|
Đông đất-sóng thần hủy hoại vùng Đông Bắc Nhật Bản.
|
Nỗi ám ảnh mang tên Fukushima
Cho đến nay, người dân Nhật Bản vẫn còn bị ám ảnh bởi thảm họa “động đất-sóng thần-hạt nhân” khủng khiếp ngày 12/3/2011.
Có một chi tiết nhạy cảm nhưng ít được nhiều người biết đến: đó là đời sống của các nhân viên đã làm việc tại nhà máy hạt nhân Fukushima.
Kể từ tháng 3/2011 đến tháng 12/2012, có tới 25.398 người làm việc tại nhà máy hạt nhân Fukushima để khắc phục hậu quả và hạn chế phóng xạ. Trong đó, 3.616 người thuộc công ty chủ quản Tepco, còn lại là thuộc về các công ty khác như Hitachi hay Toshiba.
Theo số liệu có Tepco, đã có 167 người bị nhiễm phóng xạ trên mức cho phép 100 mSv. Cần phải nói thêm rằng mức qui định tối đa 100 mSv đối với nhân viên làm việc tại nhà máy hạt nhân ở Nhật Bản là quá cao. Ở Pháp, quy định độ phóng xạ tối đa đối với các nhân viên làm việc trên thực địa cũng chỉ có 20 mSv.
Đa số những người này đều giữ im lặng vì sợ bị phân biệt đối xử. Thế nhưng, cũng có người đã lên tiếng và nói rằng công tác tẩy nhiễm xạ tại nhà máy Fukushima là rất tốn kém và không hiệu quả. Một người trong số đó bi quan nói: “Phải mất từ 100 đến 200 năm nữa, họa may người ta mới dám trở về vùng này”. Người này là nhân viên được Tepco đào tạo, từng làm việc nhiều năm tại nhà máy Fukushima. Anh chấp nhận làm việc tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima vì đã “quá tin vào công nghệ hiện đại”.
Đổ tiền nhiều, nhưng hiệu quả chẳng bao nhiêu
Ai từng kỳ vọng công cuộc tái thiết sau thảm họa động đất sóng thần sẽ là một cú huých thúc đẩy kinh tế Nhật Bản tăng trưởng mạnh, người đó đang bị thất vọng ê chề.
Theo Japan Times, chính quyền của Thủ tướng Abe quyết định tăng tổng chi tiêu cho việc tái thiết các khu vực bị ảnh hưởng bởi thảm họa động đất-sóng thần ngày 3/11/2011 từ 19.000 tỷ yên 25.000 tỷ yên. Tuy nhiên, khoản tiền khổng lồ này không chắc đảm bảo công cuộc tái thiết sẽ thực sự làm cho các nạn nhân thiên tai lại cảm thấy hạnh phúc.
Trừ khi các quan chức chính phủ trung ương lắng nghe ý kiến của người dân địa phương trong những nỗ lực xây dựng lại cộng đồng, các nạn nhân của động đất-sóng thần-hạt nhân còn sống sót có thể không còn tha thiết với việc xây dựng lại cuộc sống mới ở những miền đất cũ. Đặc biệt liên quan đến kế hoạch sơ tán dân đến những vùng cao an toàn hơn, ý kiến của chính quyền trung ương và cư dân địa phương có thể là trái ngược.
Do nhiều đô thị trong các khu vực bị thảm họa đang bị “mất dân”, công việc tái thiết cần được đẩy nhanh tốc độ. Thế nhưng, nếu chính phủ trung ương chỉ đơn thuần áp đặt kế hoạch chủ quan, sự hồi sinh của các khu vực bị thiên tai xem ra không mấy khả quan. Chính phủ trung ương cần khuyến khích chính quyền địa phương và người dân phát huy sáng kiến và nỗ lực nội tại.
