Ngày 9/8/2016, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã trình Duma Quốc gia (quốc hội) phê duyệt dự thảo thỏa thuận giữa Nga và Syria.
|
Lực lượng Không quân Vũ trụ Nga triển khai ở sân bay Hmeymim. Ảnh The Independent |
Về thỏa thuận này, quan sát viên Aleksandr Khrolenko của Hãng thông tấn quốc tế Sputnik viết:
Thỏa thuận này tạo điều kiện thuận lợi nhất cho Nga. Không quân Nga có thể sử dụng miễn phí sân bay Hmeymim với tất cả các cơ sở hạ tầng của nó cũng như "các khu vực cần thiết theo thỏa thuận giữa hai bên".
Các thiết bị và nhân viên của nhóm không quân Nga được hưởng miễn trừ hoàn toàn trước thẩm quyền dân sự và hành chính của Syria. Nga có quyền đưa vào Syria miễn thuế và đưa ra khỏi Syria bất kỳ vũ khí, đạn dược, trang thiết bị, còn các nhân viên của nhóm không quân Nga được miễn thủ tục kiểm tra biên phòng và hải quan của Syria. Và trong trường hợp gây thiệt hại cho bên thứ ba "có liên quan đến hoạt động của nhóm không quân Nga và các nhân viên Nga”, phía Syria sẽ tự giải quyết khiếu nại. Nếu một trong hai bên quyết định chấm dứt hợp đồng, thì chỉ cần thông báo bằng văn bản cho bên đối tác và trong vòng một năm kể từ ngày nhận được thông báo đó hợp đồng sẽ chấm dứt.
Cần phải hiểu rằng thái độ hào phóng của Damascus không phải là một món quà mà là đòi hỏi của thời chiến. Đây là sự tín nhiệm của Syria đối với nước Nga trên cương vị đồng minh.
Tương lai của căn cứ không quân Nga trên lãnh thổ Syria phụ thuộc vào hoàn cảnh và thời điểm kết thúc chiến sự. Cuộc chiến chống khủng bố có thể kéo dài nhiều tháng hoặc nhiều năm nữa. Nhóm quân đội Nga cần phải duy trì sự sẵn sàng chiến đấu cao tại cảng Tartous, tại căn cứ không quân Hmeymim.
|
Nga đã triển khai chiến đấu cơ Su-35, xe tăng T-90 và hệ thống tên lửa phòng không hiện đại S-400 tại căn cứ không quân Hmeymim. Ảnh Sputnik |
Quan sát viên Alexander Khrolenko nhận định rằng sự trùng hợp lợi ích của hai nước đã mang lại kết quả. Syria đang được củng cố và các nhóm khủng bố bị tiêu diệt một cách có hệ thống bất chấp sự kháng cự dữ dội. Phương Tây cũng phải thừa nhận điều đó.
Tạp chí Đức Spiegel nhận định: “Số phận của Syria do Moscow quyết định. Có lẽ, trong bối cảnh chiến dịch của Nga tại Syria, Liên minh Châu Âu và Mỹ phải tiến đến một sự xích lại gần với Moscow".
Về phần mình, phía Nga đã nhiều lần bày tỏ sự sẵn sàng tiến hành cuộc chiến chung chống khủng bố để phối hợp tối đa những nỗ lực quốc tế trong khu vực Trung Đông. Ví dụ, sau khi bắt đầu chiến dịch nhân đạo ở Aleppo, Bộ Quốc phòng Nga chính thức đề nghị các cơ quan quốc phòng của Mỹ, hầu hết các nước Châu Âu và Châu Á tham gia các nỗ lực của Nga. Hai nước đầu tiên hỗ trợ sứ mệnh nhân đạo này là Trung Quốc và Serbia. LHQ cũng đã hoan nghênh sáng kiến của Nga giúp đỡ người dân thường.
Quan sát viên Alexander Khrolenko lưu ý rằng hợp tác quân sự giữa Moscow và Damascus có lịch sử lâu dài. Lợi ích chiến lược của Nga luôn song trùng với lợi ích của Syria và hợp tác đôi bên cùng có lợi sẽ mang lại sự ổn định cho khu vực.