Trang tin Boxun cho rằng Chủ tịch Tập Cận Bình ra lệnh mời bà Suu Kyi do hết kiên nhẫn trước vấn đề bất ổn ở biên giới TrungQuốc-Myanmar.
Nguồn tin ở Bắc Kinh tiết lộ với Boxun News rằng quyết định mời bà Aung San Suu Kyi - lãnh đạo phe đối lập ở Myanmar - thăm Trung Quốc tuần này được đưa ra sau cuộc họp kéo dài hai ngày của Ủy ban An ninh Quốc gia Trung Quốc (CNSC) do Chủ tịch Tập Cận Bình đứng đầu.
|
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
|
Báo này còn cho biết, quan hệ Trung Quốc-Myanmar sẽ được xử lý thông qua phương pháp
tiếp cận ba hướng, gồm chính trị, ngoại giao và quân sự.
Cụ thể, động thái đầu tiên của Bắc Kinh trong cách tiếp cận ba hướng này chính là quyết định tiến hành cuộc tập trận bắn đạn thật ngay sát biên giới với Myanmar nhằm gây áp lực lên chính phủ nước láng giềng sau những vụ “bom rơi đạn lạc” xảy ra nhiều lần trong năm nay.
Sau đó, việc mời bà Aung San Suu Kyi tới Trung Quốc còn mang một ẩn ý khác đó là nhằm gây áp lực lên chính phủ Myanmar. Nguồn tin bí mật ở Bắc Kinh lưu ý rằng Liên minh Dân chủ Quốc gia của bà Aung San Suu Kyi sẽ nhận được nhiều sự ủng hộ trong cuộc tổng tuyển cử ở Myanmar vào cuối năm nay. Tuy nhiên bà Aung San Suu Kyi khó trở thành Tổng thống Myanmar do vấn đề liên quan tới quốc tịch nước ngoài của hai người con trai.
Tuy nhiên, tờ Boxun phân tích rằng do không hài lòng trước cung cách làm việc của Bộ Ngoại giao (Trung Quốc) nên Chủ tịch Tập Cận Bình quyết định thông qua Ban Liên lạc Đối ngoại Trung ương ĐCS Trung Quốc đưa lời mời bà Aung San Suu Kyi.
|
Bà Aung San Suu Kyi - lãnh đạo phe đối lập ở Myanmar.
|
Không lâu sau khi CNSC được thành lập hồi tháng 12/2013, Chủ tịch Tập Cận Bình còn ra chỉ thị cho đơn vị này phân tích sách lược đối với Myanmar. Trong khi Đại sứ quán Trung Quốc ở Myanmar tìm cách liên lạc với bà Aung San Suu Kyi thì Bộ Ngoại giao ở Bắc Kinh vẫn duy trì quan điểm tiêu cực đối với nhà hoạt động kỳ cựu này và nhấn mạnh rằng trọng tâm của Bắc Kinh nên hướng tới chính quyền của Tổng thống Thein Sein.
Tuy rằng vậy, sau sự cố “đạn rơi lạc” từ phía lãnh thổ Myanmar sang tỉnh Vân Nam của Trung Quốc, Chủ tịch Tập Cận Bình cho rằng Bộ Ngoại giao Trung Quốc cần nói rõ lập trường của Bắc Kinh về sự kiện này. Đặc biệt, sau sự cố tương tự hồi tháng 5/2015, ông Tập Cận Bình dường như “mất kiên nhẫn” với cách làm việc của Bộ Ngoại giao Trung Quốc.
Tuy nhiên, một nguồn tin trong nội bộ Đảng Cộng sản Trung Quốc tiết lộ với tờ Boxun rằng vấn đề Myanmar không chỉ giới hạn trong lĩnh vực ngoại giao. Nó còn liên quan tới các nỗ lực của ĐCS Trung Quốc trong việc dập tắt nạn tham nhũng của các quan chức ở vùng biên giới Trung Quốc-Myanmar. Dự kiến, trong thời gian tới, Bắc Kinh sẽ mở cuộc điều tra chính thức về việc này.