Trong bài “ Nguyên tử, chiến lược nguy hiểm của Bắc Triều Tiên”, báo Pháp Le Monde số ra ngày 14/9 cho rằng Bình Nhưỡng đang tìm cách sở hữu loại tên lửa có thể bắn sang tận lãnh thổ Mỹ.
Báo Le Monde quay lại với quá khứ và đó là tháng 10/1992, khi Liên Xô vừa tan rã. Tại sân bay Sheremetyevo ở Moscow, một nhóm hành khách gồm 36 chuyên gia về chế tạo tên lửa Nga chuẩn bị cùng với gia đình sang sinh sống ở Bình Nhưỡng. Họ từng làm việc tại Văn phòng Makeiev gần thành phố Cheliabinsk ở Ural, nơi sản xuất ra R-27 Zyb - một loại tên lửa đạn đạo tầm trung bắn đi từ tàu ngầm.
Với sự tan rã của Liên Xô, lương của các chuyên gia này giờ chỉ còn bằng mức lương công nhân, trong khi Bình Nhưỡng hứa hẹn một cuộc sống sung túc cho họ. Việc nhóm chuyên gia bị kiểm tra an ninh, được báo chí Nga thời đó đưa lại, là bằng chứng cụ thể duy nhất cho việc CHDCND Triều Tiên lén lút mua công nghệ đạn đạo của Liên Xô cũ. Còn bao nhiêu kỹ sư khác đã bí mật vượt biên đến làm việc cho phòng thí nghiệm của Triều Tiên? Không ai có thể biết được.
|
Ngày 22/6, Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên đã phóng thử hai tên lửa đạn đạo tầm trung Musudan. Ảnh Reuters |
Sau bốn vụ phóng thử thất bại, ngày 22/6, Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên đã phóng thử hai tên lửa Musudan - cùng loại với tên lửa R-27 Zyb được Bình Nhưỡng chú ý một phần tư thế kỷ trước nhưng là phiên bản bắn từ mặt đất. Một tên lửa đã bay lên được độ cao 1.000 km và đi cách điểm phóng 400 km về hướng Nhật Bản.
Trong 30 tháng thử tên lửa nhiều hơn cả 30 năm trước đây
Từ đầu năm đến nay, Bình Nhưỡng đã phóng thử tên lửa 20 lần, kể cả các vụ phóng tên lửa thất bại.
Kỹ sư hàng không Markus Schiller nhận định: “Trong vòng 30 tháng, họ (Bình Nhưỡng) đã tiến hành số vụ phóng thử (tên lửa) nhiều hơn cả 30 năm qua. Kim Jong-un có vẻ theo phương pháp khác hẳn người cha. Ông ta muốn chứng tỏ với thế giới là mình có chương trình tên lửa và đây là mối đe dọa thực sự”.
Chương trình hạt nhân của Triều Tiên tiến triển nhờ lợi dụng sự bất đồng giữa hai đại cường Mỹ-Trung. Đối với Mỹ, chỉ có Bắc Kinh mới có thể kiềm chế Bình Nhưỡng. Trung Quốc thì từ chối gánh lấy rủi ro chế độ ở miền bắc Triều Tiên sụp đổ, nhắc nhở rằng chính Washington mới cảm thấy mối đe dọa từ Bình Nhưỡng.
Những tiến bộ về nguyên tử là niềm tự hào của chế độ. Antoine Bondaz, điều phối viên chương trình Triều Tiên của Asia Centre tóm lược: “Bắc Triều Tiên hoàn toàn lép vế trong tương quan lực lượng với Hàn Quốc, nên để tránh thống nhất Triều Tiên theo mô hình miền Nam, chế độ này phải dùng đến vũ khí nguyên tử để bảo đảm an toàn cho mình”. Không có lý do nào có thể khiến CHDCND Triều Tiên phải từ bỏ kho vũ khí hạt nhân.
Vụ thử hạt nhân lần thứ 5 gây dấu ấn với “đầu đạn nguyên tử thu nhỏ” để gắn vào tên lửa. Triều Tiên đầu tư vào hai hướng nguy hiểm, mà hàng đầu là tên lửa đạn đạo tầm xa có thể bay đến lục địa Mỹ.
Trò chơi tinh khôn của một “nhà nước du kích”
Ngoài ra, báo Le Monde có bài phân tích mang tên “Bắc Triều Tiên, trò chơi tinh khôn của một nhà nước du kích”.
Theo tờ báo, từ cuộc chiến “du kích” chống Nhật rồi Mỹ-Hàn trước đây, CHDCND Triều Tiên đã chuyển sang “du kích chính trị”. Bình Nhưỡng dùng chiến thuật nắm đấm: khiêu khích xong lại nghỉ ngơi một thời gian, sau đó lại khiêu khích.
Các nhà lãnh đạo ở Bình Nhưỡng không muốn lao vào một cuộc chiến tranh mà họ biết trước là sẽ thất bại, nhưng lợi dụng nguy cơ này để dọa nạt địch thủ. Cảm giác bị đe dọa cộng với tình cảm yêu nước giúp chế độ tuyên truyền rằng những đau khổ của người dân là do quốc tế trừng phạt.
Số phận của Saddam Hussein và Mouammar Gaddafi càng củng cố thêm quyết tâm sử hữu vũ khí hạt nhân của Bình Nhưỡng. Được ghi vào Hiến pháp từ năm 2013, vũ khí hạt nhân đã trở thành “bản sắc” của CHDCND Triều Tiên. Đối với Bình Nhưỡng, vấn đề này là không thể thương lượng và nếu có, chỉ là việc tạm thời đóng băng chương trình nguyên tử và phải song song với vấn đề lá chắn tên lửa của Mỹ tại Hàn Quốc.