Như lịch trình đã được công bố, Tổng thống Mỹ Obama sẽ có buổi tiếp đón chính thức Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng tại Phòng Bầu Dục hôm 7/7.
Bình luận về sự kiện Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm Mỹ, phóng viên George E. Condon Jr. cho rằng, đây là cơ hội để ông Obama hiểu thêm về Chiến tranh Việt Nam tuy đã kết thúc 40 năm nhưng vẫn tác động không nhỏ đến chính sách đối ngoại hiện nay của nước Mỹ.
“Ông Obama là tổng thống đầu tiên trưởng thành vào thời điểm "hậu Chiến tranh Việt Nam". Ý thức chính trị của ông ấy không được hình thành bởi cuộc chiến đó”, cố vấn chính trị lâu năm của Tổng thống Obama là David Axelrod chia sẻ quan điểm với National Journal. Vào thời điểm Tổng thống Mỹ Eisenhower ra lệnh cử nhóm cố vấn quân sự đầu tiên đến Việt Nam thì ông Obama vẫn chưa được sinh ra. Cho tới năm cậu bé Obama 13 tuổi, những chiếc trực thăng cuối cùng của Quân đội Mỹ đã ồ ạt tháo chạy khỏi Sài Gòn.
|
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp đón đại diện Thương mại Hoa Kỳ Micheal Froman. (Ảnh: Qdnd.vn) |
Tổng thống Obama từng thừa nhận rằng ông không có cơ hội chứng kiến những năm tháng mà người dân Mỹ sục sôi đấu tranh phản đối
cuộc chiến ở Việt Nam. Vị Tổng thống da màu đầu tiên của Mỹ kể lại rằng năm 1967, lúc đó ông là một cậu bé 6 tuổi và đang sống cùng gia đình mình ở Indonesia. Ba năm sau, ông được người nhà gửi về Hawaii.
Trong cuốn sách "Hy vọng táo bạo" (The Audacity of Hope), ông Obama thổ lộ rằng vào lúc đó (cuộc chiến tranh Việt Nam đang diễn ra), ông "còn quá nhỏ để hiểu đầy đủ bản chất của biến động xã hội”. Tuy nhiên, ông “luôn cảm thấy một mối quan hệ lạ lùng với những sự kiện của thập niên 1960".
Thực vậy, điều băn khoăn đó đã theo ông Obama trong đợt vận động tranh cử Tổng thống năm 2008 và cả khi ông đã vào Nhà Trắng. “Trên bình diện cá nhân, ông Obama là Tổng thống Mỹ không dính dáng nhiều tới cuộc chiến tranh (Việt Nam) đó. Tuy nhiên, theo nhà báo Marvin Kalb - phóng viên lâu năm của CBS và NBC nghiên cứu sự ảnh hưởng của Việt Nam đối với các chính sách của ông Obama trong cuốn sách "Di sản ám ảnh: Việt Nam và các đời Tổng thống Mỹ từ Ford tới Obama" (Haunting Legacy: Vietnam and the American Presidency from Ford to Obama), Tổng thống Obama lại liên quan tới cuộc chiến Việt Nam "một cách rất trực tiếp”.
Nhà báo Marvin Kalb hồi tưởng chuyến thăm năm 2008 của Tổng thống Obama tới Trung Đông cùng Thượng nghị sỹ Jack Reed và Thượng nghị sỹ Chuck Hagel. “Trong suốt chặng hành trình kéo dài 13,5 tiếng từ căn cứ quân sự Andrews tới thành phố Kuwait, ông Obama nói như thể đó là một cuộc hội thảo về Việt Nam vậy. Bề ngoài, chuyến thăm đó sẽ tới Afghanistan. Tuy nhiên, cả hai thượng nghĩ sỹ đi cùng nghĩ rằng, ông Obama dường như đang đặt mọi tâm trí của mình để giải quyết về vấn đề Việt Nam vậy”, phóng viên Kalb nói với National Journal.
|
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam hạ cánh xuống sân bay quân sự Andrews hôm 6/7, bắt đầu chuyến thăm chính thức Hoa Kỳ. (Ảnh: TTXVN) |
Theo lời nhà báo này, Tổng thống Obama dường như muốn biết về các bài học từ cuộc chiến tranh Việt Nam. Trong một cuộc họp ở Phòng Bầu Dục, ông Obama có phần khó chịu khi một số cố vấn lớn tuổi gạt bỏ các phần nói về Việt Nam trong những cuộc thảo luận về chiến tranh Iraq và Afghanistan.
Chưa kể, Tổng thống Obama cũng không đồng tình với các ý kiến so sánh chiến tranh ở Afghanistan và ở Việt Nam. “Mối đe dọa mà nước Mỹ đang đối mặt ngày hôm nay là một sự phá hoại tiềm tàng và có thật”, ông Obama viết và sau đó khẳng định quan điểm trên một lần nữa trong cuộc phỏng vấn với New York Times và CNBC năm 2009.
Tới năm 2012, ông quyết định đọc bài diễn văn Ngày Chiến sĩ trận vong (Memorial Day) ở khu vực Đài Tưởng niệm Chiến tranh Việt Nam. Tại đó, ông đã nói về “sự phức tạp” của cuộc chiến tranh, gọi nó “là một trong những chương đau buồn nhất trong lịch sử nước Mỹ”. Nhiều chuyên gia nhận định rằng, bài diễn văn trên một phần đã chỉ ra rằng, ông Obama đang cố gắng tự mình chiêm nghiệm những bài học từ cuộc chiến “hao người, tốn của” nhất mà nước Mỹ từng bị sa lầy.
“Ông ấy (tức ông Obama) đã rất cố gắng tiếp thu. Mọi người nói rằng, ông Obama không có sự liên quan cá nhân nào tới cuộc chiến tranh Việt Nam, nhưng dường như đó là sai lầm. Đúng, ông ấy không tham chiến. Tuy nhiên, không vì thế mà ông ấy lại gạt bỏ điều đó đi. Là một người thông minh, ông ấy biết nước Mỹ đã trải qua những gì. Và cuộc chiến tranh đặc biệt này là một điều ông không hề muốn lặp lại”, nhà báo Kalb nói.