Sức mạnh quân sự không mang lại quyền lực chính trị cho Mỹ?

Google News

(Kiến Thức) - Sở hữu một lực lượng quân sự có chi phí đắt đỏ và hùng mạnh nhất nhưng điều này không làm cho người dân Mỹ thấy an toàn hơn.

 
Ý tưởng về "an ninh quốc gia" của Mỹ dường như không thể tách rời khỏi khái niệm về "quyền tối cao của quân đội". Hơn 15 năm qua, điều này đã hợp thức hóa bằng việc Mỹ xây dựng lực lượng quân sự đắt đỏ và hùng mạnh nhất trong lịch sử. Nhưng không có bằng chứng cho thấy “đắt sắt ra miếng”, khi điều này không làm người Mỹ thấy họ an toàn hơn so với người dân của những nước khác, chưa kể việc khôi phục lại một vị trí cân bằng hơn cho quân sự Mỹ.
Chỉ cần nhìn vào con số ngân sách quốc phòng hơn 600 tỷ USD và số lượng vũ khí tối tân bậc nhất thế giới, không ai có thể nghi ngờ quy mô hoành tráng, sự hùng mạnh và tính thiện chiến của quân đội Mỹ. Vậy nhưng, có một kỷ lục gần như không thể tin được của chủ nghĩa quân phiệt Mỹ là kể từ năm 1945, mặc dù duy trì một chính sách xây dựng quân đội lâu dài và tốn kém bậc trong lịch sử của thế giới, nhưng quân đội Mỹ lại không giành được bất kỳ một chiến thắng nào trong những cuộc chiến tranh lớn. Từ cuộc chiến trên bán đảo Triều Tiên, Mỹ buộc phải giải quyết bằng một lệnh ngừng bắn trên biên giới phân tranh giữa hai miền Nam- Bắc vẫn kéo dài cho tới ngày nay, cho tới cuộc chiến tranh Việt Nam khiến ít nhất 3 triệu người Việt Nam và 57.000 người Mỹ thiệt mạng hay hai cuộc chiến tranh tốn kém vào bậc nhất ở Iraq và Afghanistan. Đó là chưa kể tới những chiến dịch giấu mặt và bí mật tài trợ cho các cuộc chiến tranh khác ở châu Mỹ Latinh, châu Phi, Trung Đông và một số bộ phận ở Đông Nam Á. Nhưng cái người Mỹ thu về không phải là chiến thắng mà chỉ là máu của người Mỹ và một nền kinh tế kiệt quệ. Có chăng chỉ là một vài chiến thắng từ ba tiền đồn chiến lược nhỏ là Grenada, Panama và Kuwait.
Nhiều người Mỹ vẫn tưởng rằng chính sức mạnh của quân đội Mỹ, thông qua vụ ném bom nguyên tử xuống hai thành phố của Nhật là Hiroshima và Nagasaki trong chiến tranh thế giới lần thứ II đã giúp sớm chấm dứt chiến tranh và cứu được nhiều người Mỹ. Nhưng một cuộc điều tra về đánh bom chiến lược Mỹ đã kết luận rằng: "Nhật Bản sẽ đầu hàng, ngay cả khi không thả bom nguyên tử... Trong thực tế, các đường tiếp viện quan trọng của Nhật Bản đã bị chặn đứng và đó mới là điều kiện dẫn tới hòa bình”. Điều này cũng đã được Nhật hoàng Hirohito và các đồng minh phát xít thừa nhận.
Từ chiến tranh Việt Nam đến nay, người Mỹ đã tiêu tốn ít nhất17 nghìn tỉ đô cho các cuộc chiến tranh, tương đương với toàn bộ khoản nợ quốc gia hiện nay cộng thêm sinh mạng của hàng triệu con người khác. Xem đám tang của tướng Giáp tại Hà Nội, Nicolas JS Davies, một cây bút kỳ cựu của tờ Huffington Post, tác giả của cuốn sách “Máu trên tay của chúng ta: Cuộc xâm lược và hủy diệt Iraq của người Mỹ” đã phải thốt lên: "Chúng ta đã học được gì? Các vị tướng của nước Mỹ đã học được cách giảm bớt thương vong cho binh lính Mỹ bằng tiến hành chiến tranh vũ khí công nghệ cao. Điều này có thể làm người Mỹ bớt đau đớn hơn nhưng lại càng nhấn mạnh sự vô nhân đạo và man rợ. Không một người Mỹ nào ở thế hệ này sẽ được chôn cất với niềm tiếc thương vô bờ bến của công chúng như Tướng Giáp, mà chúng ta nhìn thấy tại Hà Nội”.
Cho đến nay, Mỹ đã mất thêm 12 năm chiến tranh ở Afghanistan, Iraq, Pakistan, Libya, Syria, Yemen và Somalia (cùng với các hoạt động bí mật trên toàn thế giới, từ Thụy Điển, Philippines đến Colombia) nhưng không nơi nào mà các nhà lãnh đạo Mỹ đạt được ý đồ tuyên bố ban đầu của họ là giảm khủng bố, ngăn chặn phổ biến vũ khí hoặc thiết lập nền dân chủ.
Giống như người dân Mỹ trong cuối thập niên 1940 tuyệt vọng trong cuộc chạy đua về hạt nhân giữa Mỹ và Liên Xô, một số người Mỹ ngày nay có thể vẫn không hiểu tại sao ưu thế về quân sự lại không mang lại cho người Mỹ nhiều quyền lực chính trị hơn so với những “kẻ thù với ít nguồn lực và vũ khí kém hơn”, Nicolas Davies kết luận.
Những nỗ lực ngoại giao dường như mới là phao cứu cánh cho nước Mỹ khỏi rơi vào những hậu quả nghiêm trọng của các cuộc chiến cũng như nâng tầm vì thế của siêu cường này.
Mới đây nhât là thành công của ngoại giao thông qua xử lý khủng hoảng vũ khí hóa học ở Syria đã chứng minh rằng, chính sách ngoại giao trong khuôn khổ luật pháp quốc tế có thể là một cách hiệu quả hơn là đe dọa hay sử dụng vũ lực quân sự.
Bình Nguyên (theo AlterNet)

Bình luận(0)