Theo Tạp chí Navy Recognition, Công ty Jidong Development Group của Trung Quốc đã tiết lộ thiết kế đầu tiên dành cho một Cấu trúc nổi siêu lớn (VLSFs) - đảo nổi khổng lồ ở Biển Đông - tại Triển lãm Thành tựu Công nghệ và Khoa học Quốc phòng Quốc gia tổ chức hồi cuối tháng 7 vừa qua ở Bắc Kinh.
Cấu trúc này bao gồm một loạt mô-đun nổi nhỏ, có thể nối lại với nhau ngay trên biển để tạo ra một khối hợp nhất lớn hơn.
|
Mô hình đảo nổi của Trung Quốc - Ảnh: Popular Science |
Navy Recognition phân tích, VLSFs có rất nhiều công dụng. Loại đảo nhân tạo nổi này có thể được sử dụng cho mục đích du lịch hay hoạt động như các bến tàu, căn cứ quân sự, thậm chí là sân bay di động.
Tuy nhiên, Trung Quốc đã xác định xây dựng những tổ hợp cấu trúc nổi trên biển này với mục đích làm căn cứ quân sự. Theo tạp chí Popular Science, các mô-đun mang hình dáng giống Lego của Trung Quốc được thiết kế cho phép lắp ráp dễ dàng dù ở cách xa đất liền.
Thêm vào đó, đặc tính tự nhiên của các mô-đun VLSFs này có thể đảm bảo cấu trúc nhân tạo này hoàn toàn vừa khít, nước không rỉ qua được. Vì vậy, loại đảo này sẽ khó có thể chìm, trừ phi phá hủy từng mô-đun một.
Popular Science cũng nhấn mạnh rằng một VLSF nếu được xây dựng một cách chuẩn xác, có thể là nơi neo đậu của một số lượng lớn máy bay dân sự, máy bay chiến đấu, thậm chí sức chứa còn khủng hơn cả một hàng không mẫu hạm truyền thống. Một VSLF cũng có thời gian hoạt động lâu hơn, điều đó có nghĩa là nó có thể mang theo một lượng chiến đấu cơ nhiều hơn dù tính linh động sẽ bị giảm so với tàu sân bay.
Cho đến nay, Bắc Kinh vẫn chưa bắt đầu xây dựng bất kỳ một VLSF nào nhưng các quan chức nước này đã hé lộ ý tưởng táo bạo trên khi thể hiện tham vọng đối với các mô hình quốc phòng đồ sộ và hiện đại, đặc biệt là mô hình có thể giúp Trung Quốc mở rộng sự hiện diện tại vùng biển tranh chấp. Do Bắc Kinh vẫn cố gắng mở rộng tầm ảnh hưởng của mình trên toàn châu Á, đặc biệt là ở Biển Đông, nên ý tưởng về một hòn đảo nhân tạo di động đóng một vai trò chiến lược quan trọng.
Nhà bình luận Jack Detsch phân tích trên The Diplomat rằng: “Trung Quốc đã cho thấy ý định biến các bãi đá thành các căn cứ quân sự, vì vậy VLSF có thể trở thành một vật bổ sung hữu dụng cho các hệ thống chiến lược chặn tiếp cận/chống xâm lược (A2/AD). Các hệ thống chiến đấu di động này cũng giúp Bắc Kinh loại bỏ bớt những lợi thế sẵn có của Mỹ tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương”.
Việc Trung Quốc xây dựng các VLSF có thể là bước tiếp theo trong dự án tạo nên các hòn đảo bất hợp pháp ở Biển Đông. Hiện Bắc Kinh đang nhanh chóng xây dựng nhiều hòn đảo nhân tạo trên nền các bãi cạn ở khu vực này. Cho đến nay, Trung Quốc đã xây dựng hơn 2,5 km2 đảo nhân tạo.
Theo thông tin của Reuters, Bắc Kinh đã bước vào giai đoạn hoàn thiện 6 đảo đá ngầm ở Biển Đông và đang bắt tay vào xây dựng đảo thứ 7. Hành động của Trung Quốc ở Biển Đông bị chỉ trích là khiến căng thẳng leo thang tại khu vực lãnh thổ tranh chấp.