh đạo chính trị liên lạc với những người ủng họ để tiến hành các hoạt động chống lại quân đội. Theo đó, vào hôm thứ 5 (22/5), Tư lệnh Lục quân Thái Lan, Tướng Prayuth Chan-ocha tuyên bố đảo chính quân sự sau khi các đảng phái chính trị không thể tìm tới một thoả hiệp để giải quyết bế tắc chính trị trong một hội nghị.
Hai ngày sau đảo chính (tức hôm nay, 24/5), hàng trăm người biểu tình phản đối cuộc đảo chính tiếp tục tuần hành trên đường phố bất chấp lệnh cấm “tụ tập chính trị” do quân đội ban hành. Những người này còn hô vang các khẩu hiệu, giương cao các biểu ngữ bên ngoài một rạp chiếu phim ở thủ đô Bangkok. Hàng chục binh sĩ trên tay cầm khiên chống bạo động đứng gần đó, nhưng họ không có động thái chống trả nào với đám đông này.
Phó Phát ngôn viên của lực lượng quân đội Thái Lan, Đại tá Weerachon Sukondhapatipak cho biết, tất cả các chính trị gia bị bắt giữ lần này đều được đối xử tốt. Mục đích việc làm này là để đạt được một thoả hiệp chính trị.
|
Các binh sĩ Thái Lan xếp thành hàng ngang giữa đường để ngăn chặn những người biểu tình phản đối cuộc đảo chính và các chính trị gia "tụ tập chính trị".
|
“Đó là một cách để tất cả những người có dính líu tới cuộc xung đột bình tâm lại và có thời gian để suy ngẫm về mọi việc. Chúng tôi không có ý định hạn chế sự tự do của họ. Đó chỉ là cách làm giảm áp lực cho họ mà thôi”, ông Weerachon nói.
Theo đó, Uỷ ban Gìn giữ Trật tự và Hoà bình Quốc gia (NPOMC) – cơ quan tạm thời nắm vai trò tiếp quản quyền điều hành đất nước do Tướng Chan-ocha đứng đầu – đã ra thông báo thêm để triệu tập 35 người bao gồm các chính trị gia, nhà hoạt động chính trị và các học giả trực tính.
Một trong số những người nằm trong danh sách triệu tập mới nhất này là Giáo sư chuyên nghiên cứu về các vấn đề ở Đông Nam Á thuộc trường Đại học Kyoto Pavin Chachavalpongpun. Thông qua cuộc trao đổi trên điện thoại gọi từ Nhật Bản, học giả này cho biết, việc ban thông báo triệu tập này chứng tỏ quân đội đang cảm thấy không an toàn.
“Họ luôn nói rằng, quân đội chỉ làm nhiệm vụ của một người trung gian hoà giải cho cuộc xung đột. Tuy nhiên, tất cả điều đó hoàn toàn không đúng. Đó không phải là cách mở đường cho những cải cách hay dân chủ hoá. Chúng tôi đang thực sự quay về chế độ chủ nghĩa độc đoán”, ông nói.
Ở một diễn biến khác, hôm thứ 6 (23/5), đồng minh quan trọng của Thái Lan là Mỹ, đã đình chỉ khoản tiền 3,5 triệu USD trong gói cứu trợ quân sự cho Thái Lan. Đồng thời, Washington cũng khuyến cáo công dân họ không nên tới Thái Lan du lịch trong tình hình hiện tại.