Việc xây dựng các tuyến đê biển có thể phá hủy cảnh quan, tổn hại cho ngành công nghiệp du lịch địa phương. Trong khi đó, hiệu quả chống sóng thần của chúng vẫn còn là một câu hỏi chưa có câu trả lời.
Hồi sinh chậm chạp
Hai năm sau thảm họa động đất-sóng thần-hạt nhân ở Nhật Bản, nước Nhật vẫn ngập trong đống đổ nát” và cuộc sống ở những vùng bị tàn phá đang hồi sinh chậm chạp.
Những người sống sót vẫn đang phải vật lộn với tổn thương về tình cảm, tài chính…khi họ cố gắng bắt đầu cuộc sống mới. Khoảng 315.000 người vẫn buộc phải ly hương, trong đó có 150.000 người vẫn phải sơ tán vì các nguy cơ phóng xạ từ nhà máy điện hạt nhân gặp sự cố Fukushima.
Khu vực Tohoku bị tàn phá nặng nề nhất bởi ba thảm họa đồng thời “động đất-sóng thần-hạt nhân” và cuộc sống tại đây bị đảo lộn hoàn toàn. Sóng thần cũng đã làm thay đổi diện mạo kinh tế của khu vực.
Công cuộc tái thiết đã mang đến việc làm cho rất nhiều người trong ngành xây dựng. Thế nhưng, nó lại đảo lộn nhiều ngành công nghiệp khác nhất là ngư nghiệp và nông nghiệp. Nhu cầu về công nhân xây dựng cao gấp 3 lần, trong khi cung ứng lao động cho ngư và nông nghiệp giảm 2 lần.
Nhắc đến ngư nghiệp, ngư dân ở đây không khỏi chạnh lòng. Trước đây, Tohoku được ví như là “vựa cá của Nhật Bản”. Giờ đây, hai năm đã trôi qua sau thảm họa hạt nhân Fukushima, dù rất cẩn trọng trong việc lựa chọn cá, nhưng ngành nuôi trồng thủy sản vẫn phải chịu tiếng xấu “nhiễm phóng xạ” ở Nhật Bản và nhất là ở nước ngoài.
Trong khi đó, thành phố Rikuzentakara đã bị sóng thần gần như phá hủy hoàn toàn và cho đến giờ vẫn chưa thể thực sự khởi công tái thiết.
Để có thể thấy được tín hiệu tái thiết đầu tiên, cần phải đi ngược lên phía tây của thành phố. Trên một ngọn đồi, xe máy ủi và các loại máy móc đang mở các con lộ, san bằng ngọn đồi và đốn hạ cây thông tùng bách. Trong vài tháng sắp tới, tại đó sẽ mọc lên một trụ sở phòng cháy chữa cháy, một đồn cảnh sát và một dãy nhà ở.
Thế nhưng, thị trưởng thành phố Rikuzentakara đã phải chờ đợi đến hơn 14 tháng cho các loại giấy tờ thủ tục mới được phép bổ nhát cuốc đầu tiên. Ông lên án tình trạng quan liêu quá cứng nhắc của chính quyền trung ương. Để có thể đốn cây mở đường, ông phải đệ trình hồ sơ lên hai bộ Nông nghiệp và Lâm nghiệp. Phải thương lượng và cuối cùng phải đợi hàng tháng trời. Tiếp đến, đối với dự án đường sá, cần phải xin ý kiến của Bộ Giao thông và Cơ sở hạ tầng. Lại phải mất thêm mấy tháng chờ đợi. Và cuối cùng là giấy phép xây dựng.
Hiện tại, chỉ có những khu nhà tạm bợ được nhanh chóng dựng lên trong các khu công viên nằm ở trên cao và trong khuôn viên các trường học. Hơn 5.000 người vẫn sống tạm bợ trong các khu nhà này và không biết đến ngày nào mới thoát cảnh “ăn xổi, ở thì”.
TIN LIÊN QUAN:
ĐANG ĐỌC NHIỀU: