Tổng thống Obama “bó tay” trước khủng hoảng Ai Cập?

Google News

(Kiến Thức) - Hủy bỏ tập trận quân sự với Ai Cập nhưng không cắt đứt viện trợ dành cho nước này, Mỹ tỏ ra rất thận trọng trước tình trạng bạo lực  ở Cairo.

 
 Tổng thống Obama đang hứng nhiều búa rìu dư luận liên quan đến phản ứng của Mỹ về tình hình bạo lực ngày càng nghiêm trọng ở Ai Cập.
Với việc hủy bỏ tập trận chung với Ai Cập, ông chủ Nhà Trắng Barack Obama đã bày tỏ thái độ trước cuộc đàn áp bạo lực của quân đội Ai Cập đối với những người biểu tình ủng hộ cựu Tổng thống vừa bị lật đổ Mursi.
Tuyên bố hủy kế hoạch tập trận của Tổng thống Obama được đưa ra một ngày sau cuộc đàn áp đẫm máu khiến 623 người thiệt mạng. Quân đội và cảnh sát Ai Cập đã sử dụng vũ lực để chống lại những người muốn đưa Tổng thống bị lật đổ Mohamed Mursi trở lại sân khấu chính trị.
Những người chỉ trích cho rằng Tổng thống Obama hành động quá chậm trễ, chẳng những chẳng làm được gì nhiều mà còn việc gửi đi các thông điệp lẫn lộn, mâu thuẫn. Trong đó, việc chính quyền Obama không quy kết vụ lật đổ Tổng thống Mursi là cuộc đảo chính quân sự đã làm giảm khả năng tác động của Mỹ.
Các chuyên gia về Trung Đông của Mỹ nhấn mạnh, quyết định hủy bỏ cuộc tập trận với Ai Cập của chính quyền Obama là cần thiết.
“Việc Tổng thống không đình chỉ viện trợ dành cho quân đội Ai Cập là một sai lầm chiến lược, làm suy giảm mức độ tín nhiệm của Mỹ sau khi những lời kêu gọi tránh đổ máu mà chính quyền Obama lặp đi lặp lại đã bị Cairo bỏ qua”, các thành viên của Nhóm hoạt động về Ai Cập tuyên bố.
Một người đàn ông khóc lóc thảm thiết giữa thi thể của hàng trăm người sau các vụ đụng độ đẫm máu với quân đội chính phủ hôm qua. 
Trong khi đó, thành viên cao cấp tại Trung tâm Hariri Rafik của Hội đồng Đại Tây Dương về Trung Đông, Amy Hawthorne, bình luận phản ứng của chính quyền Obama đối với bạo lực ở Ai cập là không thỏa đáng và đang phát đi những thông điệp lẫn lộn, mâu thuẫn.
“Những gì chính quyền Obama đang cố gắng thực hiện là bước đi một cách thận trọng xuất phát từ những áp lực mà tổng thống đang phải cân bằng. Tuy nhiên, cách tiếp cận gần đây không hiệu quả và đây là lúc cần thử một biện pháp khác để gửi thông điệp mạnh mẽ hơn”, bà Amy Hawthorne nhấn mạnh.
 Tình trạng bạo lực ở Ai Cập có thể ngày càng trầm trọng và phức tạp hơn khi quân đội chính phủ tuyên bố sẽ sử dụng "đạn thật" để đàn áp người biểu tình.
Trong khi đó, các cựu quan chức Mỹ cho biết, quyết định của chính quyền Obama phản ánh hành động hòa giải của tổng thống sau khi ngầm tha thứ cho hành động đảo chính của quân đội Ai Cập.
Mặc dù hủy tập trận chung, nhưng chính quyền Obama vẫn giữ nguyên viện trợ thường niên 1,55 tỷ USD cho Ai Cập trong đó bao gồm 1,3 tỷ USD cho quân đội nước này hòng duy trì phần nào đó ảnh hưởng với các tướng lĩnh ở Cairo.
Một cựu quan chức quân sự cấp cao của Mỹ nhấn mạnh, Lầu Năm góc vốn cho rằng cuộc tập trận chung Mỹ - Ai Cập thường niên Bright Star vốn được tổ chức 2 năm một lần thực tế đã lỗi thời với các khoa mục tập trận xe tăng không đồng nhất với mục tiêu chống khủng bố và nổi dậy của quân đội Mỹ. Theo đó, việc hủy bỏ tập trận chung với Ai Cập được cho là không gây ra ảnh hưởng đáng kể.
“Việc hủy tập trận chung gần như không gây ra ảnh hưởng đáng kể vì nó không quan trọng và thậm chí, không cần thiết bất chấp những quan ngại khi người ta nhìn từ bên ngoài nhìn vào”, một cựu quan chức Mỹ giấu tên nhấn mạnh.
Trong khi đó, cựu quan chức Mỹ thứ 2 cho rằng, quyết định hủy tập trận chung, chính quyền Obama dường như đã nắm bắt được “một công cụ hữu ích nhưng không gây tổn hại đối với mối quan hệ tổng thể với quân đội Ai Cập”.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel tuyên bố, ông đã gọi cho Tư lệnh quân đội Ai Cập, tướng Abdel Fattah al-Sisi, và cảnh báo ông rằng, tình trạng bạo lực ở nước này đang đẩy quan hệ hợp tác quân sự song phương vào thế khó và nguy hiểm. Tuy nhiên, ông Chuck Hagel vẫn khẳng định, Washington sẽ duy trì mối quan hệ quân sự với Cairo.
Một số cựu quan chức Mỹ, bình luận với điều kiện giấu tên cho biết, chính quyền Obama dường như nhận ra họ có tương đối ít ảnh hưởng đối với giới chức quân sự Ai Cập, những người đang tự đặt họ vào cuộc chiến sống còn đối với tổ chức "Anh em Hồi giáo".
Các cựu quan chức Mỹ cũng nhấn mạnh, quân đội Ai Cập nhận được sự ủng hộ của các quốc gia vùng Vịnh -  bao gồm, Saudi Arabia, Kuwait và Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất. Các nước này đã cam kết sẽ hỗ trợ quân đội Ai Cập khoảng 12 tỷ USD.
Trong một tuyên bố hôm qua, Bộ Ngoại giao Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất không hề che giấu sự ủng hộ của họ đối với quân đội Ai Cập.
“Bộ Ngoại giao UAE tái khẳng định nhận thức về các biện pháp mà chính phủ Ai Cập sử dụng sau khi áp dụng quyền kiểm soát tối đa. Đáng tiếc, các nhóm chính trị cực đoan đã vu khống cho rằng, các biện pháp này là bạo lực, kích động, phá vỡ các lợi ích công cộng và nền kinh tế Ai Cập. Sự đổ lỗi này từ đó đã dẫn đến những sự kiện đáng tiếc”, một tuyên bố trên cổng thông tin của Bộ Ngoại giao UAE nhấn mạnh.
Đáng chú ý, sự hỗ trợ tài chính mà Ai Cập nhận được từ các quốc gia vùng Vịnh vượt xa viện trợ Mỹ.
Bạch Dương (Theo Reuters)

Bình luận(0)