Những khúc mắc tế nhị trong quan hệ Trung-Triều

Google News

(Kiến Thức) - Liệu Trung Quốc có mãi mãi che chở cho Triều Tiên, nếu Bình Nhưỡng tiếp tục thử hạt nhân, bất chấp sự can ngăn của Bắc Kinh?

 Cuộc gặp cấp cao Hồ Cẩm Đào - Kim Jong-il.

Kể từ khi Liên Xô sụp đổ trong  năm 1991, Trung Quốc là đồng minh duy nhất của Triều Tiên mặc dù mối quan hệ hữu nghị này có đôi khi gây ra nhiều điều bất tiện. Về bản chất, sự hỗ trợ của Bắc Kinh dành cho Triều Tiên bao gồm cả viện trợ kinh tế (dưới dạng viện trợ trực tiếp và thương mại) lẫn bảo vệ ngoại giao.Trung Quốc không chỉ che chở cho Triều Tiên mà còn cung cấp lương thực thực phẩm cần thiết cho nước này.

Mỹ và các đồng minh trong khu vực không hài lòng với sự bảo trợ này. Washington muốn chứng kiến một Bán đảo Triều Tiên thống nhất với một chính phủ thân phương Tây ở Seoul và coi Bắc Kinh là một trở ngại chính đối với việc thực hiện mục tiêu này

Tuần trước, báo The Guardian của Anh đưa tin rằng một báo cáo gần đây của phe Cộng hòa tại Thượng viện Mỹ, trong đó nói rằng Trung Quốc có thể ngăn chặn công cuộc tái thống nhất Triều Tiên, nếu điều này xảy ra trong tương lai gần.

Nguyên nhân căn bản của sự ngăn cản này là dễ thấy và chiến lược thuần túy.  Trung Quốc không muốn thấy một Triều Tiên thống nhất, năng động với hàng chục ngàn quân Mỹ áp sát biên giới Đông Bắc của nước này. Bất chấp những rắc rối mà Bình Nhưỡng gây ra cho Bắc Kinh, miền Bắc Triều Tiên quả là một vùng đệm có giá trị mà Trung Quốc khó có thể từ bỏ. Người Mỹ có thể cho rằng sự che chở của Trung Quốc dành cho Triều Tiên là sai lầm và lỗi thời, nhưng nếu xét theo tương quan lực lượng ở Đông Bắc Á, sự che chở này lại có ý nghĩa chiến lược đối với Trung Quốc.


Có một vài dấu hiệu cho thấy Trung Quốc có thể ngăn cản công cuộc tái thống nhất Bán đảo Triều Tiên, nếu bị bên ngoài dồn ép. Các bức điện tín bị Wikileaks công bố năm 2010 cho thấy một vị đại sứ Trung Quốc từng nói rằng Bắc Kinh về lâu về dài hy vọng Bán đảo Triều Tiên tái thống nhất, nhưng không phải trong tương lai gần.

Chỉ có điều, so với trước đây, Trung Quốc đã tỏ ra ít khoan dung hơn đối với thái độ ngang ngạnh của lãnh đạo Triều Tiên. Trung Quốc đã bỏ phiếu tán thành Nghị quyết 2087 của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc,  cho phép mở rộng các biện pháp trừng phạt Triều Tiên do nước này phóng tên lửa mang vệ tinh hồi tháng trước. Với tuyên bố sẽ tiến hành một vụ thử hạt nhân nữa, Bình Nhưỡng đã bày tỏ sự  “thất vọng cay đắng” với “lá phiếu trừng phạt” của người anh em Trung Quốc. Mặc dù một nước Triều Tiên thống nhất có thể gây ra thách thức an ninh đối với Bắc Kinh, nhưng mối quan hệ  kinh tế Trung Quốc-Hàn Quốc vốn đã mạnh mẽ sẽ ngày càng ngày càng mạnh hơn. Hơn 24,5 triệu người Bắc Triều Tiên sẽ là hữu ích hơn cho các thương nhân Trung Quốc nếu họ đã được tích hợp vào nền kinh tế đang phát triển năng động của Hàn Quốc, chứ không phải là hao mòn sức lực trong hệ thống quản lý kinh tế trì trệ hiện nay.

Vậy thì, vì sao Trung Quốc vẫn tiếp tục bảo trợ cho người anh em  gây khá nhiều rắc rối khó chịu này?

Câu trả lời là khá thực dụng chứ không nặng về ý thức hệ.  Bắc Kinh hiểu rằng sự sụp đổ đột ngột của nhà nước Triều Tiên sẽ dẫn đến một làn sóng lớn người tị nạn tràn qua biên giới, gây ra những thách thức nghiêm trọng về hậu cần và nhân đạo. Trung Quốc vốn đã có đủ rắc rối trong việc giải quyết vấn đề chênh lệch giàu-nghèo vốn đang dẫn đến bất ổn trong xã hội.

Những ân oán trong lịch của Trung Quốc và Triều Tiên vẫn còn đó và sẽ là sai lầm khi cho rằng Bắc Kinh mãi mãi “bỏ của nhà” che chở cho người hàng xóm cứng đầu cứng cổ. Ban lãnh đạo Trung Quốc không yêu thích gì lãnh đạo Triều Tiên thường hay làm cho họ mất mặt trước cộng đồng quốc tế. Chỉ có điều, họ cũng hiểu rõ rằng nếu Triều Tiên bị tan rã vào thời điểm này, bên gánh chịu hậu quả nặng nề nhất sẽ là Trung Quốc.

ĐANG ĐỌC NHIỀU:
TIN LIÊN QUAN:



Lê Chân (theo The Atlantic)

Bình luận(0)