Nhiều học giả quốc tế chỉ trích yêu sách “đường lưỡi bò“

Google News

Mọi biện pháp giải quyết tranh chấp trên Biển Đông chỉ thực sự có hiệu quả khi luật pháp quốc tế được tuân thủ và lòng tin trở lại.

Một cuộc hội thảo quốc tế lớn vừa được tổ chức tại Mỹ nhằm tìm giải pháp cho tranh chấp tại Biển Đông. Cuộc hội thảo thu hút sự tham gia của hơn 400 học giả và quan chức chính phủ nhiều nước như Mỹ, Australia, Trung Quốc và Nhật Bản.

Hội thảo diễn ra trong bối cảnh căng thẳng gia tăng tại Biển Đông với một loạt sự cố liên tiếp xảy ra giữa các nước liên quan, trong đó có vụ tàu Trung Quốc đâm tàu cá Việt Nam. Các học giả tham dự hội thảo cho rằng tranh chấp hiện nay bắt nguồn từ rất nhiều nguyên nhân, trong đó có sức hút của nguồn lợi thủy sản và dầu khí tại Biển Đông, đặc biệt là sự trỗi dậy của Trung Quốc với tham vọng trở thành một cường quốc biển cũng như muốn chứng tỏ vị thế của một nước lớn.
 Các đại biểu tham gia Hội thảo

Phát biểu tại hội thảo, Quyền Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Joe Yun nói: “Chúng tôi cho rằng, không nước nào được sử dụng các biện pháp ép buộc, đe dọa, đặc biệt là dùng vũ lực để thực thi tuyên bố chủ quyền. Thay vào đó, các bên cần sử dụng các biện pháp hòa bình như thương lượng ngoại giao hoặc thông qua nước trung gian thứ 3, hoặc phân xử của trọng tài quốc tế.”

Những đòi hỏi về chủ quyền tại Biển Đông của Trung Quốc, đặc biệt là “đường lưỡi bò” 9 đoạn đã vấp phải làn sóng chỉ trích gay gắt từ các diễn giả. Chuyên gia nghiên cứu Đông Nam Á của Mỹ, Gregory Poling cho rằng, Trung Quốc đang cố tình “đánh lận con đen”, biến những khu vực không tranh chấp thành có tranh chấp nhằm chiếm đoạt tài nguyên của nước khác. Ông Poling dẫn chứng việc năm ngoái, Tổng công ty Dầu khí hải dương Quốc gia Trung Quốc (CNOOC) đã mời thầu cả những lô dầu khí nằm sâu trong thềm lục địa Việt Nam.

Theo Giáo sư Peter Dutton thuộc trường Đại học Chiến tranh Hải quân Mỹ, Trung Quốc không chỉ phớt lờ luật pháp quốc tế mà còn có thiên hướng sử dụng sức mạnh để giải quyết tranh chấp: “Đáng tiếc là Trung Quốc đã đưa ra những yêu sách tại Biển Đông mà không dựa trên luật pháp quốc tế hoặc sử dụng cơ chế luật pháp quốc tế để giải quyết tranh chấp với các nước láng giềng. Chiến lược của Trung Quốc là sử dụng sức mạnh, thậm chí cả vũ lực ở mức thấp. Có lẽ Trung Quốc từ chối tham gia thủ tục phân xử của trọng tài quốc tế vì hiểu rõ rằng luật pháp quốc tế sẽ không ủng hộ nhiều yêu sách của nước này, đặc biệt là đòi hỏi về chủ quyền trên Biển Đông dựa trên đường 9 đoạn. Do những tranh chấp có thể kéo dài trong thời gian tới, thậm chí cả thập kỷ, luật pháp quốc tế sẽ đóng vai trò đối trọng vững chắc chống lại việc sử dụng ‘luật rừng’ tại Biển Đông”.

Chuyên gia kinh tế Alexander Metelisa thuộc Bộ Năng lượng Mỹ cho rằng các nước liên quan, đặc biệt là Trung Quốc nên suy nghĩ lại về mục tiêu khai thác dầu khí tại khu vực tranh chấp. Trên thực tế thì trữ lượng dầu khí tại Biển Đông không lớn so với các khu vực khác như Trung Đông hoặc Nam Mỹ. Đặc biệt, trữ lượng tại những nơi thực sự có tranh chấp rất nhỏ và do vậy sẽ không mang lại hiệu quả kinh tế cũng như đáp ứng nhu cầu tiêu thụ năng lượng khổng lồ của các nước. Hơn nữa, chi phí khai thác dầu khí tại các vùng này sẽ vô cùng tốn kém, nhất là việc xây dựng đường ống ngầm dưới biển để đưa khí đốt tới hệ thống xử lý trên đất liền, chưa kể cấu tạo địa chất phức tạp và nguy cơ động đất tại đây.   

