Tập Cập Bình - Gorbachev Trung Quốc?

Google News

(Kiến Thức) - Với các cải cách mang đậm dấu ấn của mình gần đây, liệu ông Tập Cập Bình đã có đủ khả năng của một nhà cải cách giống như Mikhail Gorbachev?

Trước tiên, chúng ta cần nhắc tới các cải cách ghi đậm dấu ấn của ông Tập (trong Hội nghị toàn thể lần thứ 3 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc khoá 18), như xóa bỏ “trại lao cải”, nới lỏng chính sách một con và các chế độ dành cho các người nhập cư ở thành phố, tăng quyền "sở hữu" ruộng đất cho nông dân, và mở ra thêm nhiều vùng kinh tế mới đóng vai trò quyết định đối với thị trường. Đồng thời, nhà lãnh đạo mới của Trung Quốc cũng tăng cường sự kiểm soát của Đảng, giữ vững tính chính thống trong tư tưởng và kiểm soát các hoạt động của các blogger.
Tuy nhiên, để có thể hiểu rõ về vị thế của Trung Quốc trong thập kỉ tiếp theo, chúng ta hãy tạm thời bỏ qua lăng kính của người phương Tây mà hãy nhìn nhận các chiến lược của ông Tập trên quan điểm của một nguyên thủ. Đó là cơ hội may mắn có được khi các thành viên của Ủy ban Hữu nghị thế kỷ 21 gặp gỡ Chủ tịch Tập Cập Bình, Thủ tướng Lý Khắc Cường và các nhân vật chính trị khác ở Bắc Kinh ngay trước khi Hội nghị lần thứ 3 của BCH TW Đảng diễn ra.
Dường như, các nhà lãnh đạo Trung Quốc thấy, không có sự mẫu thuẫn giữa tự do hóa kinh tế và xã hội với kiểm soát chính trị. Mặt khác, họ luôn quan niệm rằng, kiểm soát chính trị sẽ tạo điều kiện cho kinh tế-xã hội phát triển. Nới lỏng và thắt chặt chính sách là hai mặt của một vấn đề.
Tập Cập Bình - Đặng Tiểu Bình "thế hệ 2"
Trong quan điểm của các lãnh đạo này, chỉ có duy nhất một đảng chính trị nhà nước lớn mạnh đóng ở vị trí trung tâm mới có thể ngăn chặn các cuộc xung đột, đẩy mạnh cải cách ở các doanh nghiệp nhà nước, các ông chủ địa phương hay “các cỗ máy ảo chuyên gây ồn ảo” trên mạng Internet. Xét về khía cạnh này, ông Tập thực sự xứng đáng là “môn đệ” của cựu lãnh đạo Đặng Tiểu Bình, một người theo chủ nghĩa thực dụng.
Ông liên tục sử dụng đồng thời chính sách mở cửa và siết chặt kinh tế để thúc đẩy tăng trưởng và duy trì ổn định xã hội. Các chính sách mở cửa của ông giúp cho hàng triệu người dân thoát khỏi đói nghèo, và chiến dịch “bàn tay sắt” nhằm ổn định vụ Thiên An Môn.
Trong cuộc nói chuyện với phóng viên Reuters, ông Tập chia sẻ: “Hiểu về Trung Quốc cũng giống như khi bạn nhìn vào núi Lushan vậy. Bạn sẽ khó có thể nhìn thấy toàn cảnh ngọn núi khi đang đứng ở trên đó. Vì thế, những điều bạn nhìn thấy phụ thuộc vào góc độ mà bạn quan sát”. Trả lời về việc liệu Trung Quốc có thể thoát khỏi “bẫy thu nhập trung bình” và nền kinh tế có thu nhập thấp, nhà chính trị gia Tập Cập Bình bày tỏ tin tưởng rằng, các cải cách mới theo cơ chế thị trường và tốc độ đô thị hóa nhanh sẽ giữ cho Trung Quốc duy trì tốc độ tăng trưởng ở mức 7%, ít nhất là trong tương lai gần. Ông lưu ý, cuộc “cải cách lấy con người làm trung tâm” của ông sẽ là “cuộc cải cách theo hướng toàn diện về mặt kinh tế, chính trị, xã hội”.
