Trong một vài tháng qua, các cuộc thảo luận về chính sách đối ngoại của tân chính quyền Mỹ của Tổng thống Donald Trump thường tập trung trên hai hai vấn đề nổi cộm là quan hệ Mỹ-Nga và cuộc chiến chống khủng bố. Điều này đã tạo nên tâm lý quan ngại nơi các đồng minh Châu Á của Mỹ về việc có thể bị Washington bỏ rơi.
Thế nhưng theo nhật báo The Washington Post số ra ngày 8/1, chính quyền Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump “có thể biến chính sách xoay trục sang Châu Á của Tổng thống Obama thành hiện thực”.
|
Tổng thống Donald Trump cũng sẽ xoay trục sang Châu Á? (Nguồn: CNBC.com) |
Theo The Washington Post, trong hậu trường, ê kíp của Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump đang chuẩn bị một chính sách xoay trục sang Châu Á theo cách riêng, với nhiều yếu tố quan trọng : (1) thể hiện lập trường cứng rắn hơn với Trung Quốc ; (2) tập trung củng cố các liên minh khu vực ; (3) quan tâm nhiều hơn đến Đài Loan ; (4) cứng rắn hơn với CHDCND Triều Tiên và (5) tăng cường sự hiện diện của hạm đội Mỹ ở Thái Bình Dương.
Chính sách này thực ra có tác dụng hiện thực hóa tham vọng của chính quyền Obama muốn tăng cường sự hiện diện của Mỹ trong khu vực.
Đối với Washington Post, có nhiều tín hiệu cho thấy là Châu Á sẽ là một trọng tâm hàng đầu của một số gương mặt chủ chốt trong chính quyền mới ở Mỹ.
|
Ngoại trưởng Mỹ được đề cử Rex Tillerson đã nêu bật mối quan ngại về Trung Quốc trong phiên điều trần trước Quốc hội Mỹ. (Nguồn: The Times) |
Ông Rex Tillerson, người được ông Trump đề cử làm ngoại trưởng, mới đây đã nêu bật mối quan ngại về Trung Quốc trong phiên điều trần trước Quốc hội Mỹ. Ông Tillerson nhấn mạnh sự cần thiết phải chống lại việc Trung Quốc quân sự hóa và bành trướng tại Biển Đông.
Các nguồn tin từ ê kíp chuẩn bị nắm quyền tại Nhà Trắng cũng cho biết là ông Stephen K. Bannon, trưởng nhóm chiến lược gia của ông Trump, rất quan tâm đến chiến lược Châu Á. Nguyên là một sĩ quan hải quân phục vụ trong Hạm đội Thái Bình Dương, ông Bannon và nhiều quan chức hàng đầu khác trong chính quyền Donald Trump đều cho rằng chính sách xoay trục sang Châu Á của tổng Thống Obama thất bại là do chi tiêu quốc phòng không đủ, khiến ông không thực hiện được lời hứa gia tăng sức mạnh quân sự của Mỹ trong khu vực.
Còn về các đại sứ, các nguồn tin trên cũng ghi nhận việc ông Trump chọn các chuyên gia Châu Á hàng đầu vào công việc này. Chẳng hạn, ông Trump chuẩn bị cử ông Ashley Tellis - một cựu quan chức Nhà Trắng và chuyên gia nổi tiếng về Ấn Độ - làm đại sứ Mỹ tại Ấn Độ. Trước đó ông cũng đã cử Thống đốc bang Iowa Terry Branstad, một người quen thuộc với Trung Quốc, làm đại sứ Mỹ ở Bắc Kinh.
Theo The Washington Post, chính phủ Nhật Bản có thể không hài lòng trước việc ông Trump dự kiến chọn doanh nhân William Hagerty làm đại sứ Mỹ ở Tokyo. Nhưng chính phủ Nhật Bản chắc hẳn đã cảm thấy được tôn trọng khi Thủ tướng Shinzo Abe là lãnh đạo thế giới đầu tiên mà ông Trump gặp sau cuộc bầu cử tổng thống Mỹ ngày 8/11/2016.
|
Thủ tướng Shinzo Abe là lãnh đạo thế giới đầu tiên mà ông Trump tiếp đón sau cuộc bầu cử tổng thống Mỹ ngày 8/11/2016. (Nguồn: The Washington Post) |
Có nhiều lý do để tin rằng chính quyền của Tổng thống Donald Trump dành sự quan tâm đến Châu Á trong những tháng hoạt động đầu tiên. Việc chọn ông Peter Navarro đứng đầu Hội đồng Thương mại Quốc gia là một dấu hiệu cho thấy một cuộc đụng độ kinh tế với Bắc Kinh có thể sớm xẩy ra.
Nhật báo The Washington Post kết luận: Trọng tâm hướng về Châu Á sẽ có lợi cho Tổng thống Donald Trump, cho phép ông biện minh được cho chủ trương sưởi ấm lại quan hệ với Nga. Chính quyền của ông Trump có thể lập luận rằng Nga là một cường quốc khu vực “hầu như không có vấn đề”, trái với một Trung Quốc đang vươn lên và ngày càng tỏ ra quyết đoán.