Nhật-Ấn bắt tay nhau đối phó Trung Quốc?

Google News

(Kiến Thức) - Chuyến thăm Nhật Bản của Thủ tướng Ấn Độ vượt xa khuôn khổ kinh tế, trong bối cảnh Trung Quốc có tham vọng bành trướng ở châu Á-Thái Bình Dương.

 Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe.

Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh bắt đầu lên đường công du Nhật Bản vào ngày 27/5. Trong số những chủ đề hội đàm chính có nội dung hợp tác trong lĩnh vực năng lượng hạt nhân và thu hút đầu tư Nhật Bản vào nền kinh tế Ấn Độ.

Khó có thể coi là ngẫu nhiên việc vài ngày trước đó, Ấn Độ đã đón tiếp vị tânThủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường. Còn Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cũng đã công du đến Myanmar.

Chuyến thăm của Thủ tướng Trung Quốc đến Ấn Độ song hành với hàng loạt tuyên bố đầy lạc quan từ cả hai bên, nói về sự cần thiết giải quyết mọi vấn đề trên cơ sở tinh thần láng giềng thân thiện. Thế nhưng, ngay sau chuyến thăm của Thủ tướng Lý Khắc Cường, từ Ladakh đã truyền đi thông báo rằng Trung Quốc không những không rút quân hoàn toàn khỏi Tuyến kiểm soát, mà thậm chí còn kịp xây dựng một con đường mới lấn sâu vào lãnh thổ Ấn Độ tới 5 km.

Chuyến thăm của Thủ tướng Nhật Bản đến Myanmar tuy ít có tuyên bố chính trị nhưng lại ghi dấu ấn bằng kết quả rất cụ thể: Nhật Bản xóa nợ cho Myanmar với số tiền không nhỏ là 1,74 tỷ USD và hứa cấp khoản tín dụng mới 500 triệu USD.
Tất cả những điều đó cũng như việc bắt đầu chuyến thăm của nhà lãnh đạo Ấn Độ Manmohan Singh đến Nhật Bản vào ngày 27/5 là biểu hiện rõ ràng về cuộc chơi hoàn toàn mới, bắt đầu diễn ra trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương cách đây 2 năm - khi Mỹ công bố “xoay trục” chiến lược và “trở lại châu Á”.

Nhà phân tích Boris Volkhonsky của Viện nghiên cứu chiến lược Nga nhận xét: “Mục đích cụ thể của việc xoay trục này rất rõ ràng. Đó là cố gắng ngăn chặn tham vọng bành trướng của Trung Quốc, một siêu cường thứ hai có khả năng trong tương lai gần trở thành đối thủ cạnh tranh với Mỹ không chỉ trong lĩnh vực kinh tế mà còn trên bình diện quân sự và chính trị. Chính điều đó dẫn đến sự quan tâm đối với Myanmar và các nước lớn đã  bắt đầu cuộc đua tranh thực sự để giành cảm tình của ban lãnh đạo hiện tại của đất nước này”.

Những kinh nghiệm trước đây khi sa lầy vào hai cuộc chiến tranh ở Trung Đông và tình trạng kinh tế suy thoái hiện nay đang buộc Washington bằng mọi cách tránh đối đầu trực tiếp với Bắc Kinh, cố gắng chuyển toàn bộ gánh nặng mâu thuẫn sang cho các nước ở khu vực, trong khi mỗi quốc gia ở đây đều đã tích tụ không ít vấn đề về quan hệ với Trung Quốc.

Thời điểm hiện nay khá thích hợp: bên cạnh xung đột cao độ chưa giải quyết xong vì vi phạm Tuyến kiểm soát ở Ladakh, còn cả tranh chấp lãnh thổ giữa Nhật Bản và Trung Quốc về quyền sở hữu quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Trong bối cảnh này, giới quan sát lưu ý đến thực tế là ông Manmohan Singh đã quyết định kéo dài thêm một ngày ở thăm Nhật Bản.

 Thủ tướng Manmohan Singh quyết định kéo dài thêm một ngày ở thăm Nhật Bản.

Yếu tố kinh tế của chuyến thăm này tự nó cũng nói lên điều đó. Đó không phải chỉ là câu hỏi mở rộng luồng đầu tư Nhật Bản vào các dự án cơ sở hạ tầng lớn như vào hành lang công nghiệp Mumbai-Delhi, mà còn cả về sự hợp tác trong lĩnh vực nhạy cảm như năng lượng hạt nhân, cũng như đề xuất ký kết hợp đồng cung cấp cho Ấn Độ các thủy phi cơ US-2 do Nhật Bản chế tạo.

Nhà phân tích Volkhonsky nói tiếp: “Bản thân sự kiện Ấn Độ-Nhật Bản xích lại gần nhau hiển nhiên là động thái tích cực. Hai quốc gia châu Á hùng mạnh này đã có mối quan hệ từ lâu. Kinh tế Ấn Độ là một trong những nền kinh tế phát triển nhanh chóng nhất ở châu Á. Còn Nhật Bản một vài năm trước đây đã phải nhường cho Trung Quốc vị trí dẫn đầu châu Á về GDP và chưa thể hồi phục sau ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng 2008-2009. Nhưng cùng với tân Chính phủ Nhật Bản, đã xuất hiện những dấu hiệu khôi phục sinh động. Vì vậy, mở rộng hợp tác là yêu cầu tự thân và cần thiết không chỉ cho cả hai bên, mà còn là động lực tốt cho việc hình thành không gian kinh tế chung của châu Á”.

TIN LIÊN QUAN:
ĐANG ĐỌC NHIỀU:



Văn Bình (theo VOR)

Bình luận(0)