Đó là nhận định của giáo sư nghiên cứu chiến lược Hugh White tại Đại học Quốc gia Australia ở Canberra, trong bài viết đăng trên tạp chí Mỹ The National Interest ngày 21/11/2016.
|
Khẩu hiệu dân túy "Nước Mỹ trên hết" của ông Trump xem ra lại hợp với khẩu vị của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh International Policy Digest |
Theo giáo sư Hugh White, chủ trương “Nước Mỹ trên hết” và thái độ không mấy mặn mà với các nước đồng minh chủ chốt của ông Trump khiến Bắc Kinh có thể hy vọng Tổng thống thứ 45 thiếu quyết tâm và sự cứng rắn cần thiết trong việc đối phó với Trung Quốc. Ban lãnh đạo ở Bắc Kinh hy vọng rằng Tổng thống Donald Trump sẽ không sẵn sàng gánh chịu các chi phí và rủi ro khổng lồ để chống lại việc Trung Quốc thách thức vai trò lãnh đạo của Mỹ ở Châu Á.
Có ba lý do để ban lãnh đạo Trung Quốc suy nghĩ theo cách này.
Thứ nhất, ban lãnh đạo Trung Quốc tin tưởng rằng mô hình " diều hâu Cộng hòa chính thống " sẽ mất thiêng. Đó là mô hình dựa trên giả định rằng nước Mỹ có thể khá dễ dàng gây ra những những tổn thất đủ nặng để buộc Trung Quốc không dám thách thức quyền lãnh đạo khu vực của Mỹ. Theo quan điểm này, lý do duy nhất khiến cho chính sách “xoay trục” của Tổng thống Obama tỏ ra không hữu hiệu là do ông này đã không tỏ ra kiên quyết. Phe diều hâu trong đảng Cộng hòa đang thuyết phục ông Trump rằng nếu Mỹ cứng rắn hơn thì vấn đề sẽ được giải quyết.
Các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc dường như có thể tự tin rằng “cán cân quyết tâm” là nghiêng về phía họ. Họ tin rằng Trung Quốc có nhiều lý do để khẳng định vai trò lãnh đạo ở Châu Á, trong khi Mỹ chỉ muốn duy trì nguyên trạng. Họ có thể đúng, bởi vì suy cho cùng Châu Á vốn là “sân sau” của Trung Quốc, chứ không phải của Mỹ.
Các lực lượng chống tiếp cận và chống xâm nhập (A2AD) của Trung Quốc có thể gây rất nhiều tổn thất cho Mỹ và Lầu Năm Góc không có bất kỳ cơ hội nào để chiến thắng một cách nhanh chóng và dễ dàng, ngay cả khi được bổ sung thêm 100 tàu chiến. Cách cư xử trong những năm gần đây cho thấy ban lãnh đạo ở Bắc Kinh tin rằng họ có thể khiến cho Mỹ chịu tổn thất đến mức không thể nào chịu đựng nổi trước khi làm được cái điều tương tự đối với Trung Quốc.
Lý do thứ hai khiến cho các nhà lãnh đạo Trung Quốc có thể tin rằng ông Trump không phải một nhân vật diều hâu trong đảng Cộng hòa. Cho đến nay, những gì mà ông Trump đã nói hoặc làm cho thấy rằng ông này không chia sẻ với quan điểm chính thống của phe Cộng hòa về sự cần thiết phải duy trì bằng mọi giá vai trò lãnh đạo toàn cầu và liên minh của Mỹ.
So với Tổng thống tiền nhiệm Barack Obama, Tổng thống đắc cử Donald Trump đã thu hẹp tầm nhìn trong việc xác định quyền lợi-trách nhiệm của nước Mỹ và qua đó bảo vệ lợi ích cục bộ hiệu quả hơn. Đó chính là ý nghĩa của khẩu hiệu “Nước Mỹ trên hết”. Những nước ở các khu vực cách xa Tây bán cầu có thể tự lo cho số phận của họ, miễn là không dẫm lên chân người Mỹ. Đó là chính là cái thế giới quan mà ban lãnh đạo Trung Quốc muốn thấy ở ông Trump.
Lý do thứ ba khiến cho Trung Quốc cảm thấy tự tin trong việc đối phó với ông Trump chính là bài học rút ra từ chiến dịch tranh cử tổng thống Mỹ năm 2016. Các cử tri Mỹ đã gửi một thông điệp rõ ràng là họ chán ngấy chính sách cũ, trong đó có vai trò lãnh đạo toàn cầu của Hoa Kỳ. Nếu ông Trump hành động như một nhân vật diều hâu truyền thống trong đảng Cộng hòa, ông sẽ xa rời những người đã bỏ phiếu cho ông và qua đó làm suy yếu vị thế của mình.
Việc ứng viên tổng thống Donald Trump đắc cử đã vẽ lại bản đồ chính trị Mỹ, theo cách giảm thiểu vai trò lãnh đạo của Mỹ trên thế giới nói chung và ở Châu Á nói riêng. Donald Trump đã đề ra quy tắc riêng và khẩu hiệu “Nước Mỹ trên hết” có thể cho phép ông từ bỏ vai trò lãnh đạo của Hoa Kỳ ở Châu Á mà không bị người Mỹ ở trong nước coi là yếu kém.
Giáo sư nghiên cứu chiến lược Hugh White kết luận: Tất cả những lý do nói trên khiến cho ban lãnh đạo ở Trung Nam Hải lạc quan thận trọng rằng Tổng thống Donald Trump sẽ mang lại cho Bắc Kinh một cơ hội chiến lược tuyệt vời để xây dựng mô hình “quan hệ mới giữa các cường quốc” ở Châu Á, trong đó Trung Quốc giữ vai trò chủ đạo.