Hội nghị hàng năm của các nhà lãnh đạo Trung Quốc ở khu nghỉ mát Bắc Đới Hà, tỉnh Hà Bắc, miền bắc Trung Quốc dự kiến được tiến hành vào tháng tới. Hội nghị Bắc Đới Hà năm ngoái khá căng thẳng, sau khi công bố điều tra tham nhũng đối với cựu Ủy viên thường vụ Bộ Chính trị Chu Vĩnh Khang.
Tháng trước, ông trùm an ninh Chu Vĩnh Khang, 72 tuổi, đã bị kết án tù chung thân sau khi bị kết tội hối lộ, lạm dụng quyền lực và tiết lộ bí mật nhà nước. Ông Chu là Ủy viên thường vụ Bộ chính trị đầu tiên bị kết án hoặc tham nhũng, phá vỡ cái gọi là “luật bất thành văn” vốn miễn trừ truy tố các quan chức Trung Quốc chóp bu.
Theo Duowei News, các cuộc thảo luận năm nay có thể xoay quanh việc xử lý ba "đại hổ" tham nhũng là Cựu Thống đốc Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc) Đới Tương Long, cựu Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương Quách Bá Hùng và cựu Phó Chủ tịch nước Tăng Khánh Hồng.
|
Cựu Thống đốc Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc-PBOC) Đới Tương Long |
Ông Đới Tương Long, 70 tuổi, từng giữ chức Thống đốc của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) từ năm 1995 đến năm 2002. Trước đó, ông giữ chức Thị trưởng thành phố Thiên Tân. Ông Đới Tương Long nghỉ hưu vào năm 2013, sau khi từ chức thủ trưởng Quỹ An sinh Xã hội quốc gia.
Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương (CCDI) của ĐCS Trung Quốc nghi ngờ Thống đốc Đới Tương Long lạm quyền trong việc khai thác thông tin rồi dùng thông tin đó trục lợi bất chính, làm giàu cho gia đình. Thông tin về khối tài sản kếch xù của gia đình ông Đới Tương Long đã được đăng tải trên các trang thông tin của Trung Quốc, tuy nhiên ngay sau đó đã bị gỡ xuống trong quá trình kiểm duyệt.
Có tin đồn nói rằng cựu Thống đốc PBOC Đới Tương Long đã bị điều tra tham nhũng từ tháng 4/2015, nhưng tin đồn này cũng bị nhanh chóng gỡ bỏ khỏi Internet. Chính quyền Trung Quốc không bác bỏ và cũng không xác nhận tin đồn này.
Phương tiện truyền thông nước ngoài như Bloomberg đưa tin rằng ông Đới Tương Long đang bị điều tra về việc lạm dụng chức vụ để làm lợi cho bạn bè và thân quyến.
CCDI cho biết quyết định điều tra gia đình ông Đới Tương Long bắt nguồn từ cuộc điều tra nhắm vào Mã Kiện, Thứ trưởng Bộ công an Trung Quốc thời điểm đó. Hồi tháng 1/2015, CCDI đã cáo buộc Mã Kiện “vi phạm pháp luật và kỷ luật nghiêm trọng”. Ông Mã đã bị tước chức vụ và khai trừ khỏi đảng hồi tháng 2 /2015.
Hồi tháng Giêng năm 2013, báo New York Times trích dẫn một nguồn tin nói rằng hai công ty do con rể Đới Tương Long là Xa Phong thành lập đã mua cổ phần của Hãng bảo hiểm Bình An (Ping An Insurance) với giá 55 triệu USD. Chỉ một năm sau đó, cổ phần của Hãng bảo hiểm Bình An nhảy vọt lên mức 3,1 tỷ USD.
Vào thời điểm diễn ra vụ mua bán này, Đới Tương Long là Thống đốc PBOC và giám sát các công ty bảo hiểm.
