Thỏa thuận khung giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đề xuất nhằm chấm dứt chiến sự ở Syria, bắt đầu từ 0h ngày 29/12/2016 (giờ địa phương). Kế hoạch ngừng bắn Nga-Thổ Nhĩ Kỳ sẽ được chuyển cho chính phủ Syria để xem xét, hãng tin Anadolu của Thổ Nhĩ Kỳ ngày 28/12 cho biết.
|
Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan là hai chính khách có ảnh hưởng đến tiến trình hòa bình ở Syria. Ảnh Al-Manar TV Lebanon |
Đề xuất ngừng bắn này còn tùy thuộc vào sự chấp thuận của chính phủ ở Damascus và không tính đến các tổ chức khủng bố hoạt động ở Syria. Nếu thỏa thuận ngừng bắn được duy trì, chính phủ Syria và phe đối lập sẽ khởi động các cuộc đàm phán hòa bình ở thủ đô Astana (Kazakhstan), do Nga và Thổ Nhĩ Kỳ môi giới. Đề xuất Nga-Thổ Nhĩ Kỳ nói trên nhằm thúc đẩy tiến trình chính trị được nêu trong nghị quyết của LHQ về Syria.
Nói chuyện với Sputnik, nhà khoa học chính trị Thổ Nhĩ Kỳ Salih Yılmaz giải thích tính khả thi của kế hoạch ngừng bắn nói trên và vì sao Mỹ không thể cản trở việc thực thi nó.
Giáo sư Tiến sĩ Salih Yılmaz nhận định: "Trong cuộc họp của các bộ trưởng ngoại giao Nga-Thổ Nhĩ Kỳ-Iran gần đây ở Moscow, các bên đã thỏa thuận về một kế hoạch ngừng bắn tạm thời trên toàn lãnh thổ Syria. Chúng ta cũng đang chứng kiến sự tái lập quan hệ Nga-Thổ Nhĩ Kỳ trong cuộc chiến chống khủng bố".
Tiến sĩ Yılmaz cho rằng sự hợp tác tích cực Nga-Thổ Nhĩ Kỳ đã dẫn đến tổn thất nặng nề của phiến quân IS các nhóm khủng bố khác đang hoạt động ở Syria. Tuy nhiên, ông cũng lưu ý rằng Mỹ đang tìm cách phá hoại một số các sáng kiến chung của Nga và Thổ Nhĩ Kỳ. Nhưng việc chia sẻ thông tin tình báo giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đang vô hiệu hóa tất cả các hoạt động lật đổ của Mỹ.
Nhà khoa học chính trị Salih Yılmaz nói thêm: "Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Syria đang theo đuổi một mục tiêu chung. Đó là hòa giải tất cả các bên ở Syria và thực thi kế hoạch ngừng bắn trên phạm vi toàn quốc, dựa trên nguyên tắc đảm bảo sự toàn vẹn lãnh thổ của nước Cộng hòa Arập này".
Ông Yılmaz giải thích thêm rằng nếu hòa bình ở Syria được thiết lập trên cơ sở sự toàn vẹn lãnh thổ của Syria, các nước phương Tây sẽ không thể can thiệp vào quá trình này. Do đó, mục đích thúc đẩy kế hoạch ngừng bắn trên toàn lãnh thổ Syria là phù hợp với các nguyên tắc đã được thoả thuận giữa các bộ trưởng ngoại giao Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran. Ông cho biết vào giữa tháng 1/2017, Astana của Kazakhstan sẽ đăng cai các cuộc đàm phán hòa bình giữa chính phủ Syria và phe đối lập, thông qua sự môi giới của Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ - những nước sẽ bảo lãnh các thỏa thuận hòa bình trong tương lai.
Nhà khoa học chính trị Salih Yılmaz kết luận: Với sự tham gia của ba nước Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran – những nước duy nhất có thể thực sự ảnh hưởng đến tình hình Syria, thỏa thuận ngừng bắn nói trên không cần đến sự can dự của Mỹ hay của bất cứ nước phương Tây nào khác.