Trong khi nhấn mạnh điều này trong một bài viết đăng trên tờ China Daily ngày 2/11, Thủ tướng Malaysia Najib Razak cũng ca ngợi mối quan hệ ngày càng phát triển giữa Kuala Lumpur với Trung Quốc, nơi ông hiện đang có chuyến thăm 6 ngày.
|
Thủ tướng Malaysia Najib Razak bắt đầu chuyến thăm Trung Quốc 6 ngày. Ảnh The Star Online |
Sau khi nhiều lần đến thăm Trung Quốc trên những cương vị khác nhau trong hai thập kỷ qua, ông Najib Razak bày tỏ ấn tượng sâu sắc về mối quan hệ của Trung Quốc-Malaysia “đã phát triển theo thời gian và trở nên sâu sắc”. Ông nói: "Tôi đã chứng kiến cách Trung Quốc lấy lại vị thế của mình trên chính trường thế giới, trong cương vị một cường quốc”.
Trong khi quan hệ Trung-Malaysia đang ở trên một nền tảng vững chắc, Thủ tướng Najib Razak nói "có thể có vấn đề mà ngay cả những bạn bè gần gũi nhất cũng không nhất trí với nhau". Thủ tướng Najib Razak nói thêm: "Khi nói đến Nam Hải (Biển Đông), chúng tôi tin chắc rằng tranh chấp lãnh thổ và hàng hải chồng chéo cần được xử lý một cách bình tĩnh và hợp lý thông qua đối thoại, phù hợp với quy định của pháp luật và đàm phán hòa bình. Nói chung, chúng tôi tin rằng các nước lớn cần đối xử tử tế công bằng với các nước nhỏ hơn. Và điều này cũng đúng đối với các cường quốc thực dân trước đây. Các nước này chớ có dạy bảo các nước mà họ đã từng bóc lột về cách thức điều hành công việc nội bộ trong thời đại hiện nay”.
Ngày 1/11, Thứ trưởng Ngoại-giao Trung Quốc Lưu Chấn Dân cho biết Malaysia đã cam kết với Bắc Kinh về việc giải quyết song phương tranh chấp Biển Đông.
Thủ tướng Malaysia Najib Razak là nhà lãnh đạo một nước thứ hai có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông đến thăm Bắc Kinh trong vòng hai tuần gần đây. Trước ông, Tổng thống Rodrigo Duterte đã hạ thấp tranh chấp giữa Philippines và Trung Quốc về Biển Đông.
Trong chuyến thăm Bắc Kinh của Thủ tướng Najib Razak, quan hệ song phương đã được đẩy mạnh, sau khi Malaysia đã đồng ý mua 4 tàu hải quân Trung Quốc và ký kết 14 hiệp định song phương với tổng giá trị 47,7 tỷ USD.
Ông Najib đã gặp Thủ tướng Lý Khắc Cường vào ngày 1/11 và hội đàm với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong ngày hôm nay.
Trong bài viết đăng trên China Daily, Thủ tướng Najip cũng hoan nghênh Ngân hàng Đầu tư cơ sở hạ tầng Châu Á do Trung Quốc hậu thuẫn là một bước ngoặt “đối thoại hòa bình, không có sự can thiệp nước ngoài vào công việc nội bộ của một quốc gia có chủ quyền".
Mối quan hệ của Thủ tướng Najib với Mỹ trở nên căng thẳng sau một vụ kiện dân sự của Bộ Tư pháp Mỹ nhằm thu hồi hơn 1 tỷ USD tài sản được cho là bị công ty nhà nước đầu tư phát triển 1Malaysia Development Berhad (IMDB) đã biển thủ . Một số nhà phân tích cho rằng việc Thủ tướng Najip ngả về Trung Quốc là một phản ứng trước sự bắt bí từ phía Washington.
Nhà phân tích James Chin, viện trưởng Viện Châu Á tại Đại học Tasmania của Australia, cho rằng về phần mình, Trung Quốc cũng muốn lôi kéo thêm các đồng minh mới. Ông nói thêm: "Trung Quốc cũng muốn gần gũi hơn với Malaysia về mặt kinh tế và chính trị vì Bắc Kinh đang cố gắng lôi kéo Kuala Lumpur vào phạm vi ảnh hưởng".
Khi được hỏi về Malaysia và một vài nước Đông Nam Á khác thân thiện với Trung Quốc có thể xa rời Washington, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Jim Kirby nói trong một cuộc họp báo: "Đây không phải là một trò chơi có tổng bằng không. Việc Malaysia và Trung Quốc ký kết một số loại thỏa thuận… là tốt cho an ninh và ổn định khu vực, theo quan điểm của chúng tôi”.
Khi được hỏi liệu Mỹ có lo ngại rằng các nước đồng minh Châu Á khác như Philippines nghiêng về phía Trung Quốc, ông Kilby nói thêm: "Nếu những mối quan hệ đó có thể dẫn đến việc giải quyết hiệu quả và hòa bình một số căng thẳng trong khu vực - có lẽ bao gồm cả Biển Đông – thì chúng tôi sẽ hoan nghênh”.