Trung Quốc bị ràng buộc bởi phán quyết của Tòa Trọng tài UNCLOS

Google News

Mặc dù Bắc Kinh cố chối bỏ thực tế, về mặt pháp lý, Trung Quốc vẫn bị ràng buộc bởi phán quyết cuối cùng của Tòa Trọng tài UNCLOS ở La Haye.

Ngày 12/7 vừa qua, tất cả 5 thành viên Toà Trọng tài thành lập theo Phụ lục VII Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS) – (gọi tắt là Toà Trọng tài), đã nhất trí ra phán quyết hoàn toàn ủng hộ các yêu cầu của Philippines trong vụ kiện Trung Quốc về các tranh chấp trên Biển Đông.
Phán quyết có tính chất toàn cầu
Nhiều chuyên gia nhận định, phán quyết cuối cùng của Tòa Trọng tài trong vụ kiện nói trên là một phán quyết lịch sử, có giá trị pháp lý quan trọng, là bài học kinh nghiệm cho các quốc gia trong khu vực và thế giới lựa chọn thủ tục tài phán để giải quyết tranh chấp trên biển. Do UNCLOS được xem như "Hiến chương của đại dương thế giới" nên phán quyết này có khả năng ứng dụng toàn cầu.
Trung Quoc bi rang buoc boi phan quyet cua Toa Trong tai UNCLOS
 Dân chúng Philippines hoan nghênh phán quyết của Tòa Trọng tài UNCLOS về "vụ kiện Biển Đông".  Ảnh Japan Times
Phán quyết của Tòa Trọng tài dài gần 500 trang bao gồm những điểm căn bản và có ý nghĩa quan trọng nhất là: Trung Quốc không có “quyền lịch sử” đối với Biển Đông. Cái gọi là “đường lưỡi bò”, hay “đường 9 đoạn” do Trung Quốc tự vẽ ra không phù hợp với Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS). Không có một thực thể nào ở quần đảo Trường Sa có thể mang lại vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) cho Trung Quốc. Trung Quốc can thiệp vào quyền đánh bắt cá của ngư dân Philippines, đặc biệt là ở bãi cạn Scarborough. Trung Quốc đã gây ra những thiệt hại đến hệ sinh thái ở quần đảo Trường Sa bằng các hoạt động như khai thác quá mức, xây dựng đảo nhân tạo. Các hành động của Trung Quốc làm gia tăng khả năng xảy ra xung đột với Philippines.
Tự mâu thuẫn
Trong vụ kiện do Philippines đơn phương khởi xướng lên Toà Trọng tài, Trung Quốc đã nhiều lần lớn tiếng tuyên bố “ba không”: không công nhận toà, không tham dự toà và không công nhận phán quyết của toà. Thế nhưng, trước đó Trung Quốc đã công bố đường cơ sở lãnh hải quần đảo mà họ gọi là Điếu Ngư – Nhật Bản gọi là Senkaku - để đòi hỏi chủ quyền dù Trung Quốc không chiếm giữ hay quản lý quần đảo này. Lý lẽ Trung Quốc đưa ra là, việc này trong khuôn khổ Luật về lãnh hải và vùng tiếp giáp của Trung Quốc và phù hợp với Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS).
Rõ ràng, Trung Quốc đang tự mâu thuẫn với chính mình bằng việc tự đặt ra khuôn khổ pháp lý có lợi cho mình. Khi đòi hỏi trong tranh chấp chủ quyền với Nhật Bản thì họ vận dụng UNCLOS. Còn khi là bị đơn trong vụ kiện của Philippines thì họ lại không công nhận Toà Trọng tài, cũng như phán quyết của toà này, cho dù Toà Trọng tài được thành lập theo đúng trình tự pháp lý tại Phụ lục VII của UNCLOS. Phụ lục VII cũng đã quy định rằng "việc vắng mặt của một bên hoặc việc một bên không thực hiện việc biện hộ không tạo nên bất kỳ rào cản nào cho tiến trình tố tụng".