Một báo cáo khác nói rằng không có bằng chứng nào cho thấy Thống đốc Đới Tương Long biết về hành động thâu tóm của con rể hoặc vụ giao dịch mua cổ phần của Hãng bảo hiểm Bình An là bất hợp pháp. Tuy nhiên, thân quyến của Đới Tương Long xem ra đã hưởng lợi rất nhiều từ các khoản đầu tư vào các công ty dịch vụ tài chính được đặt dưới sự giám sát của Thống đốc PBOC thời đó.
|
Cựu Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương Quách Bá Hùng. |
"Đại hổ" thứ hai là Quách Bá Hùng, người từng giữ chức Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương (CMC) đầy quyền lực từ năm 2002 đến năm 2012. Tin đồn xung quanh việc điều tra Quách Bá Hùng rộ lên, sau khi một cựu Phó Chủ tịch CMC khác là Từ Tài Hậu bị chính thức điều tra vào cuối tháng 3/2015. Từ Tài Hậu đã chết vì bệnh ung thư bàng quang trong năm nay, trước khi ông có thể bị đưa ra xét xử về tội hối lộ.
Phương tiện truyền thông nước ngoài như Reuters đã trích dẫn một nguồn tin nói rằng Quách Bá Hùng đã bị điều tra tham nhũng từ tháng Ba năm nay, mặc dù chưa có thông báo chính thức từ phía nhà chức trách.
Em trai Quách Bá Hùng là Quách Bá Quyền (cựu Bí thư đảng ủy-Giám đốc sở Dân chính Thiểm Tây) và con trai Quách Chính Cương (cựu Phó Chính ủy Quân khu Chiết Giang) đã bị điều tra riêng biệt.
Hôm 2/3, các nhà điều tra bắt Thiếu tướng Quách Chính Cương vì vi phạm pháp luật. Trước Tết Nguyên đán, Quách Bá Quyền vẫn tham dự tọa đàm giữa Tập Cận Bình với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Thiểm Tây. Hôm 16/2 Quách Bá Quyền vẫn đến kiểm tra viện phúc lợi xã hội Hàm Dương với tư cách Bí thư đảng ủy - Giám đốc sở Dân chính Thiểm Tây.
Gần đây, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật trung ương Vương Kỳ Sơn đã thị sát tỉnh Thiểm Tây và ngỏ ý rằng ông đang kiểm tra Quân khu Lan Châu của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA), một “cơ sở quyền lực” cũ của Quách Bá Hùng. Nhân dân Nhật báo – cơ quan ngôn luận của ĐCS Trung Quốc – cũng đăng nhiều bài viết về chống tham nhũng trong PLA và trích dẫn những tuyên bố của ban lãnh đạo Quân khu Lan Châu chỉ trích tình trạng lạm dụng chức quyền để vụ lợi cho bản thân và cho thân quyến.
|
Cựu Phó Chủ tịch Trung Quốc Tăng Khánh Hồng.
|
Có tin nói quan chức cao cấp nghỉ hưu thứ ba sắp bị điều tra là Tăng Khánh Hồng, Phó Chủ tịch nước (2003-2008) dưới thời Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào.
Những tin đồn về tham nhũng liên quan đến Tăng Khánh Hồng và gia đình ông đã có trên mạng nhiều năm qua, trong đó có cáo buộc con trai của Tăng Khánh Hồng là Tăng Vĩ kiếm nhiều tiền từ vụ bán công ty con của một công ty năng lượng quốc doanh có giá trị từ 73,8 tỷ nhân dân tệ (11,9 tỷ USD) với giá chỉ 3,7 tỷ nhân dân tệ (596 triệu USD).
Mức độ giàu có của Tăng Vĩ luôn là nguồn tranh cãi trong những năm gần đây. Tin tức nói rằng trong năm 2008, ông này đã mua một biệt thự sang trọng ở Sydney với giá hơn 32 triệu AUD (24,8 triệu USD) để phá đi và xây dựng lại. Tăng Vĩ đã bị điều tra vào năm 2010.
Ông Tăng Khánh Hồng là Phó Chủ tịch Trung Quốc từ 2003-2008 và được coi là người mà ông Giang Trạch Dân cài cắm để trở thành đối thủ lớn nhất của hai ông Hồ Cẩm Đào-Tập Cận Bình. Cuối năm 2014, sau khi Chu Vĩnh Khang bị sờ gáy thì Tăng Khánh Hồng cũng bị quản thúc tại gia.
Một cựu MC của đài truyền hình nhà nước CCTV cho biết có lần Tăng Vĩ nói với cô rằng phần lớn tài sản của ông ta có trong thời gian cha ông giữ chức Phó Chủ tịch Trung Quốc (2003 -2008).