Theo giáo sư Kinh tế - Chính trị Quốc tế Jean-Pierre Lehmann thuộc Viện Phát triển Quản lý Quốc tế (IMD), châu Á của đầu thế kỷ 21 giống như châu Âu hồi đầu thế kỷ 20. Hiện châu Á là trung tâm quyền lực và tiềm lực của thế giới do đó những gì diễn ra tại châu lục này, đặc biệt là các hành động của Trung Quốc sẽ ảnh hưởng lớn tới trật tự toàn cầu.
Bài viết về việc Trung Quốc đang trở thành tâm điểm của thế giới trong thế kỷ 21 của giáo sư Lehmann được đăng trên tạp chí Yale Global của ĐH Yale danh tiếng.
Dưới đây là nội dung bài viết được Kiến Thức lược dịch:
“Trục châu Á” chính là “Trục Trung Quốc”?
Tâm điểm của khu vực châu Á – Thái Bình Dương là Trung Quốc. Chiến lược “Trục châu Á” của Mỹ về bản chất là chiến lược “Trục Trung Quốc”. Trong suốt chuyến công du châu Á tới Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia và Philippines vào tháng Tư vừa qua, Tổng thống Mỹ Barack Obama không ngừng khẳng định rằng các chính sách của ông – bao gồm Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) mà Trung Quốc không tham gia, thỏa thuận thương mại xuyên khu vực hay thỏa thuận quốc phòng với Philippines – không nhằm tới mục tiêu kiềm chế hay kiểm soát Trung Quốc.
Trong khi đó, Nhật Bản, quốc gia căng thẳng với Trung Quốc về các vấn đề lịch sử và tranh chấp chủ quyền, đang xem xét “diễn giải lại” Hiến pháp, cho phép Tokyo có thêm quyền thúc đẩy năng lực quân sự đối phó với Bắc Kinh. Nói cách khác, đây cũng là một chiến lược “Trục Trung Quốc”.
Trong khi đó, Nga cũng có “Trục châu Á” của riêng mình. Sau biến cố Ukraine, Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã gặp nhau tại Thượng Hải để bàn bạc về thỏa thuận năng lượng kéo dài 30 năm trị giá 400 tỷ USD. Việc 2 bên ký kết thỏa thuận trên là dấu hiệu cho thấy quan hệ Nga – Trung đang “ấm áp” trở lại. Ngoài ra, Nga và Trung Quốc cũng vừa tiến hành tập trận chung bắn đạn thật trên biển Hoa Đông.
|
Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong chuyến thăm của ông Putin tới Trung Quốc trong tháng 5/2014. |
Ở phía nam, Trung Quốc có một loạt hành động khiêu khích đối với Việt Nam trên Biển Đông, giống như những gì nước này thể hiện với Philippines. Ngoài ra, Trung Quốc còn tranh chấp với Brunei và Malaysia.
Ấn Độ, quốc gia từng là kẻ thù của Trung Quốc trong cuộc chiến tranh 1962, cũng đang có chính sách “Trục Trung Quốc” của riêng mình.
Vừa qua, chiến thắng vang dội của ông Narendra Modi trong cuộc bầu cử tổng thống đã khuấy động cả đất nước Ấn Độ và giới quan sát trên toàn thế giới. Liệu “người đàn ông mạnh mẽ” – biệt danh tờ Economist dành cho ông Modi – có thể giúp “giải phóng Ấn Độ” hay không?
Một số nhà bình luận Trung Quốc cho rằng chính sách “Trục Trung Quốc” của ông Modi sẽ đi theo một trong hai hướng. Hướng thứ nhất là “noi gương Nixon”, có nghĩa là ông Modi sẽ có chuyến thăm lịch sử tới Trung Quốc để gây dựng quan hệ Trung - Ấn, giống như chuyến thăm hồi năm 1972 của cựu Tổng thống Mỹ Richard Nixon đặt nền tảng cho mối quan hệ Mỹ - Trung. Hướng thứ hai và có khả năng thành hiện thực hơn là ông Modi sẽ thúc đẩy mối quan hệ với Nhật Bản để thúc đẩy hợp tác kinh tế và an ninh song phương.
Mối quan hệ giữa Trung Quốc và bán đảo Triều Tiên có phần hơi kì quặc. Seoul và Bắc Kinh là đối tác thương mại lớn và đầu tư cũng như công nghệ từ Hàn Quốc đóng vai trò quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế của Trung Quốc. Ngoài ra, việc Trung – Hàn có “mối thù lịch sử” với Nhật Bản khiến Seoul và Bắc Kinh thân thiết.
Trong khi đó, Triều Tiên tiếp tục lệ thuộc vào sự trợ giúp về tài chính, chính trị và quân sự từ Trung Quốc. Mặc dù Bắc Kinh nhiều lần tỏ ra giận dữ với đồng minh Bình Nhưỡng, Trung Quốc có lẽ không muốn Triều Tiên – Hàn Quốc thống nhất và liên kết với Mỹ. Có lẽ bán đảo Triều Tiên sẽ tiếp tục là một “vạc dầu” của vùng Đông Bắc Á.
Kinh tế của Trung Quốc có ảnh hưởng toàn cầu
Không chỉ ảnh hưởng lớn đến chính trị thế giới, Trung Quốc còn có ảnh hưởng về mặt kinht ế. Nếu Trung Quốc gặp khủng hoảng kinh tế, điều đó sẽ dẫn tới những hậu quả khủng khiếp đối với nhiều nền kinh tế. Có câu nói rằng: nếu Trung Quốc hắt xì hơi, cả thế giới sẽ bị viêm phổi.
|
Mặc dù là 2 cường quốc kinh tế hàng đầu nhưng Mỹ và Nhật sẽ phải chịu ảnh hưởng nặng nề nếu kinh tế Trung Quốc có vấn đề. |
Các cường quốc như Nhật Bản, thành viên của Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ cũng không “miễn nhiễm”. Các nền kinh tế này ít nhiều đều hướng đến “Trục Trung Quốc”.
Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Nhật Bản. Đức xuất khẩu hàng hóa sang Trung Quốc nhiều hơn sang Mỹ. Các công ty Trung Quốc đang cứu các công ty Pháp kinh doanh thua lỗ. Ở cấp vĩ mô Trung Quốc là chủ nợ lớn nhất của Mỹ và ở cấp vi mô, các trường đại học Mỹ đang thu “bộn tiền” từ các sinh viên đến từ Trung Quốc.
Vị thế “cái rốn vũ trụ” của Trung Quốc không chỉ giới hạn trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Các nền kinh tế ở Trung Đông, châu Phi và Mỹ Latinh đang ngày càng lệ thuộc vào Trung Quốc về xuất khẩu năng lượng, đầu tư và viện trợ phát triển. Một trong nhiều ví dụ là Trung Quốc đã “đổ” nhiều tỷ USD vào hệ thống đường ray ở châu Phi đã kết nối các quốc gia Kenya, Uganda, Rwanda, Burundi và Nam Sudan.
Chuyên gia Lehmann cho rằng Mỹ, quốc gia từ lâu giữ “ngôi vương” độc nhất, sẽ phải chia sẻ “ngôi vị” của mình với Trung Quốc.
Vậy kế hoạch của Trung Quốc là gì? Liệu có một hay một số nhân vật trong nội bộ Trung Quốc đang tìm cách vẽ lên kế hoạch đó? Đó sẽ là những câu hỏi “nóng” nhất đối với toàn thế giới.