Với tư cách là một cường quốc, là thành viên của cộng đồng quốc tế, thành viên Thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc và là thành viên của UNCLOS, Trung Quốc bị ràng buộc và có nghĩa vụ tuân thủ phán quyết của Tòa Trọng tài.
Bởi lẽ, Điều 296 khoản 1 của UNCLOS đã quy định, “bất kỳ quyết định nào được Tòa án hoặc Tòa Trọng tài có thẩm quyền ban hành sẽ có hiệu lực cuối cùng và phải được tuân thủ bởi các bên tranh chấp”.
Và Điều 11 Phụ lục VII quy định, “phán quyết của Tòa Trọng tài có giá trị chung thẩm, các bên không có quyền nghị và buộc phải tuân thủ”. Một trong những kết luận quan trọng của Toà Trọng tài là “không có cơ sở pháp lý để Trung Quốc yêu sách quyền lịch sử đối với tài nguyên tại các vùng biển phía bên trong "đường 9 đoạn".
Bình luận về kết luận này, Giáo sư Carl Thayer, Học viện Quốc phòng Australia, cho rằng: Quyết định của Tòa Trọng tài đã có hiệu lực pháp lý, dù cho Trung Quốc có nói gì đi nữa thì phán quyết này cũng đã trở thành một phần của luật pháp quốc tế.
Còn theo Giáo sư Gregory Rose, Luật sư quốc tế, Trưởng chuyên ngành Luật, Đại học Wollongong, Australia, phán quyết của Tòa Trọng tài là hoàn toàn hợp lý và hợp pháp.
Ông cũng cho biết, phán quyết này đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của các quốc gia đang có tranh chấp biển và giới học giả trên thế giới: “Tôi cho rằng, Tòa trọng tài đã đưa ra cái quyết định về việc có thẩm quyền đối với vụ việc này một cách hợp lý và hợp pháp. Tòa đưa ra phán quyết để giải quyết vấn đề này một cách cẩn trọng, có những giải thích hợp lý để biện luận cho những quyết định của mình”.
Trung Quốc có rút khỏi UNCLOS?
Trước những hành động sai trái của Trung Quốc trên Biển Đông và sau phán quyết của Tòa Trọng tài, nhiều người đặt câu hỏi là thái độ của Trung Quốc sẽ ra sao?
Trung Quốc từng tuyên bố có thể rút khỏi UNCLOS. Tuy nhiên, nếu việc đó xảy ra thì cũng hoàn toàn không ảnh hưởng đến giá trị pháp lý của phán quyết. Điều đó cũng đồng nghĩa, nếu Trung Quốc rút khỏi Công ước thì cũng sẽ không làm mất đi các nghĩa vụ mà họ vẫn phải thực hiện theo phán quyết mới đây của Tòa Trọng tài. Ngay trong UNCLOS đã dự kiến trường hợp nếu các bên không thi hành các phán quyết của Tòa Trọng tài thì vẫn có những cơ chế pháp lý tiếp theo để giải quyết.
Giáo sư, tiến sĩ Donald Rothwell, Trưởng khoa Luật, Đại học Quốc gia Australia cho biết: “Việc Trung Quốc từ chối thẩm quyền của Toà trọng tài này, tôi cho rằng là không có cơ sở và thiếu tính pháp lý. Bởi vì, Trung Quốc đã công nhận và cam kết thực tuân thủ tất cả các thủ tục giải quyết các tranh chấp khi tham gia vào Công ước này. Như vậy, với tư cách là một quốc gia đã cam kết thì họ phải tuân thủ các quy định của UNCLOS chứ không thể là từ chối thẩm quyền của cơ quan tài phán được thành lập theo quy định của Công ước này.”
Trong một thế giới văn minh, việc thực hiện các vấn đề liên quan đến tài phán luôn mở ra cơ hội cho việc giải quyết các tranh chấp trên biển hiện nay.
Theo VOV.VN

Bình luận(0)