Trung Quốc đổ bộ lên bãi James: “Tin vịt” hay là sự thật?

Google News

Trung Quốc tuyên bố đã đổ bộ lên bãi James  và  nhiều ngày sau, Malaysia nói “không”. Vậy đằng sau những tuyên bố “đá nhau” của hai nước là gì?

 Hải quân Trung Quốc tập trận đổ bộ.

Sau khi TS Trần Công Trục, Nguyên trưởng Ban biên giới Chính phủ, có bài phân tích về sự nguy hiểm của hành động đổ bộ lên James của Trung Quốc, phía Malaysia đã tuyên bố không phát hiện ra hành động của Trung Quốc. Đằng sau tuyên bố trái chiều là gì? Sau đây là bài phân tích tình hình của TS Trần Công Trục.

Rất khó có thể nói Trung Quốc đã tung “tin vịt”

Phải nói rằng tất cả thông tin Trung Quốc đổ bộ lên bãi James đã được các phương tiện thông tin truyền thông chính thống của Trung Quốc công bố, được đưa tin và bình luận trên một số phương tiện thông tin quốc tế, trong đó có Việt Nam và một số nước trong khu vực, đã tạo ra những quan tâm, phản ứng khác nhau, thậm chí trái chiều nhau. Trước hết, tôi cũng như các bạn, có lẽ chúng ta khó có thể có điều kiện để khẳng định sự kiện này có hay không và đã diễn ra như thế nào trong Biển Đông, một vùng biển  khá rộng lớn mà khả năng quan sát của con người không thể bao quát hết được, kể cả dùng phương tiện hiện đại. Vì vậy, chúng ta chỉ được biết qua những thông tin do Trung Quốc công bố có liên quan đến hoạt động của một biên đội 4 tàu chiến thuộc Hạm đội Nam Hải diễn ra từ ngày 19 tháng 3 đến ngày 3 tháng 4 vừa qua, tại Biển Đông và Tây Thái Bình Dương. Đối với hoạt động “diễn tập” này, trang mạng Quỹ Jamestown của Mỹ ngày 28 tháng 3 đã cho rằng, cùng với hoạt động gần đây của Hải quân Trung Quốc, đã thu hút sự chú ý của các nước có liên quan trong khu vực, tình hình Biển Đông hầu như tiếp tục nóng lên…

Trong khi đó, vài ngày sau, Malaysia đã phủ nhận thông tin đó. Họ khẳng định các lực lượng tuần tra, giám sát của họ  không phát hiện được những hành động  này. Mỗi bên nói một phách, vậy sự thật của sự kiện này đến đâu?

Để tìm hiểu vụ việc này, trước hết tôi xin dẫn ra đây một số nhận xét, đánh giá của các học giả, chính khách có liên quan đến sự kiện lực lượng đặc nhiệm thủy quân lục chiến Trung Quốc đã “diễn tập” đổ bộ lên James Shoal. Theo ông Lý Kiệt, một học giả từ Bắc Kinh: “Các bản tin cập nhật hàng ngày của tờ Quân giải phóng và các tờ báo chính thống khác của Trung Quốc là một thông điệp nói với thế giới rằng, bất luận các nước xung quanh, bao gồm các nước có tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông có “suy đoán” gì, thì Hải quân Trung Quốc vẫn tiếp tục “kiểm soát” và huấn luyện ở đây, nó cho thấy quyết tâm của Trung Quốc bảo vệ “lãnh hải”.

Tưởng Vỹ Liệt, Tư lệnh Hạm đội Nam Hải, đã thanh minh với phóng viên rằng, triển khai  huấn luyện ở biển xa là cách làm của nhiều quốc gia… hoạt động huấn luyện ở biển xa mà Trung Quốc không ngừng mở rộng sẽ được tiến hành thường xuyên, nhưng điều này hoàn toàn không có nghĩa là Trung quốc đang thay đổi chính sách quốc phòng…

Bình luận viên quân sự Macao Hoàng Đông cho rằng,  ngôn từ của Tưởng Vĩ Liệt chủ yếu là nhằm vào các nước láng giềng còn tồn tại tranh chấp chủ quyền lãnh hải hoặc lãnh thổ với Trung Quốc , như Việt Nam và Philippines: “Ngụ ý của Tưởng Vĩ Liệt là, nếu tranh chấp chủ quyền không thể thông qua đàm phán giải quyết, Hải quân Trung Quốc sẽ toàn lực hỗ trợ Chính phủ Trung Quốc và chứng tỏ sức chiến đấu thật sự”…

