Sa thải GĐ FBI: Sai lầm chết người của ông Trump?

Google News

(Kiến Thức) - Theo Tim Weiner –phóng viên từng đoạt giải Pulitzer, việc sa thải giám đốc FBI James Comey sẽ để lại nhiều hậu quả khôn lường nghiêm trọng cho Tổng thống Donald Trump.

Trong bài viết do hãng tin Reuters đăng tải ngày 10/5, nhà báo Tim Weiner cho rằng Tổng thống Donald Trump đã tính toán sai lầm nghiêm trọng khi sa thải giám đốc FBI James Comey. Dường như ông Trump nghĩ rằng việc điều hành chính phủ Mỹ cũng giống như điều hành chương trình truyền hình thực tế, nơi nhà đầu tư có thể sa thải bất kỳ ai.
Sa thai giam doc FBI: Sai lam chet nguoi cua ong Trump?
Nhà báo Tim Weiner cho rằng Tổng thống Donald Trump đã sai lầm nghiêm trọng khi sa thải giám đốc FBI James Comey. Ảnh ghép: Salon 
Nếu ông Trump sa thải giám đốc FBI James Comey để cản trở cuộc điều tra về cái gọi là sự can thiệp của Nga vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016, hành động đó có thể bị coi là cản trở pháp lý và là hành vi phạm tội.
Đã có một tiền lệ ở nước Mỹ và đó là hành động của cố Tổng thống Mỹ Richard Nixon trong vụ bê bối Watergate. Việc Tổng thống Nixon đã cố tình cản trở cuộc điều tra Nhà Trắng của FBI là cáo buộc chính trong kiến nghị bãi chức ông được Hạ viện Mỹ phê chuẩn trong năm 1974. Vài tuần sau đó, Tổng thống Nixon đã từ chức.
Trong 110 ngày làm việc đầu tiên, Tổng thống Donald Trump đã cách chức quyền Tổng chưởng lý, Cố vấn An ninh Quốc gia và bây giờ là giám đốc FBI. Nhưng hành động sa thải giám đốc FBI James Comey sẽ dẫn đến những hậu quả chính trị khôn lường đối với ông Trump, nếu nó đe doạ làm chậm tốc độ cuộc điều tra về cái gọi là sự can thiệp bầu cử của Nga trong nội bộ FBI.
Rõ ràng là, cho đến khi giám đốc FBI James Comey bị sa thải trong ngày 9/5, cuộc điều tra về sự can thiệp của Nga vào quá trình bầu cử tổng thống Mỹ 2016 đã gia tăng lên về quy mô và cường độ. Tuần trước, ông Comey đã yêu cầu Bộ Tư pháp chi nhiều tiền hơn cho cuộc điều tra đã được mở rộng này. Các công tố viên liên bang ở Virginia đã ban hành trát hầu tòa đối với Cố vấn An ninh Quốc gia bị sa thải Michael T. Flynn, người đã tranh cãi dữ dội với các nhân viên FBI trong những ngày đầu của chính quyền Trump.
Nhưng dường “giọt nước làm tràn ly” xảy ra vào ngày 20/3, khi giám đốc FBI James Comey ra điều trần trước Ủy ban Tình báo của Hạ viện Mỹ. Ông Comey khẳng định FBI đang ở giữa một cuộc điều tra khổng lồ về vụ tấn công có chủ ý của Nga đối với bầu cử Mỹ. Ông này còn công khai nói rằng mục tiêu của cuộc tấn công là đánh bại bà Clinton và giúp ông Trump đắc cử tổng thống.
Trước đó, giám đốc FBI James Comey đã gọi Tổng thống Trump là “kẻ nói dối” khi khẳng định rằng Tổng thống Barack Obama ra lệnh nghe trộm điện thoại của ông trong suốt chiến dịch tranh cử tổng thống Mỹ.
Nếu Tổng thống Donald Trump cho rằng cáo buộc về sự can thiệp của Nga vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2016 là “bịa đặt” và rằng ông có thể làm cho nó biến mất bằng cách sa thải giám đốc FBI Comey, thì ông đã mắc phải một sai lầm nghiêm trọng. FBI là một bộ máy đầy quyền lực với hàng nghìn nhân viên, cả những người đang làm việc lẫn nghỉ hưu. Họ nghĩ rằng những lời khích bác của ông Trump về cuộc điều tra là một sự sỉ nhục đối với FBI. Họ tin rằng các quy định của pháp luật mới là bánh lái thực sự cho con thuyền nhà nước và một vị tổng thống không thể đảo ngược đường hướng đó bằng cách dùng tay tạo sóng cản đường.
Cuộc điều tra về cáo buộc Nga can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2016 sẽ vẫn tiếp tục.
Một tin xấu đối với Tổng thống Donald Trump là việc phe Cộng hòa tại Quốc hội Mỹ tỏ ra ngạc nhiên trước hành động thô bạo của ông. Phe Cộng hòa chính là tuyến phòng thủ cuối cùng của Tổng thống Donald Trump chống lại việc thành lập một ủy ban điều tra độc lập lưỡng đảng tại Quốc hội Mỹ và ủy ban điều tra độc lập này có thể mang lại thảm họa cho ông.
Thượng nghị sĩ John McCain, phụ trách Ủy ban Quân vụ Hạ viện Mỹ, đã lên tiếng bảo vệ ông James Comey và gọi việc sa thải giám đốc FBI là hành động "chưa từng thấy".  Trong lịch sử, không có tổng thống Mỹ nào sa thải một giám đốc FBI đang điều tra Nhà Trắng. Thậm chí, Tổng thống Nixon cũng không dám làm điều đó.
Tại một hội nghị an ninh ở Munich (CHLB Đức), Thượng nghị sĩ John McCain nói: "Vụ bê bối này đang tiếp diễn. Đây là một vụ bê bối chưa từng có”.
Thượng nghị sĩ Cộng hòa Richard Burr, người đứng đầu Ủy ban Tình báo Thượng viện Mỹ, cũng nói: "Tôi cảm thấy nghi ngờ về thời điểm và lý do của việc sa thải giám đốc (FBI) Comey. Tôi thấy giám đốc Comey là một công chức được đánh giá cao nhất và việc sa thải ông cản trở cuộc điều tra vốn đã rất khó khăn”.
Nếu Quốc hội Mỹ tiến tới việc thành lập một ủy ban điều tra độc lập vào mùa hè này (đây là điều dường như sẽ xảy ra sau khi giám đốc FBI James Comey bị ông Trump sa thải), hai vị thượng nghị sĩ Cộng hòa nói trên sẽ nằm trong số ít các nhà lãnh đạo ủy ban. FBI sẽ tích cực hỗ trợ cho các nhà điều tra của quốc hội và báo chí sẽ tiếp tục đào sâu hơn câu chuyện này.
Và nếu Tổng thống Donald Trump tiếp tục cản trở quốc hội và công luận bằng những sắc lệnh không kín kẽ, điều này sẽ ảnh hưởng lớn đến kết quả các cuộc bầu cử sắp tới.
Nhà báo Tim Weiner kết luận: Hãy tưởng tượng kết quả cuộc điều tra của Quốc hội Mỹ về cáo buộc Nga can thiệp vào quá trình bầu cử tổng thống Mỹ 2016, khi phe Cộng hòa không còn chiếm đa số tại Thượng viện và Hạ viện như hiện nay.
Minh Châu (Theo Reuters)

>> xem thêm

Bình luận(0)