 “Sản xuất dầu khí tại khu vực này sẽ vô cùng tốn kém. Ở đây có những mỏ dầu với sản lượng 20,000 thùng/ngày nhưng so với nhu cầu tiêu thụ tới hàng triệu thùng/ngày của Trung Quốc thì không khác gì ‘muối bỏ bể’. Do vậy, các nước không thể chỉ dựa vào Biển Đông trong vấn đề năng lượng. Kể cả trong trường hợp nước nào đó kiểm soát được một phần lớn Biển Đông thì cũng buộc phải nhập khẩu năng lượng từ bên ngoài.” Chuyên gia Alexander Metelisa nhấn mạnh.

Hội thảo đánh giá cao vai trò của ASEAN và hoan nghênh những tín hiệu tích cực trong quá trình khởi động đàm phán về Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) giữa ASEAN và Trung Quốc, coi đây là một công cụ hữu hiệu để giảm căng thẳng trong khu vực. Nhiều học giả cho rằng điểm mấu chốt là COC phải có tính ràng buộc pháp lý và cơ chế giải quyết tranh chấp.

Ngoài ra, các bên cũng cần tham khảo ý kiến của các nước liên quan tới Biển Đông, như đề xuất của Giám đốc Chương trình An ninh Châu Á-TBD của Mỹ, Patrick Cronin: “Các bên có thể đi đến giải pháp nào đó nếu ASEAN đạt được đồng thuận. Tuy nhiên, vì lợi ích của cả khu vực và cộng đồng quốc tế, chúng ta cần phải tạo thêm một khung đa phuơng như Hội nghị cấp cao Đông Á, với ASEAN làm trung tâm và sự tham gia của các cường quốc biển bên ngoài có liên quan mật thiết tới giao thông hàng hải tại Biển Đông. Tôi nghĩ Indonesia đã bắt đầu triển khai một sáng kiến tương tự.”

Hội thảo đã đề xuất một số giải pháp nhằm giảm căng thẳng tại Biển Đông, trong đó bao gồm xây dựng lòng tin và gác lại tranh chấp để cùng phát triển. Theo nhà nghiên cứu Leonardo Bernard thuộc trường Đại học Quốc gia Singapore, giải pháp cùng phát triển tại Biển Đông có thể được thực hiện dưới các hình thức như hợp tác bảo tồn môi trường biển, khai thác dầu khí, hoặc quản lý khai thác thủy sản tại các khu vực tranh chấp.

Tuy nhiên, Tổng thư ký Ủy ban Biển và Đại dương Philippines Henry Bensurto cho rằng giải pháp này không dễ thực hiện: “Vấn đề ở đây là đường 9 đoạn của Trung Quốc chiếm tới 85% vùng đặc quyền kinh tế của các nước liên quan. Chúng tôi không phản đối cùng khai thác nhưng cần phải có lộ trình. Điều quan trọng hiện nay là phải làm sáng tỏ đường 9 đoạn rồi từ đó mới hợp tác theo từng bước.

Chia sẻ quan điểm của đại diện Philippines, bà Bonnie Glaser, Cố vấn cao cấp về Châu Á của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế nói: “Bước đi đầu tiên là phải làm rõ đòi hỏi chủ quyền của các nước. Theo tôi thì đường 9 đoạn của Trung Quốc không phù hợp với luật pháp quốc tế. Tiếp đó là xác định xem đường cơ sở của các nước có phù hợp với luật pháp quốc tế hay không. Đó là khởi điểm cần thiết của quá trình giải quyết tranh chấp”.                   

 Theo một số học giả, khai thác chung tại các vùng tranh chấp trên Biển Đông cần đi đôi với các biện pháp xây dựng lòng tin. Đây là quá trình này đòi hỏi nhiều thời gian và sự chân thành của các bên.

Cố vấn cao cấp của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, Ernest Bower nhìn nhận: “Chúng ta cần bắt đầu xây dựng lòng tin từ những vấn đề nhỏ, rồi từ đó phát triển lòng tin chiến lược. Đây chính là những gì mà Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng đề cập tại diễn đàn Đối thoại Shangri-la vừa qua. Lòng tin chiến lược nằm ở tầm quốc gia, khi chúng ta đã đủ tin tưởng vào phía bên kia. Trung Quốc đã đánh mất rất nhiều lòng tin chiến lược mà ví dụ điển hình là vấn đề bãi cạn Scarborough. Tôi nghĩ Trung Quốc sẽ phải làm rất nhiều để lấy lại uy tín và xây dựng lại lòng tin chiến lược với các nước láng giềng và ASEAN.”       

Theo nhận định chung của các học giả, mọi biện pháp giải quyết tranh chấp trên Biển Đông chỉ thực sự có hiệu quả khi luật pháp quốc tế được tuân thủ và lòng tin trở lại với các bên liên quan.

TIN LIÊN QUAN:
TIN ĐỌC NHIỀU:
Theo VOA

Bình luận(0)