Nghi can thứ nhất liên quan đến vụ đánh bom khủng bố ở St. Petersburg có thể là các phần tử ly khai Chechnya vốn đã tiến hành nhiều cuộc tấn công đẫm máu ở Nga.
|
Cứu người bị thương trong vụ đánh bom tàu điện ngầm ở St. Petersburg ngày 3/4, làm hàng chục người thương vong. Ảnh: Reuters
|
Năm 2002, các tay súng Chechnya đã đột kích một nhà hát ở Moscow, bắt giữ hàng trăm con tin và làm thiệt mạng 130 người. Hai năm sau, những kẻ khủng bố Chechnya đánh bom nhà ga tàu điện ngầm ở Moscow, giết chết 39 người.
Năm 2004, các tay súng Chechnya đã bắt giữ hàng trăm học sinh và giáo viên làm con tin tại một trường học ở Beslan. Cuộc bao vây và giải thoát con tin ở Beslan đã làm chết hơn 300 người.
Trong năm 2009, các phần tử khủng bố Chechnya dưới sự chỉ đạo của thủ lĩnh Doku Umarov đã giết chết 28 người trong vụ đánh bom liều chết trên tuyến đường sắt cao tốc nối St. Petersburg và Moscow. Nhóm của Umarov cũng tuyên bố một cuộc tấn công năm 2011 vào sân bay Domodedovo của Moscow làm 37 người thiệt mạng.
Trong thời gian gần đây, nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) đã thực hiện một loạt các vụ tấn công khủng bố chống lại Nga. IS đã bắt đầu nhắm vào Nga trong năm 2015, trùng hợp với thời điểm Nga đã can thiệp quân sự vào cuộc nội chiến Syria.
Ngày càng có nhiều các tay súng Chechnya gia nhập hàng ngũ của nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo và là một trong những nhóm nước ngoài đông đảo nhất tham chiến ở Syria.
Tháng 6/2015, cái gọi là Nhà nước Hồi giáo công bố thành lập "một tỉnh" trong vùng Caucasus của Nga. Phiến quân IS đã nhanh chóng hoạt động ở vùng Caucasus. Tháng 9/2015, IS đã mở cuộc tấn công đầu tiên nhắm vào một doanh trại quân đội Nga ở miền nam Dagestan.
ISIS cũng thông báo việc lên kế hoạch tấn công ra bên ngoài khu vực Caucasus và đang có kế hoạch đưa cuộc thánh chiến ở các thành phố lớn của Liên bang Nga như thành phố St. Petersburg và thủ đô Moscow.
Ngày 31/10/2015, nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo đã đánh bom chiếc máy bay chở khách của Nga đưa hành khách đi nghỉ mát từ Sinai, Ai Cập đến St Petersburg, giết chết 224 người.
Năm ngoái, Tổng thống Nga Vladimir Putin ước tính số lượng các tay súng đến từ Nga và các nước Cộng hòa thuộc Liên Xô cũ chiến đấu cho IS ở Syria và Iraq lên tới con số 5.000-7.000 người.
Khi cái gọi là Nhà nước Hồi giáo thua đau trên chiến trường Iraq và Syria, đông đảo các tay súng IS người Nga vẫn còn sống có thể cố tìm cách “chuyển lửa về quê nhà”.
Với 30.000 tay súng nước ngoài đã và đang chiến đấu dưới ngọn cờ IS ở Syria và Iraq, Nga và cộng đồng quốc tế chắc chắn sẽ có cả “một núi công việc” nhằm ngăn chặn những kẻ khủng bố dày dạn kinh nghiệm trận mạc này về quê “châm lửa đốt nhà”.