Quyết định bất ngờ của chính phủ Trung Quốc trong việc rút giàn khoan HD981 khỏi vùng biển gần quần đảo Hoàng Sa không phải là báo hiệu cho một sự thay đổi lớn trong chính sách của nước này đối với Biển Đông, tờ Diplomat dẫn bài viết của Dingding Chen của ĐH Macao.
Trong bài báo của mình, ông Chen cho biết, một số khả năng khác, chẳng hạn như thời tiết xấu, áp lực từ Mỹ, hoặc kết quả khoan thử có thể giải thích tại sao Trung Quốc đã quyết định rút lại giàn khoan dầu trước một tháng so với kế hoạch ban đầu. Tuy nhiên, ông chỉ ra rằng những lời giải thích này có một số điểm không hợp lý trong phân tích bước đi chiến lược hiện tại của Trung Quốc. Mặc dù có chút bất ngờ về thời điểm đưa ra quyết định, ông Chen cho biết, là người có một thời gian dài quan sát chiến lược của Trung Quốc, ông không ngạc nhiên vì bước đi này.
|
Giàn khoan Hải Dương 981 của Trung Quốc. |
"Việc Trung Quốc thu giàn khoan về một tháng trước thời hạn tạo ra bao nhiêu khác biệt?" Ông Chen hỏi. "Chuyện này liệu có thay đổi cách nhìn của Việt Nam về kế hoạch dài hạn của Trung Quốc? Có lẽ không. Trung Quốc sẽ từ bỏ việc đưa giàn khoan dầu của mình ra khơi? Chắc chắn là không. Vụ việc này sẽ thay đổi hành động của Mỹ tại châu Á? Tôi nghi ngờ điều đó". Ông Chen nói rằng mọi người không nên quá quan tâm đến lý do Trung Quốc gỡ bỏ một giàn khoan bởi vì sẽ có nhiều cái nữa tiến vào Biển Đông trong những năm tới.
Trong khi nhiều người tin rằng chính sách đối ngoại của Trung Quốc về cơ bản là bị động và rời rạc khi họ phải vật lộn với các vấn đề khác nhau, Chen chỉ ra rằng nhiều chuyên gia không thấy được chính sách đối ngoại của Trung Quốc có thể nhất quán và chặt chẽ như thế nào. Ông nói: "Thứ họ không nhìn thấy là việc một chiến lược được phát triển tốt ở tầm vĩ mô không có liên kết tới độ ứng biến và có một phần sự không nhất quán ở cấp vi mô."
Ông Chen nói rằng rất có khả năng Trung Quốc đã phát triển một chiến lược tổng thể để nâng cao lợi ích quốc gia trong vòng 20 đến 30 năm tới. Chủ đề của chiến lược này có thể có thể được tóm tắt trong hai cụm từ "trỗi dậy yên bình" hay "hạ thấp bản thân." Ông nhấn mạnh tầm quan trọng của việc các quan sát viên phương Tây nhận ra rằng Trung Quốc có mục tiêu rõ ràng về thứ nó muốn đạt được và dự định làm gì để đạt được điều đó. Tuy nhiên, Trung Quốc sẽ không cung cấp cho người ngoài một ý tưởng rõ ràng về thời điểm và cách nó sẽ thực hiện chiến lược của mình.
Đây là lý do tại sao rất nhiều nhà phân tích nước ngoài cho rằng chính sách đối ngoại của Trung Quốc là không mạch lạc và mâu thuẫn, ông Chen nói. "Cũng giống như quyết định hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 ở vùng biển Việt Nam của Trung Quốc, nhất định một ngày nào đó nước này sẽ lại di chuyển thêm giàn khoan khác tới Biển Đông, mặc dù thời điểm chính xác có thể có chút ngẫu nhiên". Tuy nhiên, ông nói rằng chẳng có gì để cộng đồng quốc tế phải ngạc nhiên về những quyết định của Trung Quốc trong tương lai gần.
Ông Chen nhân định: Trung Quốc chắc chắn sẽ cho giàn khoan quay trở lại Biển Đông. Các nhà phân tích trong tương lai nên chú ý hơn đến kế hoạch chiến lược thay vì các quyết sách đối ngoại của Trung Quốc. Nếu không, khó có thể có được những khuyến nghị chính sách hữu ích về cách đối phó với sự trỗi dậy của Trung Quốc.