SDF “nhầm đường” trong cuộc chạy đua giải phóng Raqqa?

Google News

(Kiến Thức) - Chính quyền Obama cam kết giải phóng Raqqa, nhưng SDF do Mỹ hậu thuẫn lại đi “nhầm đường” và hiện cách “thủ đô” của phiến quân IS hơn trăm cây số.

Quân đội Syria (SAA) tiếp tục đà tiến trong chiến dịch giải phóng Raqqa sau khi đánh chiếm đập Taqba trên sông Euphrates chỉ cách Raqqa có 25 dặm (40km). Đây là lần đầu tiên các lực lượng trung thành với chính phủ Syria tiến vào tỉnh Raqqa kể từ năm 2014, khi phiến quân IS bắt đầu chiến dịch đánh chiếm nhiều vùng lãnh thổ rộng lớn ở Iraq và Syria.
SDF “nham duong” trong cuoc chay dua giai phong Raqqa?
Quân đội Syria đang trên đường tấn công giải phóng thành phố Raqqa, "thủ đô" của cái gọi là Nhà nước Hồi giáo tự xưng.  Ảnh sputniknews.com 
Chiến dịch tấn công giải phóng Raqqa của Quân đội Syria nhận được sự hỗ trợ rất hiệu quả của không lực Nga ở miền đông tỉnh Hama, giáp giới với tỉnh Raqqa. Các lực lượng ủng hộ chính phủ Syria hiện đang chiếm giữ thị trấn al Tabqah, một thị trấn chiến lược có sân bay quân sự rất gần Raqqa.
Trong khi đó, Các lực lượng Dân chủ Syria (SDF) - được Mỹ hậu thuẫn và do người Kurd làm nòng cốt – lại tập trung lực lượng đánh chiếm thành phố Manbij, trong một nỗ lực củng cố vị thế của các nhóm đối lập Syria có thể gây bất ổn cho chế độ Assad.
Việc SDF “lạc đường” trong cuộc chạy đua giải phóng Raqqa cho thấy một bước thụt lùi của chính quyền Obama, vốn đang theo đuổi các mục tiêu kép: vừa lật đổ chế độ Bashar al-Assad, vừa đánh chiếm lãnh thổ từ tay phiến quân IS.
Ngày 6/6, phóng viên William Wallis của tờ Financial Times nhận định rằng bằng cách tái chiếm Raqqa trước các lực lượng được Mỹ hậu thuẫn, Nga và Syria sẽ "chọc giận người Mỹ ở một nơi mà họ từ lâu đã rùm beng nói đến việc tái chiếm”.
Phía Nga cho rằng việc giúp đỡ chính quyền Assad là cần thiết, ít nhất là cho đến khi cái gọi là Nhà nước Hồi giáo bị đánh bại ở Syria. Phía Mỹ lại cho rằng việc hỗ trợ các lực lượng đối lập và lật đổ Tổng thống Assad là cần thiết. Nỗ lực này của Mỹ thường bị trục trặc, với việc nhiều loại vũ khí Mỹ rơi vào tay nhóm khủng bố Mặt trận al-Nusra liên kết với các nhóm nổi dậy thánh chiến bạo lực.
Nhưng một số nhà phân tích khác lại nói rằng sự chuyển hướng tấn công của SDF do người Kurd chiếm ưu thế cho thấy Mỹ và Nga đang phối hợp các nỗ lực giải phóng lãnh thổ Syria. Bác bỏ giả thiết này, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Mỹ Peter Cook tuyên bố không có "sự phối hợp trực tiếp (giữa Nga và Mỹ) trong các chiến dịch trên mặt đất”.
Việc SDF được Mỹ hậu thuẫn và Quân đội Syria được Nga đối mặt ở thành phố Raqqa có khả năng leo thang căng thẳng giữa Moscow và Washington. Việc chuyển hướng chiến lược của Mỹ đã giảm thiểu khả năng đó, nhưng sẽ làm mất uy tín của chính quyền Obama.
Nhà phân tích Zafar Bangash của Viện tư tưởng Hồi giáo đương đại ở Toronto (Toronto’s Institute of Contemporary Islamic Thought) nói: "Tôi không nghĩ rằng có sự phối hợp giữa hai bên. Đây có vẻ như là một cuộc chạy đua về phía Raqqa, mặc dù quân đội Syria ở vào vị thế tốt hơn sau khi đánh chiếm thị trấn al Tabqah ngay bên cạnh một con đập trên sông Euphrates và đang cố gắng để kiểm soát sân bay quân sự ở đó".
"Quân đội Syria chỉ còn cách Raqqa có 40km (25 dặm), trong khi Các lực lượng Dân chủ Syria, do người Kurd cầm đầu, lại di chuyển hướng ngược lại về phía thị trấn Manbij, cách Raqqa đến 136 km (85 dặm). Hiện thời, người Kurd cách Raqqa quá xa”.
SDF “nham duong” trong cuoc chay dua giai phong Raqqa?-Hinh-2
Quân đội Syria chỉ còn cách Raqqa có 40km, trong khi Các lực lượng Dân chủ Syria, do người Kurd cầm đầu, lại di chuyển hướng ngược lại về phía thị trấn Manbij, cách Raqqa đến 136 km. 
Nhà phân tích Bangash giải thích rằng lực lượng người Kurd đang tập trung vào mục tiêu lâu dài bằng cách củng cố và mở rộng lãnh thổ để có một vị thế mạnh tại các cuộc đàm phán trong tương lai. Nhưng tham vọng đó có khả năng làm mất uy tín của Mỹ trong cuộc chạy đua giải phóng Raqqa từ tay phiến quân IS.
Về quan hệ giữa quân đội Mỹ và các lực lượng do người Kurd chiếm ưu thế, nhà phân tích Zafar Bangash nói: “Mỹ đang ủng hộ người Kurd. Lực lượng đặc nhiệm Mỹ đang làm việc với người Kurd, mặc quân phục của người Kurd và hướng dẫn họ trong các chiến dịch. Thổ Nhĩ Kỳ đã cực lực phản đối điều này”.
Ông Bangash giải thích rằng việc Mỹ sẵn sàng hỗ trợ các chiến binh người Kurd bất chấp sự phản đối của đồng minh NATO Thổ Nhĩ Kỳ cho thấy chính quyền Obama "quan tâm về việc ngăn chặn quân đội Syria giành lại quyền kiểm soát đất nước”, thông qua tăng cường các lực lượng thay thế để cuối cùng làm suy yếu chế độ Assad ở Syria.
Minh Châu (Theo Sputnik News)

Bình luận(0)