Nhật-Philippines, Mỹ-Ấn xích lại gần nhau vì Biển Đông

Google News

Cả Nhật Bản, Mỹ, Philippines và Ấn Độ đều quan ngại về những hoạt động cải tạo đảo nhằm thâu tóm Biển Đông gần đây của Trung Quốc.

Nhật Bản- Philippines lo ngại nguy cơ nhãn tiền
Trong cuộc hội đàm ngày 4/6 tại Nhà khách Chính phủ Nhật Bản tại Cung điện Akasaka tại Tokyo, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Tổng thống Philippines Benigno Aquino cùng thể hiện “quan ngại sâu sắc” về hành động cải tạo rầm rộ các bãi đá phi pháp trên Biển Đông của Trung Quốc.
Nhat-Philippines, My-An xich lai gan nhau vi Bien Dong
Hình ảnh vệ tinh cho thấy Trung Quốc cải tạo một bãi đá ở Biển Đông. Ảnh: CSIS.
Ông Aquino bày tỏ hy vọng, vấn đề Biển Đông sẽ được giải quyết thông qua các nỗ lực ngoại giao. Trong khi đó, ông Abe nhấn mạnh: “Tôi chia sẻ mối quan ngại sâu sắc về những hành động đơn phương làm thay đổi hiện trạng trên Biển Đông thông qua việc cải tạo đảo và xây dựng căn cứ tại đó”.
Sau cuộc hội đàm với ông Abe, Tổng thống Aquino cũng đã tổ chức họp báo tại Câu lạc bộ Báo chí Quốc gia Nhật Bản vào ngày 5/6, trong đó ông lại một lần nữa đề cập đến tình trạng gia tăng căng thẳng hiện nay ở Biển Đông.
Khi được hỏi về bình luận của ông liên quan đến tuyên bố của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc rằng: “Các nước nhỏ đừng nên gây hấn”, ông Aquino khẳng định: “Trung Quốc cần phải đặt mình vào vị thế của nước khác”.
“Nếu Trung Quốc và Philippines đổi vai trò cho nhau, liệu Trung Quốc có chấp thuận những gì mà họ vừa tuyên bố hay không?”, ông Aquino chất vấn.
Ông Aquino cũng cho rằng, Trung Quốc cần phải xem lại bản Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) mà Trung Quốc cũng là một bên tham gia để hiểu rõ hành vi sai trái của mình.
Tổng thống Philippines trích dẫn một đoạn trong bản DOC, trong đó nêu rõ: “các bên tham gia DOC đồng ý giải quyết mọi tranh chấp chủ quyền lãnh thổ thông qua con đường hòa bình, không đe dọa hoặc sử dụng vũ lực mà chỉ bằng cách tham vấn và đàm phán với nhau theo các nguyên tắc của luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên Hợp Quốc về luật Biển (UNCLOS)”.
Ngoài ra, một đoạn khác trong DOC nhấn mạnh đến việc “các bên cần phải kiềm chế không tiến hành các hành vi làm phức tạp hoặc leo thang căng thẳng cũng như gây ảnh hưởng đến hòa bình và an ninh” và “kiềm chế không đưa người lên sinh sống tại các đảo, các bãi đá và các thực thể khác hiện không có người sinh sống”.
Nhat-Philippines, My-An xich lai gan nhau vi Bien Dong-Hinh-2
 Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe (trái) và ông Aquino. Ảnh: AP.
Theo ông Aquino, hành động cải tạo đảo hiện nay của Trung Quốc vi phạm những nguyên tắc nói trên.
Ông Aquino tuyên bố: “Có lẽ chúng ta lên yêu cầu người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc xem lại DOC để xem họ đã từng cam kết như thế nào?”.
Hợp sức đối đầu với Trung Quốc
Ông Aquino cũng cho biết Philipines cũng đang đàm phán với phía Nhật Bản về việc máy bay và tàu quân sự của Nhật Bản có thể sử dụng các căn cứ quân sự của Philippines để tiếp nhiên liệu. Điều này được cho là sẽ mở rộng tầm hoạt động của Nhật Bản ở Biển Đông.
Trước đó, ngày 4/6, ông Aquino cũng đã ký một thỏa thuận trị giá 103 triệu USD để mua 10 chiếc tàu tuần tra của Nhật Bản. Số tiền này sẽ được Tokyo cung cấp cho Manila dưới dạng các khoản vay với lãi suất thấp.
Phát biểu kết thúc chuyến thăm 4 ngày đến Nhật Bản của mình, ông Aquino khẳng định, không nước nào cần phải e dè về động thái tăng cường vai trò quân sự của Nhật Bản.
“Philippines ủng hộ quan điểm thay đổi chính sách an ninh của Nhật Bản nhằm cho phép nước này có thể đóng vai trò tích cực hơn đến hòa bình và an ninh trong khu vực và trên thế giới”, ông Aquino nhấn mạnh.
Mỹ - Ấn phòng ngừa từ xa
Trong khi đó, trong chuyến công du đến Ấn Độ của mình ngày 3/6, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter cũng phải gánh vác một trọng trách rất quan trọng, đó là tìm được sự đồng thuận của Ấn Độ trong việc giải quyết vấn đề Biển Đông.
Ông Ashton Carter và người đồng cấp Ấn Độ Manohar Parrikar đã ký kết một thỏa thuận hợp tác quốc phòng mà quan chức hai nước cho rằng, thể hiện rõ nỗ lực của hai bên trong việc thúc đẩy mối quan hệ an ninh song phương.
Theo thỏa thuận trên, Mỹ sẽ giúp Ấn Độ tăng cường năng lực phòng vệ của Hải quân nước này thông qua việc hỗ trợ Ấn Độ thiết kế và đóng một tàu sân bay cũng như chế tạo các động cơ máy bay chiến đấu.
Nhat-Philippines, My-An xich lai gan nhau vi Bien Dong-Hinh-3
Ngoại trưởng Mỹ Ashton Carter (phải) và người đồng cấp Ấn Độ Manohar Parrikar. Ảnh: AP. 
“Mỹ đang tìm ra phương thức mới để giúp Ấn Độ thực thi chính sách Hành động phía Đông của nước này”, ông Carter nhấn mạnh.
Các chuyên gia nhận định, với việc đi thăm căn cứ chỉ huy miền Đông của lực lượng Hải quân Ấn Độ ở Visakhapatnam, ông Carter đã “phát đi tín hiệu” với Trung Quốc rằng, Mỹ và Ấn Độ sẵn sàng hợp tác chặt chẽ hơn với nhau.
Ông Walter Lohman, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu châu Á thuộc Quỹ Heritage cho biết, trọng tâm trong mối quan hệ Mỹ- Ấn- vốn được vun đắp từ thời Tổng thống Mỹ George W. Bush, là nhằm tăng cường số lượng đồng minh trong khu vực để bảo vệ lợi ích của Mỹ trên toàn thế giới. Tuy nhiên, hợp tác Mỹ- Ấn còn có ý nghĩa hơn thế rất nhiều.
“Vấn đề Biển Đông chỉ là một phần lý do chúng ta sát lại gần hơn với Ấn Độ. Các vấn đề liên quan đến Trung Quốc không chỉ bó hẹp ở Biển Đông. Việc hợp tác với Ấn Độ là còn nhằm bảo vệ biên giới nước này [vốn đang có tranh chấp với Trung Quốc”, ông Lohman nói.
Theo Trần Khánh/VOV

Bình luận(0)