|
Tàu ngầm tên lửa đặc chủng điện-diesel lớn nhất thế giới của dự án 032, được thiết kế để thử nghiệm tên lửa, đã được đưa vào biên chế hạm đội.
|
Trong năm 2014, các tàu ngầm tên lửa hạt nhân thế hệ mới đầu tiên của Trung Quốc sẽ có khả năng sẵn sàng chiến đấu. Cách đây không lâu, tàu ngầm tên lửa đặc chủng với động cơ điện-diesel của dự án 032, được thiết kế để thử nghiệm tên lửa, vừa qua thử nghiệm và được đưa vào biên chế hạm đội. Đây là chiếc tàu ngầm phi hạt nhân lớn nhất thế giới.
Về tiềm năng hạt nhân của Trung Quốc, chuyên gia Vasily Kashin của Trung tâm Phân tích chiến lược và công nghệ (Nga) nhận định: “Rõ ràng là Trung Quốc đang thực hiện chương trình đầy tham vọng chế tạo loại máy bay ném bom chiến lược thế hệ mới, chương trình phát triển tên lửa đạn đạo liên lục địa hạng nặng với nhiều đầu đạn tự tách cũng đang được đẩy mạnh. Đồng thời họ cũng đang triển khai chế tạo tên lửa tầm trung với tầm bắn 4.000 km. Và rất có thể, loại tên lửa này cũng có thể mang nhiều đầu đạn độc lập tự tách như tên lửa Pioneer của Liên Xô trước đây”.
Cho đến nay, Trung Quốc theo đuổi học thuyết “răn đe hạt nhân tối thiểu”. Theo học thuyết này, Trung Quốc không cạnh tranh với các cường quốc hạt nhân khác và chỉ tạo ra một sức mạnh hạt nhân có khả năng kiềm chế, buộc đối phương không thực hiện một cuộc tấn công vào lãnh thổ Trung Quốc bằng đe dọa giáng trả hạt nhân. Để thực hiện điều này, Trung Quốc chỉ cần bắn vài đầu đạn hạt nhân Trung Quốc vào lãnh thổ của kẻ thù tiềm năng là đủ”.
Trong năm 2004, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã ra tuyên bố nói Trung Quốc sở hữu kho vũ khí hạt nhân nhỏ nhất trong số tất cả các cường quốc hạt nhân. Điều này có nghĩa là lực lượng hạt nhân Trung Quốc còn yếu hơn cả lực lượng hạt nhân của Anh, mà vào thời điểm đó chỉ có dưới 200 đầu đạn hạt nhân được triển khai trên tên lửa đạn đạo của các tàu ngầm.
Tuy lực lượng hạt nhân của Trung Quốc hiện vẫn còn khá khiêm tốn, nhưng những dự án mà Trung Quốc đang và sắp triển cho thấy lực lượng này sẽ vượt mặt cả Anh và Pháp cộng lại về số lượng đầu đạn hạt nhân chiến lược và bắt đầu tiến gần đến mức độ của Mỹ-Nga.
Trung Quốc đang có ý định chế tạo 5-6 tàu ngầm tên lửa hạt nhân dự án 094, mỗi tàu mang 12 tên lửa JL-2. Trung Quốc đồng thời cũng có dự án chế tạo tàu ngầm hạt nhân lớn Type 096, có khả năng mang 24 tên lửa đạn đạo. Trong tương lai gần, các lực lượng hạt nhân chiến lược của Hải quân Trung Quốc có thể sở hữu 216-288 đầu đạn hạt nhân. Có nghĩa là chỉ riêng trong lực lượng hải quân, số đầu đạn hạt nhân được triển khai có thể nhiều hơn so với số lượng của tất cả các lực lượng hạt nhân Trung Quốc trong những năm 2000.
Các chuyên gia cho rằng vào cuối thập kỷ này, Trung Quốc có thể sẽ có đến 600-700 đầu đạn hạt nhân lắp vào các tên lửa đạn đạo. Phần lớn trong số đó sẽ được lắp vào các tên lửa đạn đạo liên lục địa trên mặt đất và trên biển. Đó là chưa kể số lượng bom nguyên tử, tên lửa hành trình mang đầu đạn hạt nhân…
Như vậy, Trung Quốc chắc chắn sẽ trở thành cường quốc hạt nhân lớn thứ ba trên thế giới. Nếu đề xuất của Tổng thống Mỹ Barack Obama về việc cắt giảm kho vũ khí hạt nhân chiến lược của Nga và Mỹ xuống 1000-1100 đầu đạn hạt nhân chiến lược được thực hiện, có thể nói rằng về số lượng đầu đạn hạt nhân, Trung Quốc sẽ ngang ngửa với hai cường quốc hạt nhân lớn. Trong tình huống đó, đến năm 2020, việc Trung Quốc đạt được cân bằng hạt nhân với Mỹ và Nga sẽ không còn là “nhiệm vụ bất khả thi”.