Tại Moscow, tướng Khalifa Haftar đã gặp Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov và tìm kiếm một thỏa thuận vũ khí tiềm năng. Đổi lại, có tin đồn rằng Moscow sẽ có chỗ đứng ở thành phố Benghazi, miền Đông Libya, vốn là lãnh địa của “lãnh chúa” Khalifa Haftar.
Thỏa thuận này cũng có thể sẽ làm “thay đổi cuộc chơi” đối với Khalifa Haftar, một viên tướng ly khai với chính phủ Libya được Liên Hợp Quốc công nhận và đang tìm cách giành lại toàn bộ đất nước Libya từ tay các phe nhóm Hồi giáo. Cho đến nay, phía Nga đã bác bỏ mọi tin tức nói về bất kỳ thỏa thuận nào với tướng Khalifa Haftar.
Về chiến lược Trung Đông lớn của Nga
Mattia Toaldo, một chuyên gia về Libya và là thành viên cao cấp của tổ chức Hội đồng Châu Âu về quan hệ đối ngoại (ECFR) tại London, cho rằng Libya là một bộ phận của chiến lược Trung Đông lớn của điện Kremlin. Tổng thống Vladimir Putin tìm cách nâng cao ảnh hưởng của Nga tại Libya để củng cố liên minh với các nước Arập khác như Ai Cập dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Abdel Fatah El-Sissi.
Nhà phân tích Toaldo nói với DW: "Thứ nhất, Libya là một bằng chứng của tình thân hữu giữa hai ông Putin và Sissi. Libya rất quan trọng đối với Tổng thống Sissi và ông Sissi lại là quan trọng đối với Tổng thống Putin. Do đó, ông Putin sẽ làm những gì có thể để tăng cường ảnh hưởng của Tổng thống Ai Cập Abdel Fatah El-Sissi ở Libya”.
Có một lý do vì sao Tổng thống Putin ủng hộ tướng Haftar ở Libya như ông từng ủng hộ tướng El-Sissi ở Ai Cập. Tổng thống Ai Cập El-Sissi và tướng Haftar đều xuất thân từ quân đội và đều chống tổ chức “Anh em Hồi giáo”.
Nhà phân tích Toaldo đồng ý với quan điểm cho rằng một căn cứ quân sự của Nga ở Libya có thể giúp củng cố quyền lực của Moscow ở Trung Đông. Ông nói thêm: "Việc Nga giành được một chỗ đứng ở Libya có thể rất hữu ích trong việc tăng cường vị thế tổng thể của nước này ở Địa Trung Hải. Ngày càng có nhiều đồn đoán về một căn cứ của Nga, thậm chí chỉ cần quyền cập cảng, ở Benghazi. Cùng với Syria và mối quan hệ mật thiết với Ai Cập, điều này sẽ cho phép Nga có một vị thế mạnh mẽ hơn ở khu vực này (Bắc Phi) của thế giới."
Nghị quyết Liên Hợp Quốc năm 2011 cấm vận vũ khí đối với Libya sẽ là một trở ngại mà Nga sẽ phải đối mặt, nếu nước này muốn “làm ăn” với "lãnh chúa" Haftar.
Việc Nga ủng hộ tướng Haftar có đôi chút tương đồng với việc ủng hộ chế độ của Tổng thống Bashar al-Assad ở Syria. Tuy nhiên, nhà phân tích Toaldo nhận xét: “ Tôi không tin rằng Tổng thống Putin sẽ can dự vào Libya tương đương cấp độ mà ông đang cam kết với chính phủ Syria”.
Nga ủng hộ tướng Haftar chủ yếu liên quan đến lĩnh mua bán vũ khí. Trong khi đó, không quân Nga đã hỗ trợ đắc lực cho Tổng thống Assad bằng việc ném bom các vị trí của phiến quân ở Syria hơn một năm qua.
Theo nhà phân tích Mattia Toaldo, phía Nga hy vọng sẽ tăng cường ảnh hưởng của nước này ở Trung Đông và Bắc Phi đang thay đổi đến chóng mặt, để trở thành một thế lực chiếm ưu thế trong khu vực.