Và, đến lượt, xin hãy nghe bình luận, đánh giá của tiến sỹ Hamzah Ahmad, một học giả chuyên về luật và an ninh biển tại Đại học Universiti Malaysia, một nhân vật nổi tiếng người Malaysia đã từng có mặt hầu khắp các diễn đàn quốc tế và khu vực về Biển Đông. Ông Hamzah đã thừa nhận trên Strait Times rằng: “Malaysia chắc chắn tránh đối đầu với Trung Quốc để mối quan hệ kinh tế với Trung quốc trong khu vực không bị ảnh hưởng”. Ông nói thêm: “Có rất ít các quốc gia Đông Nam Á có thể làm điều gì đó để thay đổi tình hình khi không có nước ASEAN nào có diện tích hoặc nguồn lực đủ lớn để  có thể kiềm chế Trung Quốc”….

 Qua những thông tin nói trên, có lẽ không cần phải bình luận nhiều hay cần phải quá mất công để có thể đánh  giá sự kiện “diễn tập” đổ bộ lên James Shoal của Hải quân Trung Quốc chỉ  là “tin vịt” hay là sự thật.

Vì vậy, tôi nghiêng về nhận xét đánh giá của ông Lê Ngọc Thống trong bài phân tích: “Quốc gia nào án ngữ ‘con đường sinh mệnh’ của Trung quốc” đăng trên mạng ĐVO ngày 4 tháng 4 năm 2013, rằng:  Trung Quốc đang đẩy mạnh các hoạt động quân sự trong Biển Đông nhằm thực hiện chiến lược: “thực thi hóa “đường lưỡi bò” phi pháp của Trung Quốc bắt đầu ráo riết với rất nhiều thủ đoạn, bị Việt Nam, Philippines và dư luận tiến bộ trên thế giới, kể cả Mỹ, phản đối rất quyết liệt; trong khi đó một số quốc gia trong khu vực thì “dĩ hòa vi quý”, họ cho rằng là không liên quan hoặc liên quan ít đến mình”.

Đằng sau những tuyên bố trái chiều?

 Bãi ngầm James chỉ cách bờ biển Malaysia 80km.

Không biết dư luận sẽ đánh giá ra sao về  động  thái của Malaysia trước sự kiện có tác động tiêu cực đến các quyền và lợi ích quốc gia của họ. Không hiểu liệu người Malaysia có thể chia sẻ với Chính phủ của họ khi đã cố tình làm ngơ trước một thực tế các quyền chủ quyền quốc gia của mình bị chà đạp chỉ vì  hiện nay đang  có nhiều vấn đề nội bộ mà Chính phủ này cần tập trung  giải quyết như: tổng tuyển cử, đối phó với lực lượng chống đối theo chủ trương hướng nội nhiều hơn là hướng ngoại, đăc biệt là trong quan hệ ràng buộc về kinh tế với  Trung Quốc?

Còn hành động và những công bố công khai chính thức của Trung Quốc, dù có phản ánh đúng bản chất của sự việc hay không, thì rõ ràng tất cả đều nằm trong kế sách nhất quán của họ đối với Biển Đông, tìm cách làm chủ được “con đường sinh mệnh” của mình. Vì thế không sớm thì muộn, Trung Quốc sẽ vẫn tiếp tục biến các cuộc “diễn tập” trở thành các cuộc xâm lăng thật sự đối với tất cả các đảo, đá, bãi cạn và vùng biển nằm trong đường biên giới “lưỡi bò” theo yêu sách chính thức của họ!

Có thể nói rằng, “chiến lược trở thành cường quốc biển của Trung Quốc như một cơn bão lớn tràn vào các quốc gia ven biển Châu Á-Thái Bình Dương. Nếu không nắm chặt tay nhau thì lần lượt bị tàn phá, nhưng ngược lại thì không sợ. Cơn bão đó buộc phải đổi hướng hoặc chỉ còn là vùng áp thấp”.(Lê Ngọc Thống, đã dẫn).

Như vậy đằng sau những tuyên bố trái chiều giữa 2 bên Trung Quốc và Malaysia đã thể hiện những suy tính của từng nước trong tình hình quốc tế, trong nước hết sức cụ thể và cũng là bài học cho những nước liên quan đến Biển Đông.

TIN LIÊN QUAN:
ĐANG ĐỌC NHIỀU:



Theo infonet

Bình luận(0)