Tập Cập Bình - Gorbachev của Trung Quốc?
Khi một số quan chức cấp cao trong đội ngũ lãnh đạo Trung Quốc dường như rất bình tĩnh trước hoài nghi của nước ngoài, một số nhân vật khác lại bày tỏ sự thất vọng về việc phương Tây bất lực nhìn Trung Quốc đang tự mình dò dẫm trên con đường cải cách do chính nước này khởi xướng. Họ nói rằng, thay vì chỉ đứng một chỗ nhìn, các nước phương Tây nên đóng vai trò là “quân sư” để giúp đỡ Trung Quốc. Lãnh đạo tới từ một trong những ủy ban quyền lực nhất của Quốc hội Trung Quốc bất bình: “Phương Tây sẽ chẳng bao giờ tin rằng Trung Quốc vẫn đang tiến lên cho tới khi nước chúng tôi sản sinh ra một Gorbachev”.
Điểm mấu chốt trong sự bất đồng này, theo quan điểm của phe cải cách, chính là phương Tây không sẵn sàng chấp nhận hệ thống đơn đảng như là một mô hình chính thống trong chính quyền Trung Quốc. Tuy nhiên, phe này cũng lo ngại, liệu duy trì hệ thống đa đảng có phải là cách tốt nhất để cai trị một đất nước rộng lớn và phức tạp như Trung Hoa. Tuy tình trạng tham nhũng và lạm dụng quyền lực trong hàng ngũ chính quyền ở Trung Quốc không phải là hiếm, song các nhân vật này cũng không mong muốn trông thấy viễn cảnh đảng phái bị tê liệt rồi lâm vào tình trạng bế tắc giống như ở Athens, Rome hay Washington.
Theo quan điểm của họ, Đảng cộng sản Trung Quốc – bị ảnh hưởng ít nhiều bởi nạn tham nhũng và lạm dụng chức quyền – không phải là chế độ độc tài. Đối với họ, nó là một thể thống nhất toàn dân và trao quyền quyết định cho ban lãnh đạo đất nước.
Họ biện minh rằng, duy trì sự đồng thuận trong nội bộ Đảng sẽ phát huy hiệu quả hơn so với đa đảng. Điều quan trọng là phải nhận thức rõ rằng, việc cạnh tranh trong nội bộ (dựa trên thành tích và hiệu suất công việc) sẽ là đòn bẩy giúp hệ thống hoạt động tốt.
Weibo – “Quảng trường dư luận” thời hiện đại
Weibo – mạng xã hội của Trung Quốc - thu hút tới 600 triệu sử dụng - là nơi người dân đưa ra các lời bình luận, phàn nàn các vấn đề hàng ngày như sữa nhiềm độc, tai nạn xe lửa, quan chức tham nhũng, nạn ăn cắp đất đai... Câu hỏi lớn là Đảng cộng sản Trung Quốc kiểm tra và giám sát Weibo hay ngược lại.
Nhằm tránh sự sụp đổ như Đảng cộng sản Liên Xô dưới thời Mikhail Gorbachev, Đảng Cộng sản Trung Quốc cố gắng kiểm soát cái mà hồi đó ở Nga gọi là “glasnost” – hay chúng ta gọi là sự minh bạch – mà Weibo đang khởi xướng dưới cái cớ là tự do ngôn luận. Vô hình chung, bằng cách làm đó,Trung Quốc lại dần tiến tới điều mà họ cố tránh bấy lâu nay. Thật vậy, nếu chính quyền Trung Quốc vận dụng các chính sách một cách khéo léo để người dân có cơ hội nêu chính kiến của mình mà không hề gây ảnh hưởng tới nền dân chủ mà nước này đang hướng tới, điều này sẽ làm tăng thêm sức mạnh của hệ thống đơn đảng. Đấy sẽ là điều các nhà lãnh đạo Trung Quốc và ngay cả ông Tập Cập Bình cần căn nhắc.
Thanh Nga (Theo Reuters)

Bình luận(0)