Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson “âm thầm” thăm Châu Á

Google News

(Kiến Thức) - Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson “âm thầm” đến Tokyo hôm 15/3 trong chặng đầu tiên chuyến công du Châu Á, giữa lúc căng thẳng gia tăng với Bình Nhưỡng.

Chuyến đi châu Á của Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson - thăm Nhật, Hàn Quốc, Trung Quốc - lặng lẽ hơn so với chuyến thăm của những người tiền nhiệm.
Ngoai truong My Rex Tillerson “am tham” tham Chau A
Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson tiếp đón Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida. Ảnh: The Japan Times 
Theo BBC, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson không mang theo đoàn nhà báo ngoại giao như lệ thường. Chỉ có duy nhất một phóng viên của trang web Independent Journal Review được mời đi cùng. Phóng viên Erin McPike gần đây đã viết một bài về ông Tillerson, cựu lãnh đạo hãng dầu ExxonMobil.
Tuy nhiên, chuyến đi Châu Á của Ngoại trưởng Tillerson được xem là quan trọng tại một khu vực vốn đã rúng động vì những tuyên bố của Tổng thống Donald Trump.
Ông Donald Trump đã đăng trên Twitter là cần "đối đầu" với Trung Quốc, phê phán việc Trung Quốc quân sự hóa  Biển Đông. Ông cũng nói Hàn Quốc "nhờ vả chúng ta" và cáo buộc Nhật "thao túng tiền tệ".
Tại Nhật Bản, trọng tâm bàn thảo giữa hai bên có lẽ là vấn đề Triều Tiên. Bình Nhưỡng tiếp tục phát triển vũ khí hạt nhân bất chấp trừng phạt. Hai vụ thử hạt nhân và hơn 20 lần phóng tên lửa trong năm qua đã làm tăng căng thẳng.
Cả Nhật và Hàn Quốc đều nằm trong tầm ngắm tên lửa của Bình Nhưỡng. Hai nước cũng là đồng minh quân sự và có binh sĩ Mỹ đồn trú.
Ông Tillerson chắc sẽ kêu gọi Trung Quốc làm nhiều hơn, nhưng ông cũng phải tìm cách giảm bớt căng thẳng ở một chuyện khác. Mỹ đã triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD ở Hàn Quốc, với tầm ngắm xa tới Trung Quốc.
Vấn đề Biển Đông
Việc Trung Quốc bồi đắp và xây dựng trái phép các đảo nhân tạo trên Biển Đông gây ra tranh cãi lớn.
Hồi tháng 1/2017, phát biểu trước Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ, ông Tillerson đã so sánh việc này giống như Nga sáp nhập Crimea từ Ukraine.
Truyền thông Trung Quốc đã cảnh báo nếu Mỹ ngăn chặn Trung Quốc ở Biển Đông, điều này có thể dẫn tới đối đầu hay thậm chí "chiến tranh".
 Cuộc chiến thương mại
Tổng thống Donald Trump đã rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Đây là tin tốt cho Trung Quốc, vì Bắc Kinh vốn coi TPP là âm mưu kiềm chế Trung Quốc.
Trong lúc tranh cử, ông Trump cũng dọa đánh thuế 45% lên hàng hóa Trung Quốc. Hồi tháng Giêng, một cố vấn của Tổng thống Donald Trump là Anthony Scaramucci nói với BBC rằng một cuộc chiến thương mại sẽ khiến Trung Quốc trả giá nhiều hơn Mỹ.
Trong khi đó, Hàn Quốc đang sa vào khủng hoảng chính trị với việc phế truất Tổng thống Park Geun-hye. Bà Park ủng hộ chính sách đối ngoại của Mỹ, đặc biệt là chủ trương cô lập CHCND Triều Tiên.
Ứng viên tổng thống Hàn Quốc hàng đầu Moon Jae-in nói rằng nên có cách tiếp cận mới với Triều Tiên và lo ngại việc Mỹ triển khai Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) ở Hàn Quốc.
Kết hợp tất cả các yếu tố trên, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson sẽ phải rất khéo léo cân bằng giữa lợi ích của Mỹ và các nước để duy trì ổn định khu vực.
Minh Châu (BT)

>> xem thêm

Bình luận(0)