Nước nào sắp tới sẽ ra khỏi Liên minh Châu Âu? Mỗi lần tiếp một đối tác châu Âu, Tổng thống Donald Trump đều thích thú đặt ra câu hỏi đó - với các vị đại sứ, với Thủ tướng Tây Ban Nha Mariano Rajoy hoặc tại Phòng Bầu dục hôm 27/1 với Thủ tướng Anh Theresa May. Nhưng ngược lại, bà Theresa May nói cho ông hiểu rằng ngay cả sau vụ Brexit, một Liên minh Châu Âu (EU) láng giềng thịnh vượng mới có lợi cho Vương quốc Anh và bà không muốn nước nào nối gót Brexit cả.
|
Donald Trump không tiếc lời chỉ trích Liên minh Châu Âu (EU). Ảnh Daily Express |
Theo tuần báo Pháp L’Obs, Tổng thống Mỹ Donald Trump không ưa EU. Các nhà ngoại giao nhận thấy thậm chí ông còn tránh không nói đến chữ Liên minh Châu Âu. Trong buổi gặp gỡ đầu tiên đầy lạnh giá với Thủ tướng Đức Angela Merkel hôm 17/3, ông chỉ dùng từ “các định chế lịch sử”. Tân Tổng thống Mỹ coi EU là một bộ máy quan liêu và nhìn chung, ông Trump không thích những gì đa phương. Từ lâu ông vẫn tin rằng Mỹ có lợi khi đàm phán song phương vì mạnh hơn.
Liệu Tổng thống Donald Trump có tìm cách phá vỡ Liên hiệp Châu Âu?
Từ nhiều tuần qua Châu Âu vẫn cảnh giác trước ý định thực sự của ông Trump. Steve Bannon, cố vấn chiến lược của Tổng thống Donald Trump, còn đi xa hơn cả chủ trương “Nước Mỹ trên hết” của ông Trump. Cựu thủ tướng Bỉ Guy Verhofstadt nhận xét: “Khi ông Bannon khẳng định muốn có quan hệ song phương với các quốc gia thành viên EU, thì trên thực tế ông ta hy vọng EU tan rã”.
Còn đại sứ Mỹ ở Brussels, Anthony Gardner, cho biết liên lạc duy nhất với Nhà Trắng từ khi ông Trump lên nhậm chức là “một bức điện ra lệnh cho tôi rời nhiệm sở vào ngày 20/1/2017”.
Theo tuần báo L’Obs, Tổng thống Mỹ Donald Trump có thể phá hoại EU bằng cách gây chia rẽ. Đầu tiên là Brexit: có ý kiến nghi ngờ London sẽ là “con ngựa thành Troy” của Donald Trump. Vũ khí thương mại có thể được dùng đến: ông Trump đe dọa áp đặt các loại thuế mới lên hàng nhập khẩu từ Châu Âu, trong khi tiếp cận riêng với từng nước thành viên EU.