Các chuyên gia Mỹ cho rằng, mối quan hệ Nga-Mỹ dường như đóng băng trong hơn một năm qua do các hệ lụy từ cuộc khủng hoảng Ukraine. Tuy nhiên, nó trở nên xấu hơn sau khi Moscow khởi động chiến dịch không kích phiến quân IS ở Syria.
Cách đây hơn một năm, quan hệ Nga-Mỹ trở nên căng thẳng sau sự kiện bán đảo Crimea sáp nhập vào Nga, dẫn theo một loạt các lệnh trừng phạt kinh tế của các quốc gia phương Tây đối với Moscow sau đó.
|
Hai Tổng thống Obama và Putin trong một sự kiện.
|
Cuối tháng trước, Nga bất ngờ đưa chiến đấu cơ tới Syria để khởi động chiến dịch không kích IS.
“Tôi nghĩ rằng, mối quan hệ giữa Nga và Mỹ đang khá căng thẳng”, chuyên gia nghiên cứu William Courtney thuộc Trung tâm nghiên cứu Rand Corp (Mỹ) chia sẻ với Tân Hoa Xã.
Cựu Đại sứ Mỹ tại Kazakhstan và Gruzia, ông Courtney, cũng cho hay chính việc Nga triển khai hoạt động quân sự ở Syria mà không có sự kết hợp nào với liên minh do Mỹ dẫn đầu sẽ gây ra rủi ro cho các máy bay chiến đấu của hai bên cùng tham gia oanh tạc IS trên bầu trời Syria.
Còn chuyên gia về Trung Đông, ông James Phillips nói rằng, quan hệ hai nước xấu đi sẽ kéo theo việc Washington càng gia tăng áp lực lên chính quyền Tổng thống Putin.
Theo ông này, lúc trước, Tổng thống Obama khá thận trọng mỗi khi bàn tới chuyện sử dụng sức mạnh quân sự ở Syria để đánh lại IS. Tuy nhiên, giờ đây, chính quyền Washington có thể đáp trả bằng tăng cường viện trợ cho lực lượng nổi dậy Syria cũng như đẩy mạnh trừng phạt lên Nga.
“Tôi cho rằng, chính quyền Washington có thể gia tăng áp lực một cách gián tiếp lên Moscow bằng cách mở rộng viện trợ quân sự cho phe nổi dậy Syria ôn hòa và áp đặt thêm các lệnh trừng phạt lên Nga”, ông Phillips nói.
Ông này nói thêm, căng thẳng gia tăng trong mối quan hệ giữa hai nước này cũng có thể lan sang các khu vực khác có liên hệ mật thiết với Nga và Mỹ.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia và các nhà quan sát khá bất ngờ trước động thái Nga triển khai các chiến đấu cơ tới Syria. Đồng thời, họ cũng đặt ra nghi vấn về động cơ của Moscow trong hành động lần này.
|
Chiến đấu cơ Nga tham gia chiến dịch không kích IS ở Syria.
|
Chuyên gia Courtney lý giải theo quan điểm cá nhân cho việc làm trên. Đó là, muốn tiếp tục là một cường quốc có sức ảnh hưởng trên toàn cầu, Nga cần phô trương thanh thế vượt ra khỏi phạm vi khu vực.
Việc Nga mở chiến dịch không kích ở Syria cũng làm dấy lên mối nghi ngại về nguy cơ xảy ra các vụ xung đột giữa máy bay chiến đấu Nga và chiến đấu cơ của liên minh chống IS do Mỹ cầm đầu.
Thành viên cấp cao thuộc Viện Nghiên cứu Cận Đông ở Washington, ông David Pollock nói với Tân Hoa Xã rằng, hoàn toàn có khả năng xảy ra điều trên (tức máy bay chiến đấu của Nga và liên quân đụng độ nhau). Tuy nhiên, cả hai đang cố gắng tránh điều đó xảy ra thông qua các cuộc họp trực tuyến trao đổi kế hoạch với nhau.
“Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng, nguy hiểm lớn nhất không phải nằm ở lực lượng Nga và Mỹ mà giữa Nga và các lực lượng khác đang được Mỹ hỗ trợ hoặc cung cấp vũ khí”, ông Pollock nói.
Về việc giải quyết cuộc khủng hoảng Syria, thành viên cao cấp tại Viện Brookings ông Michael O’Hanlon cho hay, một liên bang bao gồm các khu tự trị của các nhóm sắc tộc sẽ mang lại sự bình yên cho quốc gia Trung Đông này.
Ông cho biết, điều này thực tế hơn so với việc các bên cố gắng thương lượng để thành lập một chính phủ chuyển tiếp. Nhất là khi Tổng thống Syria Assad không có ý định từ chức và cũng chưa biết khi nào có cơ chế để thực thi hòa bình trong bối cảnh nhiều người dân nước này không tin tưởng vào quân đội chính phủ.
“Tôi nghĩ rằng, chiến lược cố gắng thương thảo để lập nên một chính phủ đoàn kết quốc gia cũng như tìm ra người sẽ thực hiện các cam kết đó ở Syria là chẳng có chút hy vọng thật sự nào”, ông O’Hanlon nói.
Các nhóm Hồi giáo dòng Sunni cũng chẳng mặn mà lắm trong việc thành lập một chính phủ đa sắc tộc. Thay vào đó, các nhóm này tìm cách trả thù Tổng thống Assad một khi họ có cơ hội làm điều đó.
“Hiện chẳng có con đường rõ ràng nào để Syria thoát khỏi khủng hoảng cả. Tôi e rằng sẽ ngày càng có nhiều cuộc giao tranh, đổ máu và nhiều người tị nạn hơn”, vị chuyên gia trên nói.