Vì sao các đồng minh ruột ngày càng “chán” Mỹ?

Google News

(Kiến Thức) - Một loạt sự kiện xảy ra trong những tuần gần đây càng phản ánh thực tế, Mỹ không còn là đồng minh đáng tin cậy;  thậm chí còn là đối tác kém cỏi.

 Mỹ ngày càng đánh mất niềm tin nơi các đồng minh ruột.

Đầu tiên, bê bối chính phủ Mỹ đóng cửa buộc Tổng thống Obama phải huỷ bỏ chuyến công du châu Á, trong đó bao gồm tham dự các hội nghị thượng đỉnh quan trọng của khu vực.
Tiếp đó, cựu nhân viên tình báo Mỹ, Edward Snowden tiết lộ tài liệu về bê bối động trời Cơ quan An ninh quốc gia nghe lén, theo dõi ít nhất 35 nhà lãnh đạo hàng đầu trên thế giới. Đáng nói là, trong số đó có cả nguyên thủ của các đồng minh ruột của Mỹ như nữ Thủ tướng Đức Angela Merkel.
Cả hai sự kiện trên diễn ra trong bối cảnh có nhiều quan ngại về độ tin cậy của Mỹ từ phía các đồng minh của nước này ở Trung Đông, đặc biệt là Israel và Saudi Arabia. Cụ thể, hai nước này lo sợ, Washington sẽ sao lãng chương trình hạt nhân của Iran cũng như "bỏ rơi" phe đối lập chống lại chính quyền Assad tại Syria.
Nhận định chung về tâm lý chung của các đồng minh của Mỹ, cựu Phó Tổng thống Dick Cheney nhấn mạnh: “Đồng minh đã không còn tin tưởng chúng ta và các đối thủ cũng không còn sợ chúng ta”.
Trong bối cảnh hiện nay, Mỹ đối mặt với 2 viễn cảnh. Hoặc là nỗ lực để khôi phục và duy trì lòng tin của đồng minh và đối tác. Hoặc là tiếp tục lao dốc, đánh mất đi sự tín nhiệm từ các nước đồng minh.
Các chính sách đối ngoại của Mỹ thường dựa trên uy tín của họ đối với các quốc gia khác. Còn các đồng minh định mức độ tin cậy đối với Washington dựa trên các hành động trong quá khứ của Mỹ. Do đó, bê bối chính phủ hay chương trình nghe lén điện thoại của Mỹ nhắm vào lãnh đạo các nước đồng minh sẽ làm mất uy tín của nước này không chỉ trong hiện tại mà còn ở tương lai.
Trong quá khứ, sau Chiến tranh thế giới thứ 2, Mỹ hỗ trợ mạnh mẽ cho các đồng minh để khôi phục hậu quả sau chiến tranh. Tuy nhiên, sự tín nhiệm mà nước Mỹ đã tạo dựng được trong quá khứ không thể bù đắp được cuộc khủng khoảng uy tín của họ hiện nay.
Tại Trung Đông, Mỹ vẫn liên tục ủng hộ Isarel từ cuối những năm 60 của thế kỷ XX. Đặc biệt, khi Isarel phải đối mặt với mối đe doạ tới sự tồn tại của họ trong cuộc chiến tranh Yom Kippur, Mỹ đã nhanh chóng tổ chức chi viện, ủng hộ vũ khí cho Tel Aviv, nhờ đó Lực lượng quốc phòng Isarel đã đánh bại kẻ thù của họ. Ngay sau đó, Mỹ rót tiền cho Isarel để họ mua sắm các loại vũ khí, phương tiện chiến tranh bất chấp biết rõ các quốc gia vùng Vịnh có thể trả đũa nhằm bảo vệ các mỏ dầu khổng lồ của họ.
Trong Chiến tranh vùng Vịnh năm 1991 khi cựu Tổng thống Iraq Saddam Hussein xâm lược Kuwai, Mỹ đã lãnh đạo chiến dịch phản công nhanh mang tên “Lá chắn Sa mạc”. Chiến dịch này đã nhanh chóng đánh bại quân đội Hussein ra giải phóng Kuwait.
Tương tự, sự hỗ trợ của Mỹ đối với Tây Âu nói chung và Đức nói riêng là không thể phủ nhận. Sau Chiến tranh thế giới thứ 2, Mỹ gấp rút và tích cực triển khai các hoạt động trợ giúp các đồng minh Tây Âu phục hồi kinh tế. Đồng thời, Mỹ cũng khởi xướng việc thành lập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) nhằm bảo vệ Tây Âu khỏi sự đe doạ quân sự của Liên Xô. Washington tiếp tục bảo hộ an ninh Lục địa Già gần một phần tư thế kỷ sau khi Liên Xô tan rã.
