Triều Tiên thắng trong cuộc chơi “miệng hố chiến tranh”

Google News

(Kiến Thức) - Cho đến thời điểm này, Bình Nhưỡng đang thắng thế, trong khi kẻ thua cuộc chính là Mỹ, Liên Hợp Quốc và… dân nghèo Triều Tiên.

 Xem ra, nhà lãnh đạo trẻ Kim Jong-un đã chiến thắng.

Theo bình luận viên Frida Ghitis của tờ The Miami Herald, quan sát "vở kịch Triều Tiên”, người ta cần lưu ý xem chương trình vũ khí hạt nhân của Triều Tiên đã tiến xa tới đâu và Bình Nhưỡng đã đạt được những gì.

Trong khi tình báo Mỹ còn đang tranh cãi với nhau về tầm bắn và độ chính xác của tên lửa Triều Tiên, về việc nước này đã lắp đầu đạn hạt nhân vào tên lửa hay chưa, công nghệ hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên đã tìm đường sang Trung Đông. Triều Tiên đã giúp Syria xây dựng một lò phản ứng hạt nhân, bán công nghệ tên lửa cho bất cứ bên nào sẵn sàng trả tiền và hợp tác chặt chẽ với Iran.

Nếu kết thúc vào thời điểm này, cuộc khủng hoảng Triều Tiên phát đi một thông điệp tai hại, khuyến khích các nước tìm kiếm hoặc cân nhắc việc phát triển vũ khí hạt nhân. Thông điệp này là: Nếu có trong tay vũ khí hạt nhân, Triều Tiên có thể tùy tiện hành xử, bất kể dân chúng đói kém và nền kinh tế bị kiệt quệ như thế nào. Khi có trong tay vũ khí hạt nhân, Triều Tiên không sợ nguy cơ lật đổ chế độ.

Trong khi dân chúng Triều Tiên vẫn còn đang túng đói, Bình Nhưỡng đã chuyển hầu hết nguồn lực khan hiếm vào các chương trình hạt nhân và tên lửa. Không những thế, nhà lãnh đạo trẻ  Kim Jong-un còn “đổ thêm dầu vào lửa” với việc mở rộng qui mô của các chương trình này.

Giữa lúc Triều Tiên đe dọa “tấn công phủ đầu hạt nhân” đối với Mỹ-Nhật và dọa “hủy diệt” Hàn Quốc, các cường quốc thế giới đã tổ chức một vòng đàm phán mới với Iran về chương trình hạt nhân của nước này. Kết cục, cuộc đàm phán với Iran nói trên chẳng mạng lại điều gì, thậm chí còn không đạt được thỏa thuận tiếp tục đàm phán.

Chắc chắn, Iran đã quan sát “trò chơi hạt nhân” của Triều Tiên với phần còn lại của thế giới. Trong cuộc chơi này, với GDP chỉ xấp xỉ 40 tỷ USD (ít hơn thu nhập của một thành phố Mỹ và chẳng thấm vào đâu so với GDP hàng nghìn tỷ USD của Hàn Quốc), Triều Tiên đã bắt bí cả thế giới.  

Các chuyên gia đang “gãi đầu, gãi tai”, cố gắng tìm hiểu ông Kim Jong-un muốn gì và sẽ tiến xa đến đâu. Cho đến giờ, họ mới chỉ nhất trí với nhau rằng ông này đang củng cố quyền lực và tìm cách đảm bảo sự ủng hộ của quân đội.

Nhưng ông Kim đã đạt được nhiều hơn thế và ngành công nghiệp vũ khí của Triều Tiên đã nhận được một lực đẩy quan trọng. Khách hàng hiện tại và tương lai nhận thấy rằng tên lửa, hạt nhân đã cho phép Triều Tiên tạo ra các cuộc khủng hoảng, củng cố chế độ và thậm chí, có thể đổi được viện trợ quốc tế hậu hĩnh. Nếu không có kho vũ khí nguy hiểm đó, Bình Nhưỡng có thể chịu “no đòn” sau vụ pháo kích đảo Yeonpyeong của Hàn Quốc năm 2010.

Từ lâu, Triều Tiên đã là một trong những nước phổ biến vũ khí hàng đầu thế giới, đặc biệt là tên lửa và các hệ thống vũ khí khác. Các quan chức Mỹ nói rằng Iran đã nhận được tên lửa của Triều Tiên có khả năng bắn tới các thủ đô Tây Âu. Tháng 9/2012,  Tehran và Bình Nhưỡng đã ký một thỏa thuận hợp tác khoa học, tương tự như một thỏa thuận mà Triều Tiên đã ký kết với Syria cách đây một thập kỷ. Thỏa thuận với Damascus đã đưa kỹ thuật viên của Triều Tiên đến giúp chính phủ Syria xây dựng một lò phản ứng hạt nhân, bị máy bay chiến đấu Israel phá hủy trong năm 2007. Khi Triều Tiên tiến hành vụ thử hạt nhân thứ 3 vào đầu năm nay, có tin nói các nhà khoa học Iran đã đến tận nơi quan sát.

Có thể nói, cuộc khủng hoảng Triều Tiên vẫn chưa kết thúc, nhưng Bình Nhưỡng đã giành chiến thắng. Kể từ thời điểm này, các loại vũ khí hạt nhân của Triều Tiên, tuy vẫn còn thô sơ, những đã góp phần thay đổi cuộc chơi. Cũng từ thời điểm này, cơ hội để người Triều Tiên tái hội nhập thế giới bị giảm đi khá nhiều, trong khi không gian hoạt động của Hàn Quốc và các đồng minh  phương Tây cũng bị thu hẹp đáng kể.

TIN LIÊN QUAN:



Lê Chân (theo CNN)

Bình luận(0)