Gần đây, Trung Quốc và ASEAN đã đồng ý về khuôn khổ cho Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC ) nhằm ngăn ngừa các cuộc xung đột ở vùng biển chiến lược này. Nhưng liệu dự thảo khuôn khổ COC có dẫn đến một thỏa thuận ràng buộc pháp lý chấm dứt tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông?
|
Tình hình Biển Đông hơi lắng dịu, nhưng vẫn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát trở lại. Ảnh: US News & World Report |
Trả lời phỏng vấn của DW, chuyên gia châu Á Bill Hayton của tổ chức tư vấn Chatham House (Vương quốc Anh) tỏ ý hoài nghi về khả năng hai bên sớm đạt được thỏa thuận COC có thể chấp nhận được. Tuy nhiên, ông Hayton nhấn mạnh rằng quá trình thảo luận COC là một biện pháp xây dựng lòng tin hữu ích. Theo ông, dù sao đi chăng nữa, việc Trung Quốc và ASEAN nói chuyện và tranh cãi với nhau về tranh chấp (Biển Đông) còn tốt hơn nhiều so với không nói gì.
+ DW: Có tin nói tuần trước, Trung Quốc và ASEAN đã đạt được một thỏa thuận về dự thảo khuôn khổ cho bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông(COC). Vậy diễn biến này có ý nghĩa như thế nào?
-Bill Hayton: Tôi không nghĩ rằng khuôn khổ này sớm dẫn đến bất cứ điều gì. Nhưng tôi cho rằng quá trình thảo luận này là một biện pháp xây dựng lòng tin hữu ích. Trên thực tế, việc tất cả các bên ngồi xung quanh bàn tròn, nói chuyện và tranh luận với nhau… là tốt hơn nhiều so với không nói chuyện.
Nhưng có một số lý do khiến tôi không nghĩ sớm đạt được một thỏa thuận (có tính ràng buộc về COC). Thứ nhất, tôi tin rằng Trung Quốc vẫn muốn xây dựng trên bãi cạn Scarborough. Và do đó, Trung Quốc sẽ không ký một thỏa thuận có thể cản trở nước này làm điều đó.
Một lĩnh vực bất đồng khác là Trung Quốc không muốn bị ràng buộc pháp lý bởi một thỏa thuận, nhưng đó lại là những gì mà các quốc gia Đông Nam Á mong muốn. Đối với các nước này (Đông Nam Á), sẽ là vô ích nếu ký kết một bộ luật không có tính ràng buộc pháp lý. Và họ muốn có một loại công cụ để kiểm soát hành vi của Trung Quốc, còn Bắc Kinh lại không muốn hành vi của mình bị kiểm soát.
Một lĩnh vực gây tranh cãi khác nữa là Trung Quốc đang cố gắng hạn chế phạm vi áp dụng của bộ quy tắc ứng xử COC chỉ với quần đảo Trường Sa, trong khi những nước khác như Việt Nam và Philippines lại muốn bao gồm cả quần đảo Hoàng Sa và bãi cạn Scarborough. Có vẻ như cho đến này, chưa có gì hóa giải được những bất đồng này.
- Tình hình Bán đảo Triều Tiên bây giờ dường như thu hút phần lớn sự chú ý của quốc tế và tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông dường như đã biến mất khỏi chương trình nghị sự. Xin cho biết quan điểm của ông về việc này?
- Tôi tin rằng có một vài điều xảy ra cùng một lúc. Một là, Trung Quốc đang tiến hành một cuộc “tấn công quyến rũ” ở Đông Nam Á và không làm điều gì gây ác cảm từ phía các nước láng giềng Đông Nam Á.
Mọi thứ dường đã trở nên yên tĩnh hơn trong gần ba năm nay. Kể từ khi căng thẳng giữa Trung Quốc và Việt Nam leo thang sau khi Trung Quốc ngang nhiên hạ đặt một dàn khoan dầu gây tranh cãi trong vùng biển đang tranh chấp (nằm sâu trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam) , Trung Quốc dường như đã hành xử thận trọng hơn. Tôi nghĩ Bắc Kinh nhận ra rằng họ đã mất khá nhiều từ vụ việc nói trên và kể từ đó họ tránh làm bất cứ điều gì như thế một lần nữa.
Đồng thời, Trung Quốc đã xây dựng (trái phép) những hòn đảo (nhân tạo) khổng lồ này trong khu vực (Biển Đông). Có lẽ điều đó đã hấp thụ tất cả năng lượng của Trung Quốc. Khi việc xây dựng các hòn đảo (nhân tạo) nói trên hoàn tất, chúng ta có thể chứng kiến(Trung Quốc) trở lại với hành vi quyết đoán hơn.
Một điều khác cần lưu ý là Trung Quốc cũng đang tranh chấp lãnh thổ với Nhật Bản và tập trung nỗ lực nhiều hơn vào chuỗi đảo Senkaku/ Điếu Ngư. Trong lịch sử, Trung Quốc không bao giờ ráo riết hoạt động cùng một lúc trên cả hai mặt trận. Thông thường, khi mặt trận này bùng phát thì mặt trận kia lắng dịu hơn. Và đó dường như là những gì đang xảy ra vào lúc này.
Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc sẽ được tổ chức trong năm nay và có lẽ các nhà chức trách ở Bắc Kinh không muốn gây bất ổn khu vực trước sự kiện quan trọng này. Hơn nữa, Trung Quốc đang cố gắng để mọi người ủng hộ sáng kiến “Một vành đai, một con đường” (OBOR) của nước này. Đây là lý do khác tại giải thích vì sao Trung Quốc có thể muốn duy trì tình hình yên tĩnh vào thời điểm hiện tại.
+Một số người cho rằng Trung Quốc đã đạt được những gì mà họ muốn ở Biển Đông và đó là lý do vì sao tình hình bây giờ hơi lắng dịu. Ông nghĩ sao về điều này?
-Tôi nghĩ rằng lập luận này cũng có phần đúng. Người Trung Quốc đã chiếm quần đảo Hoàng Sa và họ đang xây dựng căn cứ ở đó.
Họ cũng đang xây dựng các hòn đảo nhân tạo ở Biển Đông, nhưng họ vẫn chưa hoàn tất. Đây sẽ là những căn cứ (quân sự) rất mạnh.
Nhiều chuyên gia cho rằng Trung Quốc cũng muốn xây dựng căn cứ trên bãi cạn Scarborough. Và điều đó sẽ làm cho bãi cạn này trở thành đỉnh thứ ba của “tam giác sắt” (của Trung Quốc) trên Biển Đông.