Cho đến gần đây đã có vẻ diễn biến tình hình ở Đông Á có thể gây ra cuộc khủng hoảng quốc tế sâu sắc. Trung Quốc đã gửi tàu chiến tới quần đảo Senkaku/Điếu Ngư (đối tượng tranh chấp lãnh thổ với Nhật Bản), hạ đặt trái phép giàn khoan trên Biển Đông trong vùng biển Việt Nam.
Song, trong mấy tháng gần đây, sự căng thẳng bắt đầu giảm bớt. Trung Quốc đã rút giàn khoan ra khỏi vùng biển Việt Nam. Đại diện cơ quan ngoại giao của các quốc gia khác nhau thực hiện những chuyến công du, tiến hành những cuộc tham vấn dù phức tạp nhưng rất cần thiết.
Liệu tình hình yên tĩnh sẽ duy trì trong khu vực châu Á Thái Bình Dương và các quốc gia trong khu vực sẽ giải quyết các vấn đề tranh chấp chỉ riêng thông qua các biện pháp hòa bình? Hoặc đây là sự yên tĩnh tạm thời?
Các nước chưa muốn chấm dứt quan hệ với nhau
Chuyên gia Andrei Fesyun từ ĐH Kinh tế cấp cao nhận định: "Sự căng thẳng đã giảm bớt, nhưng bất cứ lúc nào có thể lại nổi lên bởi vì các vấn đề tranh chấp vẫn chưa được giải quyết. Nhật Bản đang cố gắng ổn định lại mối quan hệ với Trung Quốc và Hàn Quốc. Đợt căng thẳng trong quan hệ với hai nước này không phục vụ lợi ích của Nhật Bản, nhưng, trong chương trình nghị sự của Trung Quốc và Hàn Quốc hiện có những vấn đề nội bộ, vấn đề Nhật Bản không mang tính cấp bách. Tuy nhiên, dù có những tranh cãi gay gắt, nhưng, tất cả ba quốc gia này đều không có ý định cắt đứt mối quan hệ".
|
Máy bay Trung Quốc bay trên quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. |
"Các vụ xâm phạm hải phận và không phận của nước láng giềng, cuộc đổ bộ của những người biểu tình Trung Quốc trên quần đảo Senkaku, việc rút khỏi vùng biển gần quần đảo tranh chấp, các cuộc biểu tình phản đối và tranh luận gay gắt trên các phương tiện truyền thông - tất cả đều là những cuộc tranh cãi trong gia đình. Không nên quên rằng, về mặt lịch sử cũng như về ý thức hệ, các quốc gia này có nền văn hóa tương đồng. Và những đợt căng thẳng phát sinh giữa họ chỉ là cuộc tranh cãi "trong gia đình" mà xúc cảm thường có cường độ tương đối cao. Tuy nhiên, tất cả đều có thái độ thực dụng”, ông Andrei Fesyun nhìn nhận.
Bắc Kinh vẫn muốn giữ bài
Theo các chuyên gia Mỹ, chính sách ngoại giao hiệu quả của ông Obama đã góp phần vào việc làm giảm sự căng thẳng ở Đông Á. Tổng thống Obama thuyết phục được các nước trong khu vực về việc: Mỹ sẽ không do dự và sẽ giành sự hỗ trợ cần thiết để bảo vệ các hòn đảo của Nhật Bản nếu Trung Quốc có tham vọng như vậy. Các chuyên gia Nhật Bản cho rằng, ngoài lời hứa của ông Obama, còn phải chú ý đến việc, khối lượng đầu tư của Nhật Bản vào nền kinh tế Trung Quốc đã giảm mạnh, và giới kinh doanh của Nhật Bản rất muốn quay trở lại thị trường này.
|
Tàu cánh sát biển Trung Quốc và Nhật Bản "gầm ghè" nhau ở Senkaku/Điếu Ngư. |
Giáo sư Dmitry Streltsov từ Đại học Quốc gia Quan hệ Quốc tế Moscow cho hay: "Có vẻ như chính sách của Mỹ đã mang lại kết quả, những lời hô hào của Mỹ đã thuyết phục được Nhật Bản cũng như Trung Quốc. Nhưng, theo tôi, tình hình hiện nay không phải là kết quả của chuyến thăm các nước Đông Á của ông Obama hay những lời hứa của ông. Trung Quốc không muốn thể hiện mình như là quốc gia quá hiếu chiến. Bắc Kinh muốn để vào thời điểm cần thiết có thể sử dụng những phương pháp áp lực và tống tiền chống lại Nhật Bản".
"Chỉ đơn giản là, hiện nay, sau các biện pháp gây áp lực quân sự đã đến thời gian tương đối yên tĩnh. Xét theo mọi việc, ban lãnh đạo mới của Trung Quốc coi trọng quan hệ với Nhật Bản và không muốn để mối quan hệ song phương giảm sút đến mức nguy hiểm. Tình hình chung ở Đông Á cũng đóng vai trò nhất định: Bắc Kinh thực thi chính sách với các yếu tố áp lực, và điều đó khiến các nước trong khu vực liên kết trên cơ sở chống Trung Quốc. Còn chính sách của ban lãnh đạo mới ở Trung Quốc có yếu tố duy lý. Dù trong tương lai có thể có những thay đổi, nhưng hướng đi chính đã được chỉ định”, ông Dmitry Streltsov cho biết thêm.
Ngày 26/9, bên lề phiên họp lần thứ 69 của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc đã tiến hành các cuộc gặp song phương của các bộ trưởng ngoại giao Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc. Họ đã thảo luận về tình trạng quan hệ ngoại giao giữa các nước, cũng như về khả năng tổ chức các cuộc tham vấn cấp cao.