Riêng đối với Đức, Mỹ đã hỗ trợ nguồn lực lớn hơn so với các đồng minh khác. Sau khi khối Hiệp ước Warsaw tan rã, Mỹ đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sự sát nhập của Đông Đức và Tây Đức để thống nhất nước Đức.
Trong khi đó, tại châu Á, Mỹ cũng thực hiện nhiều biện pháp nhằm cân bằng sức mạnh và quyền lực trong khu vực. Đầu tiên, dù tuyên bố Seoul nằm ngoài ô bảo hộ an ninh, Mỹ vẫn dẫn đầu một chiến dịch của Liên Hiệp Quốc nhằm đẩy lùi cuộc tấn công của Triều Tiên vào Hàn Quốc.
Tương tự như vậy, dù thiết lập quan hệ với Trung Quốc, Mỹ tiếp tục bảo hộ chính quyền đảo Đài Loan bất chấp làm mếch lòng Bắc Kinh, gây ra nhiều ảnh hưởng tiêu cực đến quan hệ song phương. Hiện nay, Mỹ không ít lần cam kết bảo vệ các đồng minh và đối tác khu vực trước mối đe dọa Trung Quốc. Chiếc lược "xoay trục" hướng về châu Á mà chính quyền Obama theo đuổi hiện nay củng cố thêm các cam kết của Mỹ đối với khu vực.
Tuy nhiên, hiện nay uy tín của Mỹ ở châu Á, châu Âu và Trung Đông ngày càng giảm sút do hàng loạt bê bối của họ gần đây.
Có những nguyên cớ dẫn tới cuộc khủng hoảng tín nhiệm của Mỹ hiện nay, đặc biệt là ở khu vực Trung Đông và châu Á. Một mặt, các đồng minh của Mỹ taiuj khu vực Trung Đông và châu Á nhận thấy sức mạnh quân sự của Mỹ đang suy giảm. Mặt khác, tại Trung Đông, Mỹ đang cố né tránh các cam kết hỗ trợ quân sự quy mô lớn. Do đó, nhiều đồng minh quan ngại, Mỹ cuối cùng có thể chấp nhận thắng lợi của chính quyền Assad ở Syria và ký kết một thoả thuận cắt giảm hạt nhân với Iran thay vì ký kết các cam kết quân sự đủ lớn để ngăn chặn họ.
Ở Đông Á, nhiều đồng minh của Mỹ quan ngại, Washington đang suy giảm bởi sự lục đục, chia rẽ nội bộ trong khi Trung Quốc đang ra sức khuếch trương ảnh hưởng ra bên ngoài. Với một Trung Quốc ngày càng lớn mạnh và quyết đoán, để ngăn chặn họ, đòi hỏi Mỹ phải tập trung nhiều nguồn lực. Theo bối cảnh đó, giới lãnh đạo châu Á nhấn mạnh: Liệu Mỹ có đủ sức để thực hiện các cam kết của họ đối với khu vực?
Một điều nữa khiến các đồng minh "bất an" đối với Mỹ đó là, giữ vai trò cường quốc số 1 của thế giới, Washington rõ ràng là chỗ dựa cho các đồng minh nhiều hơn. Nói cách khác, các đồng minh phụ thuộc vào Mỹ nhiều hơn, trong khi họ phải đối mặt với nhiều mối đe dọa trực tiếp hơn. Chắc chắn, để bảo vệ lợi ích của mình, Mỹ sẽ ngăn chặn viễn cảnh Iran sở hữu vũ khí hạt nhân hay Trung Quốc giữ thế bá quyền tại Tây Thái Bình Dương.
Song, rõ ràng, bom hạt nhân của Iran đe dọa trực tiếp đến Saudi Arabia and Israel hơn là đe doạ Mỹ. Tương tự, Trung Quốc cũng là "mối đe dọa trực tiếp" đối với Philippines, Nhật Bản hơn so với Mỹ khi quyền bá chủ khu vực của Bắc Kinh đồng nghĩa với việc chế ngự và sự mất mát về chủ quyền của nhiều nước trong khu vực. Chưa kể, thực tế, Mỹ đặt mục tiêu ngăn ngăn chặn Trung Quốc trở thành bá chủ khu vực hơn là bảo vệ lợi ích của các đồng minh. Từ đó, nhiều đồng minh luôn ở trong tâm lý lo sợ, Mỹ rút lui về hậu trường trong cuộc đối đầu tại Thái Bình Dương.
Thực tế, Mỹ có thể thực hiện nhiều biện pháp để làm giảm các mối quan ngại trên song không thể loại bỏ hoàn toàn mối lo ngại của họ. Vì vậy, Mỹ không bao giờ hoàn toàn đáng tin cậy trong mắt các đồng minh và đối tác của họ.
Nguyễn Tuấn (theo Diplomat)

Bình luận(0)